Chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL” ứng phó với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu bắt đầu từ năm 2023 ở Trà Vinh. Đến nay, chương trình đã mang lại những hiệu quả và tác dụng tốt.
Bảo vệ môi trường

Nhân rộng mô hình trữ nước tại ĐBSCL để ứng phó xâm nhập mặn và khô hạn

Văn Kim Khanh 07/11/2024 07:55

Chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL” ứng phó với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu bắt đầu từ năm 2023 ở Trà Vinh. Đến nay, chương trình đã mang lại những hiệu quả và tác dụng tốt.

xnm-1.jpg
Người nông dân gánh nước tưới cây ở Trà Vinh - Ảnh: Phương Thúy

ĐBSCL là phần hạ lưu sông Mekong với hai nhánh đổ ra biển là sông Tiền và sông Hậu. Diện tích toàn châu thổ là 36.000km2, trong đó diện tích có thể trồng trọt được khoảng 2,1 triệu hecta và đã trồng lúa 1,5 - 1,6 triệu hecta.

So với cả nước, diện tích ĐBSCL chỉ chiếm 12% nhưng sản xuất lúa chiếm tới 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo của vùng chiếm tới 90%; thủy sản chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, có thể nói ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước mà còn là trung tâm xuất khẩu nông sản hàng đầu của quốc gia và quốc tế.

xnm-7.jpg
Tập huấn người nông dân việc tích trữ nước cho cây trồng và sinh hoạt - Ảnh: V.K.K

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) vô cùng phức tạp, thời tiết cực đoan, hạn hán, sạt lở, bão lụt, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt… đã ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL.

Ưu điểm chính của khu vực ĐBSCL là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài các tuyến 14.826km; trong đó đường thủy nội địa quốc gia là 2.882km, đường thủy nội địa địa phương 11.944km. Nhưng đây cũng là yếu tố bất lợi cho khu vực vào mùa khô, mùa cạn khi lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong giảm thấp, tạo điều kiện cho xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người trong khu vực.

xnm-2.jpg
Đội kỹ thuật của Chương trình khảo sát người nông dân đang nắm tình hình thực tế - Ảnh: V.K.K

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học (Viện Khoa học tài nguyên nước), với tình hình hiện tại, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Đây là thiệt hại trong hoạt động sản xuất cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Song, các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, 2040 và 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.

Trước tình hình đó, để giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, Đảng và Nhà nước, các sở ban ngành địa phương cùng với các chuyên gia nghiên cứu tìm những phương án, giải pháp hiệu quả, bền vững để cùng nhau đối đầu trước thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước.

xnm-3.jpg
Lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trong nông nghiệp - Ảnh: Trần Thị Ngọc Bích

Cùng chung tay với chính quyền địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ người dân trong việc cải thiện tình trạng thiếu nước phục vụ các hoạt động canh tác và nước sinh hoạt vào mùa khô, giúp người dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn với trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam là đơn vị điều hành chương trình “Nhân rộng mô hình trữ nước sinh hoạt và nông nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL” do tổ chức Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ năm 2023 - 2024.

Chương trình hỗ trợ cộng đồng đã được triển khai từ tháng 8.2023 đến nay. Giai đoạn đầu chương trình, các chuyên gia đã nghiên cứu, khảo sát tại các địa phương trong khu vực và chọn ra 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề về xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô là Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre. Hiện nay, chương trình vừa hoàn thành giai đoạn 3, về cơ bản đã hoàn tất việc lắp đặt các mô hình trữ nước (100m3) và hệ thống tưới tiết kiệm trong nông nghiệp cũng như lắp bồn nước (mỗi bồn có thể tích từ 3.000 - 5.000 lít) và hệ thống xử lý nước sinh hoạt để người dân kịp thời trữ nước mưa cho mùa khô năm sau. Mỗi tỉnh lắp đặt 10 mô hình và hệ thống nước tưới trong nông nghiệp cùng 10 bồn chứa nước và hệ thống xử lý nước sạch trong sinh hoạt. Riêng tỉnh Trà Vinh lắp đặt 12 bồn chứa nước sinh hoạt.

Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt vật chất đến từng hộ dân, ban quản lý chương trình cũng đã triển khai các buổi tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng trọt, sử dụng nước hiệu quả, cách lắp đặt hệ thống tưới, hệ thống xử lý nước sinh hoạt… để người dân có thể chủ động thực hiện trong cuộc sống hằng ngày và hướng dẫn những hộ lân cận.

xnm-4.jpg
Trữ nước trong nông ngiệp theo chương trình - Ảnh: Phương Thúy

Bà Võ Thị Lục (57 tuổi) ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết: “Tôi rất biết ơn vì chương trình đã hỗ trợ gia đình tôi có bồn chứa nước lớn và hệ thống lọc nước có đèn UV diệt khuẩn. Gia đình tôi có người già và trẻ nhỏ, vào mùa khô hạn như đợt rồi hầu như không có nước sạch để nấu ăn, uống, trong khi nước ngoài sông thì mặn, những cái lu trong nhà chứa nước mưa nhưng không đủ xài. Giờ nhà tôi được hỗ trợ bồn 3.000 lít, có thể trữ được nhiều nước mưa xài dần cho mùa khô năm sau”.

xnm-8.jpg
Bà Võ Thị Lục bên bồn chứa nước do chương trình tài trợ - Ảnh: Trần Thị Ngọc Bích

Chương trình cũng tiếp tục theo dõi, đánh giá sự vận hành và tính hiệu quả của các mô hình để tiếp tục mở rộng và triển khai ở các địa phương khác.

Trong cuộc hội thảo về hạn mặn và những tác hại của nó với ĐBSCL vào tháng 4.2024, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Điệp (Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ) cũng đề xuất hướng dẫn người dân trữ nước ngọt; chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi cây trồng; nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn, mang lại giá trị kinh tế cao; sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn; trữ nước ngọt ở ven biển, có thể xây dựng hồ chứa nước ngọt như Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre đã làm để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích về quy định khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm
9 giờ trước Giáo dục
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, vì xét tuyển sớm, nhiều học sinh có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân rộng mô hình trữ nước tại ĐBSCL để ứng phó xâm nhập mặn và khô hạn