Khi đi taxi khảo sát Singapore về đêm, biết tôi là người Sài Gòn, bác tài đã giơ ngón tay cái và bảo “Việt Nam number one”. Tôi hỏi bác tài lý do của câu nói ấy và nhận được câu trả lời: “Vì ở Việt Nam 1 USD mua được 2 - 3 lon bia hoặc 1 bao thuốc lá ngon. Còn bên Singapore 1 lon bia phải 3 - 4 USD còn 1 bao thuốc phải 10 USD”. À ra thế, không biết nên tự hào hay tự hổ.
Số liệu được công bố trên trang ngoisao.net ngày 20.12.2004 nói Sài Gòn ước tính có hơn 45.000 quán nhậu các loại. Tới năm nay, chắc phải gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Nếu lấy theo số liệu cũ thì bình quân cứ 200 người dân có một quán nhậu phục vụ hết mình. Chia đều cho diện tích thành phố, kể cả đồng ruộng và sông hồ thì cứ 4,44 ha có một quán nhậu. Tỉ lệ này chắc chắn vô địch Việt Nam.
Nếu có thống kê, Việt Nam mãi mãi không có đối thủ về số lượng quán nhậu. Thiên hạ thường mời rượu như nghi thức trước bữa ăn để kích thích tiêu hóa. Việt Nam thì ngược lại. Uống và nhậu mọi lúc mọi nơi. Uống là chính và ăn là phụ vì ăn no khó uống nhiều, khó chứng tỏ bản lĩnh. Có 1.001 lý do để uống. Vui, buồn, không vui không buồn cũng uống tất.
Với tỉ lệ phân bổ như vậy, dân Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam nói chung, ai không biết nhậu là chuyện lạ, là hàng hiếm. Từ già đến trẻ, cả phụ nữ cũng nhậu. Không chỉ người thường mà cả thầy thuốc, thầy giáo và các bà mẹ đang cho con bú cũng nhậu xả giàn, chưa biết ai hơn ai. Đến Việt Nam, nhất là vào xế chiều và buổi tối, ra đường là gặp quán nhậu. Chỗ nào có quán nhậu là chỗ đó hay ùn tắc giao thông. Dân các nước có cụng ly khi uống bia rượu nhưng khí thế hừng hực “dzô dzô” chỉ có ở Việt Nam. Đến nỗi hướng dẫn viên Đài Loan (TQ) dặn khách Việt: “Vào chợ đêm, cứ thấy quán nào ồn ào, dzô dzô thì đích thị là đồng hương”.
Hầu như tất cả các con đường ở Sài Gòn đều có quán nhậu. Từ trung tâm đến ngoại thành, vùng ven. Từ mặt tiền đường cho đến những con hẻm nhỏ vài ba “xuyệt” (Hà Nội gọi là ngách). Từ những quán cao cấp, máy lạnh, có chân dài phục vụ đến những quán cóc bình dân với vài ba bộ bàn ghế. Có khi khách phải tự phục vụ; khách chủ cùng nhậu với vài con khô, bịch đậu phộng, mấy trái cóc ổi, dăm ba hũ rượu “thuốc”, mấy két hay vại bia hơi. Có hẳn những khu phố ăn nhậu đặc sản và cả đặc thù, không đụng hàng. Sài Gòn, Hà Nội đều không cho phép hàng quán hoạt động sau 24 giờ nhưng nhiều quán được bảo kê, cứ ung dung phục vụ tới sáng và tới bến.
Mồi nhậu cũng thượng vàng hạ cám. Từ các loại hải sản; đủ thứ thịt rừng kể cả thú bị cấm; thịt gia cầm, gia súc; các loại côn trùng; thú quý hiếm và động vật lạ... càng hiếm, độc càng hút khách. Hễ có cầu là có cung, có tiền là có tất. Cứ “con gì cọ quậy mà bỏ vào mồm nhai không chết người thì đều có thể nhậu!”. Từ luộc, tái, nướng cho đến gỏi và cả “ăn tươi nuốt sống”. Thức uống cũng không chịu lép vế. Từ rượu tây thật với giá mỗi chai mấy triệu, đến rượu tây nhái chỉ vài trăm hay vài chục. Từ “kính thưa các loại rượu thuốc”, không rõ là thuốc bổ hay thuốc độc nhưng uống nhiều là say bổ ngửa. Từ các loại rượu bia nhập, bia nội, bia tươi, bia “lên cơn” tự sản xuất bằng cách pha cồn hay hóa chất đều là đặc sản. Ngà ngà rồi thì rượu bia gì cũng uống.
