“Tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, nếu ban hành cũng được, nhưng phải rõ ràng và khi ban hành, phải có 2 tiêu chuẩn khác nhau dành cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hoặc nếu vẫn ban hành một tiêu chuẩn, thì phải chia làm ra 2 phần”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản: 2 lối thoát cho tiêu chuẩn nước mắm

danviet | 12/03/2019, 06:05

“Tiêu chuẩn về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, nếu ban hành cũng được, nhưng phải rõ ràng và khi ban hành, phải có 2 tiêu chuẩn khác nhau dành cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hoặc nếu vẫn ban hành một tiêu chuẩn, thì phải chia làm ra 2 phần”.

Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội minh bạch Thực phẩm khi trao đổi với PV về dự thảo “Tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Thưa bà, là một người hoạt động lâu năm trong nghề thủy sản, cá nhân bà đánh giá như thế nào về việc các cơ quan chuyên môn đã xây dựng dự thảo “Tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” đang gây dư luận trái chiều hiện này. Trong thời điểm này, có cần thiết phải xây dựng và ban hành một tiêu chuẩn như vậy?

- Theo tôi, Tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, nếu ban hành cũng được, nhưng phải rõ ràng, không được lập lờ đánh lận con đen, khi đó quy trình sản xuất sẽ lẫn nhau, điều này rất nguy hiểm cho các nhà sản xuất. Bởi đã là tiêu chuẩn sản xuất nước mắm, sẽ có rất nhiều nhà sản xuất khác nhau với các quy trình khác nhau, mà chúng ta cần phải tham khảo từ chính họ.

Ngay trong các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, quy trình cũng khác nhau, ví như sản xuất nước mắm ở Nha Trang khác với Phú Quốc; Phú Quốc lại khác với Cát Hải. Vậy tại sao, khi xây dựng dự thảo tiêu chuẩn này, cơ quan soạn thảo lại không lấy ý kiến của các nhà sản xuất nước mắm địa phương?

Tại buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí vừa qua, TS. Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có cho rằng, thực chất của tiêu chuẩn quy phạm về thực hành sản xuất nước mắm cũng giống như GMP trong sản xuất nước mắm để nhằm nhận diện các mối nguy, từ đó đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu. Theo bà, vậy có nên cần một tiêu chuẩn như thế?

- Thực chất, về xuất khẩu, hiện các sản phẩm nước mắm truyền thống vẫn xuất sang EU và các nước khác mà không nhất thiết phải theo tiêu chuẩn Codex, chỉ cần tiêu chuẩn HACCP là được. Còn về GMP, theo tôi cũng cần, nhưng để áp dụng cho nước mắm, phải thực hiện có lộ trình, phải từng bước cấy lên với thời gian chuyển tiếp ít nhất 2 năm hoặc 3 năm. Sau đó, chúng ta sẽ kiểm tra lại xem thực tế thực hiện đến đâu.

Các nhà soạn thảo tiêu chuẩn cũng lập luận rằng, tiêu chuẩn này thực ra là tiêu chuẩn về quá trình, tức là kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào, đến sơ chế, chế biến, rót chai, đóng gói; mà trong quá trình đó các khâu sản xuất cũng cần được kiểm soát cả đối với nước mắm truyền thống?

- Thực ra, nhìn vào sản xuất nước mắm truyền thống, trông có vẻ bẩn, nhưng khi có muối vào, thì sẽ an toàn, sản phẩm hoàn toàn đạt chất lượng, không có vấn đề gì. Muốn thực hiện cả quá trình đó, chúng ta cần phải cầm tay, chỉ việc cho người dân từng việc cụ thể, thời tôi làm quản lý cũng như vậy. Sau đó, mới nâng cấp dần lên, rồi đặt ra cả vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm.

Vậy theo bà, trong thời điểm này, có nhất thiết cần ban hành tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm?

- Tôi cho rằng, đáng lẽ khi cơ quan nhà nước soạn thảo văn bản dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm, cần mời các nhà sản xuất nước mắm truyền thống tham gia, nhưng họ lại không mời. Do đó, nếu vẫn ban hành tiêu chuẩn này, có thể phải sửa lại một số chi tiết, khái niệm. Tốt nhất là nên chia tiêu chuẩn này thành 2 phần hoặc ban hành 2 tiêu chuẩn khác nhau và trả lại tên nước mắm truyền thống cho đúng nghĩa.

Được biết, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã vận động để thành lập Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống từ 3 năm qua. Vậy vì sao, đến thời điểm này, Hiệp hội vẫn chưa được ra đời để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên của mình, thưa bà?

- Về bản chất sâu xa, tôi cho rằng cần thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống. Tháng 7.2016, Bộ NNPTNT đã có hồ sơ gửi lên Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban vận động thành lập hiệp hội, nhưng không hiểu sao tới tháng 8.2016, Bộ Y tế lại gửi hồ sơ về việc thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam và được xử lý gửi đi trước, trong đó có sự tham gia của anh Trần Đáng.

Sau đó, chúng tôi có hỏi lại lý do, thì được Bộ Nội vụ trả lời là thiếu 100 đơn xin gia nhập hiệp hội nữa, ngay sau đó chúng tôi đã bổ sung được ngay. Song không hiểu sao, chúng tôi nộp xong, phía Bộ Nội vụ cũng không trả lời, không gửi cho ai.

Tiếp đó, một đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ có mời cả hai bên đến ngồi họp với nhau để thành lập một hội chung, nhưung song chỉ có các nhà sản xuất nước mắm truyền thống ra dự, còn các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp thì không. Vì thế, mà việc thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Xin cảm ơn bà!

“Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cũng không muốn diễn ra cuộc tranh luận, cãi vã nhau như thế này. Bản thân tôi, bây giờ cũng ăn chay rồi, cũng không sử dụng nước mắm, nhưng các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp không nên ép để lấy nốt thị phần còn lại của nước mắm truyền thống”.

(Bà Nguyễn Thị Hồng Minh)

Theo Ngọc Lê/Dân Việt
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản: 2 lối thoát cho tiêu chuẩn nước mắm