Báo Guardian (Anh) ngày 13.3 đưa tin: Nhà Trắng muốn lập chiến trường mới trên thế giới để đánh khủng bố. Ý tưởng quân sự xác định những chiến trường không tuyên bố này là “khu vực tạm thời có hành động thù địch”.
Nếu được thông qua, đề xuất này của Lầu Năm Góc sẽ cho các chỉ huy quân sự quyền rộng để ra lệnh tiến hành các cuộc oanh kích, truy quét và chiến dịch chống lại các thế lực địch thù, như họ đang có quyền này ở Iraq, Afghanistan và Syria.
Tổng thống Donald Trump hiện đang xét nhiều đề xuất quân sự, nhằm tăng tốc đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức khủng bố Al-Qaeda, một tham vọng mà ông từng đề cập khi tranh cử tổng thống. Chưa rõ việc xác định “chiến trường không tuyên bố” sẽ là một phần của kế hoạch này hay không.
Nước nào bị xác định là “khu vực thù địch” ?
Theo một quan chức chính phủ Mỹ, chưa rõ có bao nhiêu nước bị xác định là “khu vực tạm thời có hành động thù địch”.
Theo báo New York Times, những khu vực bị xác định là “chiến trường tạm thời” sẽ là vài vùng ở Yemen và Somalia. Lầu Năm Góc từ chối bình luận, chỉ nói đang tìm cách đạt được hoạt động cơ động hơn ở những chiến trường trải khắp thế giới.
Hồi tháng 2, báo Guardian từng đưa tin một số quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tranh luận về việc xác định Yemen là một chiến trường, và họ đồng ý giao quyền cho các chỉ huy tại chỗ để nhanh chóng triển khai đánh bọn khủng bố Al-Qaeda.
Hiện chưa rõ sự xác định “chiến trường không tuyên bố” có phù hợp với Luật Quyền lực chiến tranh (ký năm 1973) vốn cho phép tổng thống mở những chiến dịch quân sự đánh kẻ thù trong 60 ngày trước khi cần có sự cho phép của Quốc hội Mỹ.
Trên thực tế, đề xuất trên nhằm thay đổi một cơ chế quan liêu gây tranh cãi về chuyện mở những đợt tấn công sát thương như tấn công bằng máy bay không người lái và truy quét khủng bố, mà Nhà Trắng thời ông Barack Obama đã lập.
Cơ chế thời Obama có tên “Hướng dẫn chính sách của tổng thống” (PPG), theo đó chủ nhân Nhà Trắng cùng các cố vấn chống khủng bố ở Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) giữ vai trò quan trọng trong việc phê duyệt những vụ tấn công truy diệt “sống hoặc chết” vào nghi can khủng bố ở các chiến trường không tuyên bố như Yemen, Pakistan và Somalia.
Đề xuất của Lầu Năm Góc sẽ giao quyền phê duyệt cho các chỉ huy quân sự trong thời hạn 180 ngày, theo một quan chức biết việc nói với báo Guardian. Người này nói PPG của thời Obama đã trở thành một văn bản vô hiệu.
Đề xuất cũng giảm ngưỡng bảo đảm an toàn cho dân thường trong các cuộc tấn công, từ “gần như chắc chắn” rằng thường dân sẽ không bị hại thành “chắc chắn hợp lý”, tương tự tiêu chuẩn về chiến trường chính thức.
Theo New York Times, gần 40 cựu quan chức NSC - nhiều người phục vụ thời Obama - đã đề nghị chính phủ Trump giữ lại quy định hạn chế sự thương vong của dân thường.
Một cựu quan chức từng viết thư ngày 10.3 gởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, nêu chính phủ Mỹ chỉ “được dùng sức mạnh sát thương khi đạt mức độ “chắc chắn hợp lý” là đã xác định được rõ mục tiêu chính là khủng bố.
CIA có quyền lực ngầm để giết khủng bố
Trong khi đó, báo The Wall Street Journal đưa tin Tổng thống Trump đã trao thêm quyền lực bí mật mới cho Cục Tình báo trung ương (CIA) là cơ quan này được quyền tấn công nghi can khủng bố bằng máy bay không người lái.
Đây là một sự thay đổi đáng kể so với giải pháp hợp tác đã trở thành chuẩn thực hành ở cuối nhiệm kỳ của ông Obama: CIA chỉ được dùng máy bay không người lái cùng các nguồn tình báo khác để xác định vị trí của nghi can khủng bố, còn hoạt động tấn công tiêu diệt do quân đội Mỹ thực hiện.
Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích mạnh chính phủ Obama cho phép quá nhiều số thường dân chết oan từ các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, và đòi chính phủ Obama phải công bố số thương vong.
Nên giải pháp hợp tác giữa CIA và Lầu Năm Góc là một cách chính quyền Obama thể hiện sự minh bạch và chú trọng việc giải trình trách nhiệm: CIA hoạt động ngầm, không phải báo cáo số nghi can khủng bố hoặc dân thường bị giết trong các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng Lầu Năm Góc phải công khai báo cáo các vụ tấn công này.
Các quan chức Mỹ nói ví dụ điển hình của giải pháp hợp tác là thủ lĩnh Taliban, tên Mullar Mansour bị máy bay không người lái tiêu diệt ở Pakistan hồi tháng 5.2016.
Họ cũng nói quyền lực mới của CIA đã giúp tiêu diệt được tên Abu al-Khayr al-Masri, một chỉ huy cấp cao của Al-Qaeda ở miền bắc Syria hồi tháng 2.2017.
Vụ tiêu diệt tên con rể của trùm khủng bố Osama Bin Laden này đã được báo cáo cáo, nhưng trước đây không ai biết CIA vận dụng quyền lực ngầm mới được trao để thực hiện. Các quan chức Mỹ hiện vẫn xét kết quả vụ tấn công này.
Quyền lực mới của CIA được cho là chỉ áp dụng ở Syria, nhưng tờ báo Mỹ khẳng định CIA có thể lại tiến hành các vụ ném bom bí mật ở những nơi mà Mỹ tấn công khủng bố ở Yemen, Libya, Somalia.
Hồi đầu tháng 3, một máy bay không người lái đã tấn công hai người đàn ông ở làng nọ của Pakistan giáp biên giới Afghanistan. Dĩ nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ không nhận trách nhiệm.
Không rõ quyền lực mới của CIA có thể mở rộng đến đâu. CIA, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang thương lượng về một giải pháp dài hơi để tiến hành các chiến dịch chống khủng bố, và xác định bên nào sẽ có quyền làm gì, theo các quan chức cho biết.
Họ nói ông Trump trao quyền mới cho CIA ngay sau khi ông đến trụ sở CIA và nói chuyện với các quan chức tình báo vào ngày 21-1, tức một ngày sau khi ông làm lễ nhậm chức. Hiện Quốc hội Mỹ chưa duyệt Mike Pompeo,người được ông Trump đề cử làm giám đốc CIA.
Quyết định của ông Trump mở lại cuộc đấu đá giữa CIA và Lầu Năm Góc. Các tổ chức nhân quyền Bộ Quốc phòng mới có quyền tiến hành các vụ tấn công bằng máy bay không người lái.
Ông Christopher Anders, phó giám đốc của tổ chức Liên minh Các quyền dân sự Mỹ (ACLU,trụ sở tại Washington) nói: “Sẽ có rất nhiều vấn đề với chương trình máy bay không người lái và chương trình tìm và diệt mục tiêu, nhưng CIA nên đứng ngoài hoạt động tấn công tiêu diệt mục tiêu”.
Ông cũng nói Lầu Năm Góc nên áp dụng các cuộc tấn công này, để dễ giải trình hơn với các nhà hoạch định chính sách, Quốc hội và dân Mỹ: “Điều này không có nghĩa CIA không thể có một vai trò giúp sử dụng vũ lực để định vị các mục tiêu, nhưng quyết định tấn công hay không phải từ hệ thống chỉ huy của quân đội. CIA chỉ nên là một tổ chức thu thập-phân tích tin tình báo, chứ không nên là một đơn vị bán quân sự”.
+ Hiện ở Syria có khoảng 400 lính thủy đánh bộ Mỹ trang bị vũ khí hạng nặng, để giúp tấn công thủ phủ tự phong Raqqa của IS.
+ Tại Afghanistan, các chỉ huy đã phát tín hiệu muốn có thêm quân tăng viện cho vài ngàn quân hiện có.
+ Ở Iraq, sào huyệt cuối cùng của IS là Mosul có lẽ sẽ sớm bị thất thủ, và hai chính phủ Mỹ-Iraq đã “tỏ ra quan tâm” việc kéo dài thời hạn quân Mỹ trú đóng ở đây, theo chỉ huy chiến trường này, Trung tướng bộ binh Stephen Townsend đã cho các nhà báo biết ngày 1.3.
+Ở Yemen, bên cạnh một cuộc truy quét khiến nhiều trẻ em và một quân nhân của Lực Lượng SEAL chết, ông Trump đã cho tăng các vụ ném bom bằng máy bay không người lái.
+Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng máy bay không người lái có trang bị tên lửa để tiêu diệt nghi can khủng bố. Biện pháp này được áp dụng kể từ sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001.
+ Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Predator và Reaper được trang bị tên lửa để của Mỹ tấn công các mục tiêu ở nước ngoài được triển khai từ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, được mở rộng dưới thời chính quyền Obama.
Kim Hương (tổng hợp)