Năm 2016, nhà vệ sinh là 1 trong 5 ấn tượng để thu hút khách nước ngoài đến Nhật Bản, giúp ngành du lịch xứ Mặt trời tăng trưởng gần 30%. Chắc chắn là bia rượu Việt Nam cũng góp phần đáng kể vào con số 26% tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong năm 2016. Rất nhiều du khách Tây ba lô khoái đến Việt Nam vì bia rượu thoải mái. Chẳng nước nào khuyến khích du lịch ba lô như Việt Nam vì khó quản lý và thất thu thuế. Nước nào cũng có blacklist nhưng Việt Nam thì không. Hậu quả nhãn tiền là Sài Gòn đang phải "nuôi báo cô" mấy ngàn Tây ba lô ở lụi, làm đủ nghề và cả tệ nạn nhức nhối.
Khi đi taxi khảo sát Singapore về đêm, biết tôi là người Sài Gòn, bác tài đã giơ ngón tay cái và bảo “Việt Nam number one”. Tôi hỏi bác tài lý do của câu nói ấy và nhận được câu trả lời: “Vì ở Việt Nam 1 USD mua được 2 - 3 lon bia hoặc 1 bao thuốc lá ngon. Còn bên Singapore 1 lon bia phải 3 - 4 USD còn 1 bao thuốc phải 10 USD”. À ra thế, không biết nên tự hào hay tự hổ. Có đoàn khách Việt từ Malaysia qua Singapore, phải nhịn bia mấy ngày. Thấy nhà hàng trong khách sạn bán bia nên định mua xả thèm. Hỏi giá thì hỡi ôi “14 USD/chai bia 0,65 lít”. Đành nhịn thèm để về Sài Gòn chơi nguyên két cho đã. Luật của mấy xứ Hồi giáo mà áp dụng vào Việt Nam thì có khi nửa nước phải đi cấp cứu vì rối loạn tiền đình do thiếu bia rượu.
Bia rượu là nguyên nhân của nhiều tệ nạn xã hội, của tai nạn giao thông và nhiều hành vi bỉ ổi, dã man. Dù chưa có thống kê nhưng khó mà tưởng tượng nổi những hậu quả vật chất do bia rượu gây ra. Nguy hại hơn là những sang chấn về tinh thần và làm suy kiệt nòi giống. Việc này không thể tính toán và đo đếm bằng tiền. Có bán hết tài sản của các hãng bia rượu cũng không thể khắc phục được. Rượu bia thực chất là chất kích thích tiêu hóa dùng như thực phẩm chức năng nhưng phải vừa đủ và đúng liều lượng. Rượu bia là chất có cồn mà nốc vô tội vạ thì bao tử nào mà chịu nổi.
“Đường từ dạ dày đến nghĩa địa (của người Việt) chưa bao giờ ngắn thế” (Trần Ngọc Vinh, đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng năm 2015). An toàn và vệ sinh thực phẩm là vấn nạn nhức nhối hàng đầu hiện nay ở Việt Nam. Giữa ma trận hàng chục ngàn quán nhậu như vậy thì thánh cũng không thể kiểm tra nổi. Có bia rượu thì ai cũng dũng cảm gấp mấy lần bình thường. Ai cũng có khả năng dám nói và dám làm những điều mà khi bình thường cho vàng cũng không dám.
Một hãng bia nổi tiếng còn PR với slogan “Uống bia T. có trách nhiệm – Có bản lĩnh, có tất cả”. Trời ạ. Bản lĩnh là bản lĩnh gì? Vào quán nhậu là phải nói tới bản lĩnh uống không say, là “đô” nốc bia rượu. Vậy mà nhiều tờ báo không tiếc lời tâng bốc và ca tụng. Bia rượu tự thân không có lỗi, lỗi là ở các nhà kinh doanh dùng bia rượu để trục lợi trên sức khỏe giống nòi và đạo đức xã hội. Trừ các nước Hồi giáo, nước nào cũng bán bia rượu. Tuy nhiên, nước nào cũng có những quy định nghiêm ngặt, chế tài về việc mua bán, mở quán và dùng thuế để điều tiết.
Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít bia trong năm 2015 (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân (Vietnamnet ngày 26.9.2016). Bình quân mỗi đầu người, từ cụ già sắp xuống lỗ tới em bé sơ sinh, nốc gần 40 lít bia và 3 lít rượu trong năm 2015. Mức tăng trưởng rượu bia vẫn như ngựa không cương và chắc chắn chưa chịu dừng lại.
Phải chăng người Việt đang tự đầu độc mình? Thế thì trách ai bây giờ?
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng