Trong số 11 vua nhà Trần từ Trần Thái Tông đến Trần Thuận Tông (gồm cả Dương Nhật Lễ nhưng không tính Trần Thiếu Đế quá nhỏ) thì chỉ có 2 vua có hoàng hậu là người ngoại tộc. Người thứ nhất là Trần Duệ Tông Trần Kính lấy Gia Từ hoàng hậu họ Lê. Người thứ hai là Trần Thuận Tông lấy Khâm Thánh hoàng hậu. Cả Gia Từ Hoàng hậu và Khâm Thánh Hoàng hậu cùng một gốc và là điềm báo cho việc nhà Trần mất bởi ngoại thích.
Ngoại thích là vấn đề đáng lo ngại trong các triều đại phong kiến xưa. Nhà Lý triều chính tan nát bởi dấu ấn ngoại thích từ dòng họ của các hoàng hậu rồi hoàng thái hậu. Bản thân nhà Trần có được cơ ngơi của nhà Lý cũng từ việc chính nhà Trần là một thế lực ngoại thích mạnh. Với sự hậu thuẫn tích cực của Trần Thị Dung mà nhà Trần đã dần dần chiếm quyền lực rồi chiếm ngai vàng của họ Lý.
Từ thực tế đó, nhà Trần ngay khi thành lập đã tuân thủ chặt chẽ việc phòng hờ ngoại thích bằng cách không kết hôn với người ngoài họ hay chính xác hơn là hôn nhân cận huyết. Trần Thủ Độ là làm gương cho các vua nhà Trần khi kết hôn với Trần Thị Dung là chị họ của mình. Nhưng trước đó, Trần Thủ Độ đã dàn xếp để cho cháu trai gọi mình bằng chú họ là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông kết hôn với Lý Chiêu Hoàng (cha của Trần Cảnh và mẹ của Lý Chiêu hoàng là anh em ruột).
Sau đó, Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông bỏ Lý Chiêu Hoàng để kết hôn với Thuận Thiên công chúa (chị ruột Lý Chiêu Hoàng) nên hôn nhân giữa Trần Thái Tông và Thuận Thiên công chúa cũng là giữa anh em họ với nhau. Thuận Thiên công chúa sau sinh cho Trần Thái Tông con trai là Trần Hoảng (tức Trần Thái Tông).
Năm 1258, Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm công chúa là con Trần Liễu, tức là con chú con bác lấy nhau. Thiên Cảm công chúa sinh cho Trần Thánh Tông con trai là Trần Khâm (tức Trần Nhân Tông). Sử chép: Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), tháng 2, Thái tử Trần Hoảng lên kế vị. Tháng 8 năm ấy, bà được sách phong làm Thiên Cảm phu nhân, rồi không lâu sau thì chính thức phong làm Hoàng hậu. Ngày 11.11 năm ấy, Hoàng hậu sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Khâm, tức Nhân Tông hoàng đế.
Năm 1274, Nhân Tông, con Thánh Tông, lấy Bảo Thánh, rồi Tuyên Từ, đều là con Hưng Đạo vương. Cần nhớ Hưng Đạo vương và Trần Thánh Tông chính là anh em họ với nhau nên suy ra hôn nhân của Trần Nhân Tông cũng là lấy chị họ nhưng có quan hệ xa hơn 1 đời so với các cuộc hôn nhân của Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông. Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu sinh cho Trần Nhân Tông con trai là Trần Thuyên (tức Trần Anh Tông).
Năm 1292, Trần Anh Tông lấy Văn Đức phu nhân năm 1292, là con Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, cháu nội Hưng Đạo vương. Sau Trần Anh Tông còn lấy Bảo Từ Thuận Thánh Hoàng hậu cũng là con của Hưng Nhượng vương.
Con của Anh Tông là Trần Mạnh, tức Trần Minh Tông lấy Huy Thánh tức Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu, con gái lớn Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn mà Trần Quốc Chẩn lại là em vua Anh Tông. Huy Thánh sinh cho Trần Minh Tông con trai Trần Hạo tức Trần Dụ Tông.
Năm 1349, Dụ Tông, con Minh Tông, lấy con gái thứ tư Huệ Túc công Trần Đại Niên là Huy Từ Nghi Thánh. Mãi 11 năm sau thì Trần Đại Niên mới được phong tước Vương. Từ việc phong tước này thì có thể thấy Trần Đại Niên tuy có cùng họ Trần nhưng ở nhánh khá xa so với dòng đang giữ ngai vàng.
Phả tộc nhà Trần - các vua được ghi chữ đỏ
Trong số 11 vua nhà Trần từ Trần Thái Tông đến Trần Thuận Tông (gồm cả Dương Nhật Lễ nhưng không tính Trần Thiếu Đế quá nhỏ) thì chỉ có 2 vua có hoàng hậu là người ngoại tộc. Người thứ nhất là Trần Duệ Tông Trần Kính lấy Gia Từ hoàng hậu họ Lê. Người thứ hai là Trần Thuận Tông lấy Khâm Thánh hoàng hậu. Cả Gia Từ Hoàng hậu và Khâm Thánh Hoàng hậu cùng một gốc và là điềm báo cho việc nhà Trần mất bởi ngoại thích.
