Theo Bộ Công an, những năm gần đây, lừa đảo trực tuyến đã và đang trở thành vấn nạn trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Kẻ lừa đảo lợi dụng bối cảnh bùng nổ CNTT để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Bộ Công an đã chỉ ra các dấu hiệu, biện pháp phòng tránh đối với hình thức lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch…) giá rẻ.
Thứ nhất, kẻ lừa đảo sẽ đăng tải bài viết quảng cáo các loại hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn so với thị trường. Khi người dân liên hệ, chúng tạo vỏ bọc uy tín và yêu cầu người dân chuyển tiền đặt cọc hoặc trả tiền trước, sau đó chiếm đoạt số tiền đó của nạn nhân.
Thứ hai, kẻ xấu đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm thị thực (visa) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển đặt cọc hoặc thanh toán trước chi phí, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Cuối cùng, chúng viện ra nhiều lý do khác nhau để không trả lại tiền.
Thứ ba, chúng giả mạo website hoặc fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch rồi chiếm đoạt tiền, chặn liên lạc.
Thứ tư, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, đăng tải nhiều bài viết thể hiện việc đặt vé máy bay cho nhiều đoàn khác.
Nếu khách hàng liên hệ, chúng sẽ gửi mã đặt chỗ để làm tin. Sau khi nhận thanh toán, chúng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc.
Để phòng tránh bị lừa đảo, Bộ Công an đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn mua sắm hàng hóa hoặc các gói dịch vụ trên mạng. Người dân nên lựa chọn mua hàng, đặt tour… của những công ty uy tín.
Với những trang mạng xã hội hoạt động mua bán, quảng bá gói du lịch, nhất là các gói du lịch giá trẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có tích xanh (đã được xác thực), hoặc chọn những trang mạng xã hội uy tín mà bản thân biết rõ thông tin của người bán.
Đặc biệt, Bộ Công an khuyên người dân nên lưu lại các thông tin liên quan để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Trong trường hợp người dân nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, nên xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân; trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, người dân có thể liên hệ với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị được hỗ trợ. Đặc biệt, lưu lại tất cả thông tin (lịch sử trò chuyện, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng…) và cung cấp cho cơ quan công an khi trình báo.
Bộ Công an lưu ý người dân nên cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển điện tử. Cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa.