Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng “Sau dịch COVID-19, ngành du lịch ĐBSCL đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL phối hợp với TP.HCM ra sức phục hồi, phát triển du lịch tình hình mới. Tuy nhiên, khó khăn này phải có thời gian, từng bước khắc phục”.

Nhận diện những khó khăn trong phục hồi du lịch sau đại dịch

Nguyễn Du Hạ Long | 15/04/2022, 15:33

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng “Sau dịch COVID-19, ngành du lịch ĐBSCL đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL phối hợp với TP.HCM ra sức phục hồi, phát triển du lịch tình hình mới. Tuy nhiên, khó khăn này phải có thời gian, từng bước khắc phục”.

Người dân thay đổi tâm thế du lịch

Dù đã mở cửa từ ngày 15.3, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, như dịch bệnh COVID-19 còn dây dưa ở nhiều quốc gia, chiến tranh Nga - Ukraine... khiến cộng đồng du khách quốc tế chưa đẩy mạnh các hoạt động du lịch. Đặc biệt, hiện nay khách du lịch châu Âu đang gặp phải rất nhiều khó khăn do cản trở về đường bay, nhất là khi tập quán du lịch thường thấy ở nhóm khách du lịch quốc tế cũng cần phải lên kế hoạch dài ngày, tính toán các yếu tố rủi ro rất kỹ lưỡng khi bắt đầu một chuyến đi.

Do đó, họ phải có thời gian chuẩn bị từ 6 tháng đến một năm trước chuyến đi của mình. Chính vì vậy, trong thời gian tới, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có thể chưa nhiều, lượng khách sẽ chủ yếu là khách châu Á.

le-hoi-bdg.jpg
Du khách tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Dạo một vòng quanh các cơ sở lưu trú tại trung tâm TP.Cần Thơ, chúng ta nhận thấy không khí du lịch tấp nập đang dần quay trở lại. Khách sạn đông khách đặt phòng hơn, các điểm tham quan tấp nập du khách hơn. Tuy nhiên, các công ty du lịch vẫn chưa tìm lại được nhịp độ phục vụ như trước đây, các hướng dẫn viên vẫn chưa có nhiều “đất diễn” trong bối cảnh bình thường mới, bởi vì tâm lý du khách trong nước đang có nhiều sự thay đổi sau những đợt dịch vừa qua. Trao đổi với vài du khách khi đến họ tham quan tại TP.Cần Thơ, thấy rõ đa số du khách từ các địa phương vùng ĐBSCL chọn giải pháp tự du lịch. Du khách tự kết nối các thành viên trong gia đình với nhau, sau đó đặt xe khách để tổ chức tham quan vui chơi trong vòng 1 - 2 ngày, thay vì đặt dịch vụ của các công ty du lịch tham quan dài ngày từ 5 - 6 ngày như trước đây. Họ tận dụng những dịp cuối tuần hoặc dịp lễ của đất nước, như dịp Giỗ tổ Hùng Vương vừa rồi.

den-hung-ct.jpg
Du khách tham quan Đền Hùng tại TP.Cần Thơ - Ảnh: Internet

Riêng đối với các doanh nghiệp thường tổ chức những tour tham quan cho nhân viên, hiện vẫn còn tâm lý quan ngại, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phục hồi sau đại dịch. Hơn thế nữa, tâm lý lo ngại thiếu hụt nhân sự bởi dịch COVID-19 vẫn hiện hữu, làm cho các tour theo đoàn, các hoạt động team-building chưa được các doanh nghiệp đăng ký với các công ty lữ hành như trước.

Các doanh nghiệp lữ hành cần linh hoạt hơn trong việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sao cho phù hợp với những nhóm nhỏ, hộ gia đình. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp lữ hành cần xây dựng các kịch bản ứng phó, chẳng hạn có ca F0 xuất hiện giữa chương trình du lịch, để vừa đảm bảo các tour tham quan được suôn sẻ, vừa đảm bảo an toàn cho khách.

banh-dan-gian-nam-bo.jpg
Bánh dân gian Nam Bộ tại lễ hội văn hóa, ẩm thực - Ảnh: Văn Kim Khanh

Những xu hướng du lịch sắp tới

Qua quan sát tình hình du lịch gần đây, chúng tôi cho rằng xu hướng phát triển du lịch sắp tới, đặc biệt là dịp lễ 30.4 - 1.5 như sau: Về sản phẩm du lịch, nhìn chung sẽ có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Do đó, nhóm các tour du lịch biển, địa điểm lưu trú là những resort tách biệt, ít tiếp xúc với những cộng đồng du khách khác sẽ được ưu tiên đặt hàng.

Cụ thể tại khu vực ĐBSCL, khi các nhóm nhỏ có sự gia tăng trong quá trình tham quan, các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan cần cân nhắc việc mở rộng bãi đỗ xe, các khu vực vui chơi công cộng cho nhóm hộ gia đình.

Phát biểu tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, về hành vi tiêu dùng của khách du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt tăng lên sau đại dịch. Xu hướng đi du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn của nhiều khách du lịch trong năm 2022.

Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), 80% khách du lịch đặt phòng, dịch vụ du lịch trong vòng 2 tuần trước chuyến đi, ngắn hơn nhiều so với trung bình 36 ngày ở thời điểm năm 2019. Xu hướng "staycation" được ưa chuộng trong năm 2021 sẽ tiếp tục phổ biến trong trong năm 2022. Đối với những chuyến đi đến các điểm đến xa, khách có xu hướng lựa chọn ít điểm hơn trong một chuyến, thời gian lưu trú cũng dài hơn tại một điểm đến.

Nguyễn Du Hạ Long - Phó Khoa du lịch - Trường Đại học Nam Cần Thơ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện những khó khăn trong phục hồi du lịch sau đại dịch