Theo dự kiến, ngày 26.10, TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong đại án BIDV liên quan đến ông Trần Bắc Hà.

Nhiều cựu lãnh đạo BIDV sẽ hầu tòa ngày 26.10

Nhã Thanh | 25/10/2020, 17:00

Theo dự kiến, ngày 26.10, TAND TP.Hà Nội sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong đại án BIDV liên quan đến ông Trần Bắc Hà.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh và chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (công ty “sân sau” của Trần Bắc Hà) cùng Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỉ đồng.

Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả.

Dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, nhưng theo sự chỉ đạo của Trần Bắc Hà, BIDV đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Công ty Bình Hà vay vốn.

Trong quá trình giải ngân, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỉ đồng.

Ông Trần Bắc Hà “ưu ái đặc biệt” Công ty Trung Dũng

Cáo trạng nêu rõ,  dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... nhưng tháng 8.2011, bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỉ đồng cho công ty này.

Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Về tất cả 26 khoản vay trên, 4 bị cáo trên đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỉ đồng.

bidv.jpg
Bị cáo Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam theo thứ tự từ trái qua và trên xuống - Ảnh: Internet

VKS xác định ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo BIDV chi nhánh Hà Thành thực hiện đề xuất phát hành L/C (thư tín dụng) cho Công ty Trung Dũng trước khi chi nhánh và các Ban của Hội sở báo cáo, đề xuất là ngược vơi quy trình cấp tính dụng của BIDV. Việc làm này của ông Trần Bắc Hà bị VKS xác định là “có ưu ái đặc biệt” cho Công ty Trung Dũng, gây áp lực cho một số cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành trong việc đề xuất phát hành L/C theo món khi công ty này không đủ điều kiện tài chính để trả nợ khi đến hạn. Do đó, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các hành vi sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của BIDV.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ông Trần Bắc Hà đã khai “không có mối quan hệ gì về tài chính với Công ty Trung Dũng”. Đối với khoản vay của Công ty Trung Dũng còn dư nợ hiện nay, ông Hà đã khai bản thân là người ký phê duyệt với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản lý tín dụng, trong đó phê duyệt đồng ý cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng và cấp L/C nhập khẩu hàng hóa.

“Khi cấp L/C cho khách hàng, do không đọc kỹ tờ trình tín dụng, không để ý các điều kiện tín dụng của Công ty Trung Dũng nên đã đồng ý cấp tín dụng cho khách hàng không đủ điều kiện tín dụng theo quy định”, trích lời khai của ông Hà thể hiện trong cáo trạng.

Với hành vi nêu trên, VKS xác định ông Trần Bắc Hà đã vi phạm các quy định về điều kiện cấp tính dụng, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ông Trần Bắc Hà đã tử vong nên cơ quan công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông.

Trong số 12 bị cáo có 8 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gồm Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc BIDV), Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu Phó tổng giám đốc BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), Phạm Hồng Quang (cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành), Đặng Thành Nam (cựu cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành).

4 bị cáo còn lại bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, gồm Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng), Trần Anh Quang (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều cựu lãnh đạo BIDV sẽ hầu tòa ngày 26.10