Để ngăn ngừa nguy cơ quan lại gây bè kết cánh cùng nhau đục khoét, xà xẻo của dân lành ở địa phương, nhà Lê sơ (1428-1527) đã có dăm ba cách để khắc chế phần nào vấn nạn “lợi ích nhóm” nơi đội ngũ đội mũ, đi hia này.
Các kỳ trước
Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương
Kỳ 2: Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt
Kỳ 3: Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước sâu mọt
Kỳ 4: Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng
Kỳ 5: Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ
Kỳ 6: Nhà Trần đánh quan tham nhũng bằng gậy để bêu nhục
Kỳ 7: Chuyện quan lại tham nhũng bán thông tin cơ mật cho phương Bắc
Kỳ 8: Nhà Lê xếp tham nhũng vào trọng tội, không được ân xá
Kỳ 9: Muốn biết quan chức tham ô hay không, xin mời hỏi nhân dân
Nhận thức rõ vai trò to lớn của đội ngũ quan lại có quan hệ tới sự yên bình hay nhiễu loạn, sự no đủ hay đói nghèo của dân tình ở các phiên, trấn, các đạo, triều đình Lê sơ hiểu rõ họ là những cánh tay nối dài của quyền lực trung ương nơi xa. Do đó, trong chính sách sắp xếp quan lại ở địa phương, pháp luật, điển chế nhà Lê sơ có một số điểm lưu tâm để giảm thiểu tệ bè cánh liên kết nhau mà bóc lột dân lành, những mong đội ngũ quan viên là những kẻ công bộc trong sạch, làm đúng trách nhiệm của kẻ ăn lộc nước, thay vua chăm “dân đen, con đỏ”.
Đối với đội ngũ quan lại trấn trị ở các địa phương, trong cuốn Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp có cho biết, triều đình thời Lê sơ “đã có lệ cấm quan lại không được trị nhậm ở hạt nhà cho quyến thuộc khỏi ỷ thế làm càn, cấm quan lại không được lấy vợ tại nơi trị nhậm hoặc tậu ruộng đất, nhà cửa ở nơi trị nhậm để tránh sự hà hiếp dân mà mua rẻ”. Rõ là việc không sắp xếp cho quan viên được trấn trị nơi bản quán là một việc làm hợp lý, thức thời. Đại Việt sử ký toàn thư cho hay, năm Đinh Tỵ (1497) vua Lê Hiến Tông định lệnh “nếu có người nào có quê quán ở ngay bản phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở gần nha môn mình làm việc, thì Lại bộ điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”.
Đây là biện pháp ngăn ngừa thân thích của quan viên nhờ vào người nhà làm quan mà cậy thế để ức hiếp, nhũng lạm dân lành. Không mua bán, tậu ruộng vườn, nhà cửa nơi mình đang làm “quan phụ mẫu”, không ngoài mục đích để ngoài việc không để viên quan ấy rơi vào cảnh “tình ngay lý gian” mà mất uy tín dù làm đúng, cũng không để cho dân sở tại vì sợ bóng quan lớn mà phải chịu thiệt thòi.
Luật pháp, điển chế nhà Lê sơ cũng cấm quan viên không được lấy vợ ở nơi trị nhậm để ngăn ngừa, phòng tránh tình trạng thân thích bên vợ viên quan đó nhờ oai quyền mà làm tội dân. Sách Thiên Nam dư hạ tập cho biết năm Bính Ngọ (1486), nhà nước đã có lệnh “cấm quan nhận chức ở các tỉnh ngoài lấy con gái thuộc bản hạt”. Nếu phạm vào lệnh cấm này, sẽ chịu mức phạt đánh 70 trượng, biếm 3 tư và bãi chức. Trong Quốc triều hình luật, điều 33 thuộc chương Hộ hôn đã thể chế hóa rõ ràng lệnh cấm của năm Bính Ngọ (1486): “Các quan ty ở trấn ngoài mà lấy đàn bà con gái trong hạt mình, thì xử phạt 70 trượng, biếm 3 tư và bãi chức”. Luật pháp thành văn đã quy định chặt chẽ, nghiêm minh như vậy, bảo sao quan lại dám vượt qua ranh giới pháp luật để đến nỗi thân bị phạm, mà chức tước, đỉnh đai không còn.
Ở cấp thấp nhất trong cơ cấu hành chính của hàng quan chức thời Lê sơ là các xã trưởng (từ năm Bính Tuất (1466) về trước được gọi là xã quan), nhà nước cũng thực hiện nhiều quy định, lệnh cấm để ngăn ngừa tình trạng kéo bè kéo cánh tạo nên sự liên kết quyền lực. Trước hết là quy định không cho anh em, thân thích cùng làm xã trưởng một xã. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng một xã”.
Ngẫm cổ lại suy kim, hiện nay ở nhiều địa phương, anh em, con cháu toàn thân thích ruột thịt được bổ nhiệm, cất nhắc “đúng quy trình”, rõ là họ chưa học bài học của tiền nhân, hoặc vì lợi ích cá nhân vị kỷ mà “nhắm mắt làm ngơ” để được “cố đấm ăn xôi” đấy chăng? Trắng đen thế nào, lòng kẻ trong cuộc biết rõ, mà mắt thế gian soi rọi, cũng chẳng có lầm đâu!
Tiêu chí chọn xã trưởng thời Lê sơ cũng rất chặt chẽ. Xã trưởng phải được bầu chọn từ những người có tuổi, có uy tín nơi sở tại, hoặc giám sinh, sinh đồ đã qua nghiệp “lều chõng”, gốc nhà lương thiện, biết chữ, có hạnh kiểm. Trong chuyên luận The Structure of Vietnam’s Village in Red River Delta and Its Relation with the State during the Le Dynasty (Cấu trúc của làng xã Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ và mối quan hệ của nó với nhà nước thời Lê), TS Yu Insun đã chỉ rõ: “Xã trưởng phải là một quan lại bậc thấp có tuổi, một cựu giám sinh hoặc một sinh đồ trên 30 tuổi, là người có học hành nhưng không đỗ đạt và là con cái của một gia đình nền nếp”.
Sách Thiên Nam dư hạ tập cho hay nếu xã trưởng nào “gian lận, ăn hối lộ, làm việc không công minh rõ ràng thì quan Hiến ty kiểm tra xem xét rồi tâu lên”. Dĩ nhiên khi xét ra tội, thì luật pháp nhà nước đã định, sẽ chẳng bỏ qua cho kẻ có tội, mà búa rìu dư luận nơi làng quê đất Việt, cũng là một thứ hình phạt ghê gớm chẳng nên coi nhẹ. Lệ chọn đặt xã trưởng năm Bính Thìn (1496) quy định rõ xã trưởng được bầu chọn rồi, còn phải chịu sự khảo hạch của quan châu huyện, xét thấy xứng đáng về năng lực, phẩm chất thì mới trình lên Lại bộ chuẩn định.
Với những quy định về việc sắp đặt quan lại có phần rõ ràng, chặt chẽ như vậy, nên nhà Lê sơ trong phần lớn thời gian góp mặt trong sử nước, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nơi công cuộc trị nước, an dân.
Trần Đình Ba