Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời để lại cho lòng người ái mộ âm nhạc những tiếc nuối. Một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Chiều mưa biên giới được ông sáng tác năm 1956.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: ‘Chiều mưa biên giới’ là biên giới nào?

02/03/2018, 16:45

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời để lại cho lòng người ái mộ âm nhạc những tiếc nuối. Một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Chiều mưa biên giới được ông sáng tác năm 1956.

Bài hát được mở màn với câu “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu”. Rất nhiều người nghe, thích câu này và cũng thắc mắc “biên giới” mà Nguyễn Văn Đông nhắc đến là “biên giới nào”.

Bài hát này được sáng tác vào năm 1956. Thời điểm này, Nguyễn Văn Đông vẫn là trung úy của quân lực Việt Nam cộng hòa. Thời điểm cuối 1955, ông giữ chức vụ Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu Đồng Tháp Mười và đến 1956 thì tham gia chiến dịch Thoại Ngọc hầu.

Chiến dịch Thoại Ngọc hầu là chiến dịch quân sự quy mô của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm đối phó với lực lượng của Ba Cụt (tướng Lê Quang Vinh). Tài liệu đăng trên báo CAND cũng xác nhận: “Vào ngày 5.1.1956, Dương Văn Minh phát lệnh một cuộc tấn công đại quy mô có mật danh là “Thoại Ngọc Hầu” nhằm vào lực lượng của Ba Cụt... Dù đang “nước sôi lửa bỏng”, thay vì ém quân thật kỹ, hàng ngày các tay súng của Ba Cụt vẫn ngang nhiên đột nhập vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp. Thậm chí, một vài nhóm phỉ còn nhận được lệnh bắt cóc công chức của Ngô Đình Diệm để tạo tiếng vang”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây với một tờ báo hải ngoại, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông từng kể về hoàn cảnh sáng tác bài Chiều mưa biên giới: “Khi ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu...”.

Như vậy, có thể thấy bài Chiều mưa biên giới do Nguyễn Văn Đông sáng tác vào năm 1956 là nói về biên giới Việt Nam – Campuchia để tả tâm trạng của người lính khi tham gia chiến dịch Thoại Ngọc hầu.

Câu sâu lắng nhất trong Chiều mưa biên giới phải kể đến đoạn cuối đầy triết lý nhân văn:

"Người đi khu chiến thương người hậu phương.

Thương màu áo gởi ra sa trường.

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng

Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi".

Không phải người hậu phương thương người đi ra chiến trường mà ngược lại chính người ra sa trường nghĩ và thương cho người ở hậu phương. Ở đây, có sự đồng cảm rõ giữa Nguyễn Văn Đông và nhà thơ Hữu Loan trong bài Màu tím hoa sim (sáng tác 1949) với câu:

“Nhỡ khi mình không về

thì thương

người vợ chờ

bé bỏng chiều quê...”

Cùng là người khoác áo lính, với những âm hưởng đậm chất lính nhưng lại rất nhân văn, trong tâm trạng rất thật của con người, Nguyễn Văn Đông và Hữu Loan để lại cho chúng ta những tác phẩm bất hủ, lắng đọng mãi lòng người.

Cuối tháng 7.2017, bài hát Chiều mưa biên giới được nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giới thiệu trong album "Tình bơ vơ" sau khi anh xin và được cấp phép biểu diễn.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: ‘Chiều mưa biên giới’ là biên giới nào?