Không phải ông Vũ Hạnh chơi trội, lấy tên người ngoại quốc thay tên mình trong tác phẩm, nhưng đó là một lựa chọn thú vị.

Nhà văn Vũ Hạnh "ở ẩn" trong tác phẩm

Nhà thơ Thanh Thảo | 15/08/2021, 17:31

Không phải ông Vũ Hạnh chơi trội, lấy tên người ngoại quốc thay tên mình trong tác phẩm, nhưng đó là một lựa chọn thú vị.

Ngày chiến tranh ở miền Nam, khi độc giả đọc tập ký “Người Việt cao quý”, ai cũng tưởng đó là của một người ngoại quốc, một nhà văn Italia tên là A. Pazzi viết. Cuốn sách khiến người Việt tự hào khi đọc, vì nó nói được nhiều đức tính tốt, trên cả tốt, là quí báu, của người Việt.

Mãi sau này, người ta mới biết, cái ông nhà văn Italia tên A. Pazzi đó chính là… nhà văn Vũ Hạnh, đang sống và viết văn tại Sài Gòn.

Không phải ông Vũ Hạnh chơi trội, lấy tên người ngoại quốc thay tên mình trong tác phẩm, nhưng đó là một lựa chọn thú vị, nó đạt “mục tiêu kép” là dấu được tên mình sau tác phẩm do mình viết, để tránh mọi rắc rối với “Bộ Hốt-Cắt-Đục” Sài Gòn hồi đó, đồng thời khi cuốn sách ca ngợi người Việt lại do một nhà văn người Việt viết, tác dụng, hiệu quả chắc chắn sẽ không bằng do một nhà văn ngoại quốc viết.

Vũ Hạnh, ngay từ một trong những tác phẩm đầu tay, truyện “Bút Máu”, ông đã viết với một phong cách “ẩn mình” và “biểu tượng hai mặt”, theo cách nói của văn học miền Bắc hồi đó. “Biểu tượng hai mặt” là một thuật ngữ lý luận văn học tù mù, đúng ra, đó là viết theo bút pháp tượng trưng, một bút pháp không còn xa lạ với văn học phương Tây từ thế kỷ 18.

Khi Vũ Hạnh dùng bút pháp này để né tránh sự kiểm duyệt khắc nghiệt của chính quyền miền Nam, thì ở miền Bắc, một số nhà văn đã khốn khổ vì lối viết này, như Phùng Cung với truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh”, hay Phan Khôi với truyện ngắn “Ông bình vôi”.

Dù từng bị tù tới 5 lần, nhưng Vũ Hạnh là nhà văn Việt Cộng hoạt động đơn tuyến gần như duy nhất trụ lại được ở Sài Gòn cho tới ngày 30.4.1975.

Năm 2007, nhà văn Vũ Hạnh nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Khi lần đầu tôi gặp Vũ Hạnh ở nhà anh Hoàng Liên, một nhà văn, nhà báo, một “nguyên” đại úy hải quân trong quân đội Sài Gòn nhưng hoạt động cho cách mạng và đã lên chiến khu sau Mậu Thân 1968, tôi có cảm giác Vũ Hạnh hơi quá giữ gìn trước anh em Việt Cộng vừa từ Rừng về thánh phố là đám chúng tôi. Trong bữa tiệc mừng hòa bình, mừng gia đình sum họp do anh Hoàng Liên tổ chức tại nhà anh và mời anh em cùng cơ quan chúng tôi, Vũ Hạnh là khách mời đặc biệt, do ông là nhà văn nổi tiếng, lại là người của cách mạng, lại ở Sài Gòn suốt 20 năm mà vẫn “nguyên si” là một người Quảng Nam tỉnh, Thăng Bình huyện, cùng huyện với nhà văn Hoàng Liên. Và sau này tôi biết, Vũ Hạnh cùng huyện với anh Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên. Hóa ra, huyện Thăng Bình mà sau này tôi thường đi qua, thậm chí đi rất sâu tận xã Bình Dương anh hùng, lại là huyện có những nhà văn nhà báo nổi tiếng, như Vũ Hạnh, như Nguyễn Công Khế.

Sự dè dặt, kín tiếng mà tôi nhận thấy khi lần đầu gặp nhà văn Vũ Hạnh, thực ra, là kỹ năng của người hoạt động đơn tuyến thường có. Hoạt động đơn tuyến gần với tình báo, nếu gặp ai cũng bô bô tay bắt mặt mừng, chém gió tùm lum như tụi tôi thì… lộ hết.

Trong cuộc liên hoan ở nhà anh Hoàng Liên, tôi mới biết Vũ Hạnh là láng giềng của gia đình anh Hoàng Liên. Nhà Vũ Hạnh thuộc loại khá, so hồi đó, vì một trệt hai lầu. Hồi ở trong rừng, đọc báo Sài Gòn, tôi biết Vũ Hạnh xây được ngôi nhà này nhờ nuôi chim cút và…trúng. Hóa ra, ngoài tài văn chương, Ngài Vũ Hạnh còn rất năng động trong làm kinh tế. Nghe nói sau ngày hòa bình mấy năm, trong tình cảnh Sài Gòn cùng cả nước khốn khó, Vũ Hạnh đã năng động, lúc thì làm xà phòng, lúc lại nuôi cá trê phi, và còn nhiều hoạt động kinh tế nhỏ lẻ khác để đưa gia đình ‘vượt khó”.

Sau này, tôi tự hiểu, Vũ Hạnh sở dĩ năng động như thế vì ông vừa là nhà văn vừa là nhà báo, lại là người Quảng Nam gốc, thường rất nhanh nhạy trong làm kinh tế.

Nhà văn Vũ Hạnh không chỉ “ở ẩn” trong tác phẩm của mình, ông còn có một năng lượng lớn, một sức khỏe trên mức bình thường, dù trải qua bao thăng trầm. Năm ngoái, khi đã tròn 95 tuổi, theo anh em kể, Vũ Hạnh còn cưỡi xe honda chạy vèo vèo khắp Sài Gòn để lấy tư liệu viết sách. Năm 2020, Vũ Hạnh đã cho xuất bản tiểu thuyết “Người nhà Trời” nghe nói viết về những tay giang hồ nghĩa hiệp ở đất Sài Gòn xưa. Ông còn đang viết dở (hay đã viết xong) cuốn hồi ký kể chuyện đời mình, chưa kịp xuất bản thì ngày 15.8.2021, ông đột ngột qua đời.

Còn nhớ, ngày trước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng (Trần Hiếu Minh) kể chuyện cho chúng tôi về thời gian hoạt động bí mật ngay tại Sài Gòn, sau khi vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Ngày đó, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã hợp tác với nhà văn Vũ Hạnh cùng một số anh em trí thức yêu nước khác làm tạp chí TIN VĂN, một tạp chí văn nghệ có xu hướng dân tộc, yêu nước và dân chủ ngay giữa lòng Sài Gòn. Dù tạp chí có đời sống không dài, nhưng đã in đậm dấu ấn trong dòng văn học cách mạng ở các đô thị miền Nam và Sài Gòn hồi đó.

Tôi may mắn có mấy người bạn thân từng tham gia nhóm TIN VĂN, nên cũng biết một số chuyện.

Vũ Hạnh, đương nhiên là nhà văn nổi tiếng, nhưng cũng có thể xếp ông vào hàng ngũ những người làm công tác tình báo cho cách mạng ngay trong lòng Sài Gòn những năm tháng khốc liệt nhất. Và phải tôn vinh sự can đảm của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, khi ông “chịu chơi” tới mức vào hẳn trong lòng Sài Gòn, nằm hầm bí mật để chỉ đạo hoạt động của nhóm văn nghệ tiến bộ TIN VĂN.

Nhờ thế, tôi có được mấy người bạn thân ở TIN VĂN khi họ vào R (Rừng), những người bây giờ tôi vẫn thường xuyên liên lạc dù ở nước ngoài như anh Lưu Kiểng Xuân, ở một chung cư tận ngoại thành Sài Gòn như anh Ba Khanh (Nguyễn Khắc Vỹ).

Xin vĩnh biệt nhà văn Vũ Hạnh, cầu mong ông yên nghỉ cùng những nhân vật của mình, dĩ nhiên là những nhân vật ông yêu mến.    

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Vũ Hạnh "ở ẩn" trong tác phẩm