Có được trí nhớ tốt bất kế dòng chảy thời gian và tuổi tác là điều ai cũng mong muốn. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, thực phẩm có thể giúp trí não hoạt động tốt hơn và làm giảm nguy cơ “nói trước quên sau”. Theo đó, chế độ ăn uống hợp lý gồm nhiều trái cây, rau màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, thực phẩm giàu choline... có thể giúp cải thiện trí nhớ.
1. Rau lá có màu xanh đậm
Bông cải xanh, rau bina, cải xoăn, củ cải... là những thực phẩm bạn nên nhớ bổ sung vào thực đơn hàng ngày của bản thân cũng như gia đình. Bởi vì chúng là những loại rau giàu vitamin E, cung cấp chất chống ô-xy hóa và các chất bảo vệ tế bào não khỏi bị hư hại.
2. Cá
Các loại cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá bơn... giàu a-xít béo omega-3 nên đặc biệt có lợi cho sức khỏe não bộ và tim mạch. Ngoài việc tăng cường năng lực trí tuệ, ăn cá cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Bạn có thể ăn cá thường xuyên 3-4 lần/tuần. Trong trường hợp bạn không thích ăn cá thì có thể sử dụng những thực phám khác cũng chứa nhiều omega-3 để thay thế như quả óc chó, hạt bí ngô, đậu nành, hạt lanh...
3. Trái cây
Trái cày cũng là nguồn cung cấp các loại vitamin E, C, chất chống ô-xy hóa rất tốt. Bạn nên ăn đa dạng các loại quả nhiều màu sắc như chuối, xoài, dưa hấu, cam, táo... vì chúng chứa hợp chất glucosinolate, giúp ngăn ngừa việc suy giảm lượng acetylcholine trong hệ thần kinh trung ương, từ đó phòng ngừa bệnh Alzheimer. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nhiều quả bơ, dâu tây, quả việt quất để giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer, chống lại các gốc tự do và giúp nâng cao kỹ năng nhận thức.
4. Rượu vang đỏ
Uống rượu vang đỏ hoặc nước ép nho trong chừng mực vừa phải (mỗi ngày khoảng 1 ly với phụ nữ; 2 ly với nam giới) có thể cải thiện trí nhớ và nhận thức. Ruợu vang đỏ là lựa chọn tốt hơn vì nó giàu resveratrol - một flavonoid giúp tăng lưu lượng máu trong não và làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
5. Các loại hạt
Hạt hướng dương, đậu phộng, đậu nành, hạnh nhân, hạt dẻ... là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và giàu vitamin E, B6, folate. Các loại hạt này có thể tăng sức mạnh cho não bộ và tim, giúp cải thiện tâm trạng. Bạn có thể sử dụng chúng như những món ăn chơi, dùng để nhấm nháp khi rảnh hoặc chế biến thành những món ăn dùng trong bữa chính.
Ngoài ra, các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, mầm lúa mì, bắp... chứa nhiều vitamin B6 giúp cải thiện trí nhớ, giàu dưỡng chất folate có tác dụng kích thích não, giúp tăng lưu lượng máu đến não.
6. Trà xanh
Trà xanh chứa polyphenol, chất chống ô-xy hóa mạnh mẽ giúp chống lại các gốc tụ do. Uống trà xanh thường xuyên vì thế có thể giúp tăng cường trí nhớ và sự tỉnh táo, kìm hãm lão hóa não.
7. Lòng đỏ trứng
Choline là chất giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện chức năng não, nhất là cơ chế ghi nhớ của bộ não. Choline co nhiều trong lòng đỏ trứng (mỗi quả chứa 125mg chất này). Bạn có thể bổ sung chất này bằng cách ăn trứng hoặc thịt bò nạc, gan, súp lơ hay đậu phộng.
Theo Sức khỏe
Một số lưu ý về dinh dưỡng cho não:
- Ăn đa dạng thực phẩm và cung cấp thường xuyên đầy đủ dưỡng chất cho não. Duy trì đường huyết ổn định để cung cấp cho não với các bữa ăn chính và phụ cách nhau 3-4 giờ.
- Nên hạn chế calorie và chất béo bão hòa: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa (từ các nguồn như thịt đỏ, sữa toàn phần, bơ, phô mai, kem...) làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ làm giảm sự tập trung. Ăn quá nhiều calorie cũng có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.
- Với người cao tuổi, thực phẩm bổ não và giúp cải thiện trí nhớ là những loại chứa bột đường như cơm, bún, mì, khoai... nhằm cung cấp năng lượng cho tế bào não. Bên cạnh đó, cần lượng chất đạm (như thịt, cá, trứng) vừa đủ để cung cấp các axit amin cho việc dẫn truyền thần kinh trong não, giúp nhận thức suy nghĩ, phản xạ... Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất, vi chất khác cũng cần thiết cho não hoạt động hiệu quả.
- Việc sử dụng thực phẩm chức năng giúp bổ não, tăng trí nhớ sẽ cần thiết khi chế độ ăn uống không đảm bảo dưỡng chất và người sử dụng có biểu hiện thiếu chất dinh dưỡng hoặc co nguy cơ cao bị thiếu dinh dưỡng. Tuy nhiên, người dùng nên hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng trước khi sử dụng.
- Ngủ đủ giấc (7-8 tiếng/ngày) và luyện tập thể dục đều đặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trí nhớ. Nếu thiếu ngủ, não không thể hoạt động hết công suất, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề bị suy giảm. Tập thể dục giúp tăng ô-xy cho não và giảm nguy cơ rối loạn dẫn đến mất trí nhớ.