Hãy bàn về việc Trần Duệ Tông lấy Gia Từ hoàng hậu họ Lê. Tại sao Duệ Tông lại lấy người ngoại tộc. Trần Kính vốn không được cơ cấu là người nối dõi nên không sợ bị vướng vào vòng ngoại thích nên mới lấy con gái nhà họ Lê. Thời gian bà làm vợ của Trần Duệ Tông không rõ, chỉ biết bà sinh ra người con trai là Trần Hiện vào ngày 6.3.1361. Bà cũng được cho là mẹ của Chương Vũ đại vương Trần Vĩ, con trưởng của Duệ Tông, được sinh ra vào khoảng năm 1359 nhưng mất sớm. Sẽ chẳng có gì đáng nói thêm nếu hoàng hậu họ Lê này không có ông anh họ tên Lê Quý Ly sau cải thành Hồ Quý Ly. Có thể nói chính nhờ là ngoại thích mà Lê Quý Ly thăng tiến vù vù rồi nắm binh quyền nhà Trần.
Năm 1370, các người con của vua Trần Minh Tông (gồm cả Trần Phủ, tức Trần Nghệ Tông và Trần Kính tức Trần Duệ Tông) liên kết với các tôn thất và các quan làm binh biến, lật đổ Nhật Lễ lập Trần Phủ lên ngôi. Năm 1371, Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông và Quý Ly trở thành quốc cữu. Trong thời gian chống Nhật Lễ thì anh em Nghệ Tông, Duệ Tông rất tin tưởng lòng trung thành của Quý Ly vi mối quan hệ ngoại thích.
Theo sử liệu, Quý Ly còn có hai người cô ruột là vợ thứ của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông, người khác sinh ra Trần Duệ Tông, do đó ông được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông lên làm vua. Trong trường hợp này, Trần Minh Tông chỉ lấy gái ngoại tộc làm vợ thứ và cũng không thể ngờ rằng những người con thứ của mình sau này lên làm vua.
Chính vì mối quan hệ hôn nhân truyền thống đó kèm theo sự tin tưởng tuyệt đối, khi anh em nhà Nghệ Tông nắm quyền, họ phong cho Quý Ly được làm Khu mật viện đại sứ và còn được gả em gái vừa góa chồng là công chúa Huy Ninh cho để mối quan hệ 2 nhà Trần - Lê (lúc này Quý Ly vẫn giữ họ Lê) thêm phần khăng khít.
Gia Từ hoàng hậu còn sinh cho Duệ Tông con trai Trần Hiện sau trở thành Trần Phế Đế. Sau khi Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành thì Trần Nghệ Tông với tư cách Thái thượng hoàng đã chọn con trai của Duệ Tông và Gia Từ hoàng hậu lên làm vua cũng là cách để kết thân Trần - Lê cho Quý Ly thêm yên tâm công tác.
Sau Trần Nghệ Tông lại nghe lời Quý Ly bỏ Trần Hiện khỏi ngai vàng và lập con nhỏ của mình là Chiêu Định Vương Trần Ngung lên ngôi, tức là Trần Thuận Tông. Thời điểm Trần Thuận Tông lên ngôi thì uy quyền của Quý Ly quá lớn đến mức có thể ép vua không lấy người cùng họ Trần mà lập con gái của Quý Ly là Thánh Ngâu làm hoàng hậu. Thực ra, Thánh Ngâu với Trần Thuận Tông cũng là anh em họ vì mẹ của Thánh Ngâu là Huy Ninh công chúa, em gái của Trần Nghệ Tông.
Sau khi Nghệ Tông qua đời, Quý Ly ép Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho con là Trần An, sau là Trần Thiếu Đế (tức cháu ngoại Hồ Quý Ly) để đi tu. Cuối cùng Hồ Quý Ly ép cháu ngoại nhường ngôi, kết thúc nhà Trần.
Có thể nói dù Trần Thủ Độ dù đã tính rất kỹ để tránh họa ngoại thích khi lập ra truyền thống để các vua lấy người cùng họ. Thế nhưng người tính không bằng trời tính vì dòng chảy lịch sử đã tạo ra kẽ hở để Hồ Quý Ly là ngoại thích từ những dòng nhánh không thể ngờ tới nhảy vào. Nếu phải tìm người trách trong việc tạo ra kẽ hở cho Quý Ly thì có lẽ là Trần Nghệ Tông vì khi còn cầm quyền, ông không chỉ 2 lần để người nhà Quý Ly làm chủ chính cung (thời Duệ Tông và Thuận Tông) mà còn để Quý Ly che mắt lừa dối hết lần này đến lần khác.
Anh Tú
Đọc thêm:
Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần
Thử giải mã chuyện Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông lấy chị dâu
Vua Trần Thái Tông và nỗi oan tình chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao
Điểm chung giữa Trần Thái Tông và Thành Cát Tư Hãn trong việc đối đãi với con hờ
Nhà Lý mất nước vì nạn thái hậu tham nhũng quyền lực
Trần Thủ Độ dẹp nạn thái hậu tham nhũng quyền lực