Theo BS.CK2 Lâm Việt Triều - Trưởng khoa Phẫu thuật tim của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, hẹp van động mạch chủ là nguyên nhân thường gặp gây tắc nghẽn đường tống máu của thất trái.
Hẹp van động mạch chủ thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã trở nặng, đe dọa tính mạng. Các triệu chứng điển hình là đau tức ngực, khó thở, mệt khi gắng sức, khó thở khi ngủ, ngất xỉu… Các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện khi hẹp van động mạch chủ mức độ nặng.
Hẹp van động mạch chủ có nhiều biến chứng nguy hiểm khi tiến triển đến giai đoạn nặng. Nguy cơ đột tử ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ khít không có triệu chứng khoảng 1%, nhưng khi có triệu chứng con số này là 8-34 %.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng vừa phẫu thuật liên tiếp 2 bệnh nhân bị bệnh này. Bệnh nhân thứ nhất là anh Nguyễn Trung H. (46 tuổi, ngụ H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vào viện trong tình trạng khó thở nhiều kèm đau ngực, có dấu hiệu ngất. Bệnh nhân được chẩn đoán hẹp khít van động mạch chủ.
Sau khi hội chẩn với hội đồng chuyên khoa Tim mạch, ngày 30.12, ê kíp phẫu thuật viên đã tiến hành phẫu thuật thay van động mạch chủ cơ học, thay mạch chủ ngực lên bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Bệnh nhân được rút nội khí quản sau 12 giờ phẫu thuật, hiện bệnh nhân ăn uống tốt, đi lại bình thường và xuất viện ổn định.
Bệnh nhân thứ 2 là ông Nguyễn Văn Th. (62 tuổi, ngụ H.Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Bệnh nhân đều có tiền sử bị ngất nhiều lần ở nhà, đã được điều trị ở nhiều nơi nhưng tình trạng ngất không giảm. Lần này, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng bị ngất và đau ngực trái nhiều.
Qua thăm khám, siêu âm tim phát hiện bệnh nhân bị hẹp rất khít van động mạch chủ, vôi hóa rất nhiều. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm, có nguy cơ đột tử rất cao, nên sau khi hội chẩn phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu thay van động mạch chủ vào ngày 6.1.2020.
Sau phẫu thuật 6 giờ, bệnh nhân được rút nội khí quản. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt, vận động bình thường, hết đau ngực, không còn ngất.
Phẫu thuật van tim kết hợp phình động mạch chủ ngực là một bệnh lý rất phức tạp trong phẫu thuật tim với nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả như kỹ thuật của phẫu thuật viên và ê kíp, trang thiết bị…
Đa số các bệnh lý van tim đều tiến triển từ từ, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì, đến khi có biểu hiện lâm sàng thường là giai đoạn muộn, đã có suy tim hoặc biến chứng khác. Do đó, khám sức khỏe định kỳ là biện pháp tốt nhất để phát hiện các bệnh lý tim mạch nói chung cũng như bệnh van tim nói riêng.
Phong Phạm