Đón Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) nhiều khu du lịch các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có chương trình đặc sắc để thu hút du khách.
Du lịch

Nhiều khu du lịch ở ĐBSCL phục vụ khách ngày Tết Đoan Ngọ

VKK - Lương Xuân Cao 09/06/2024 17:47

Đón Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) nhiều khu du lịch các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có chương trình đặc sắc để thu hút du khách.

cham.jpg
Điệu múa Chăm ở điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư - Ảnh: Lê Hoàng Ân

Tại điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (An Giang) vào ngày 8 và ngày 9.6 diễn ra các hoạt động như: trò chơi vận động - đố vui có thưởng, hát với nhau, biểu diễn phục vụ các tiết mục múa dân tộc Chăm - Khmer và giao lưu, được hướng dẫn múa, chụp ảnh cùng đoàn biểu diễn.

Tại đây, ngoài tham quan, đi ghe máy tham quan rừng tràm Trà Sư, du khách còn được phục vụ văn nghệ các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer; thưởng thức múa Chăm Tiếng trống Paranưng (có sử dụng ca khúc Tiếng trống Paranưng của nhạc sĩ Trần Tiến). Đó là những dịp mà người Chăm thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với thần linh. Múa Apsara theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì đây là điệu múa phục vụ cho các vị thần. Apsara đã hóa thân từ đó thành những vũ điệu uyển chuyển, mượt mà, ca ngợi vẻ đẹp, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp.

tra-su.jpg
Du khách tham quan điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư - Ảnh: V.K.K

Ngoài ra, chương trình còn có những bài hát và điệu múa truyền thống của âm nhạc đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.

Ông Lê Hoàng Ân - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch An Giang, kiêm Giám đốc Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư cho biết: “Chương trình bắt đầu từ ngày 8.6 nhằm phục vụ du khách vui Tết Đoan Ngọ theo âm lịch. Sau đó, cứ đến thứ 7 và chủ nhật hằng tuần chúng tôi có chương trình văn nghệ Kinh, Chăm, Khmer phục vụ du khách thường kỳ".

du-khach-duoc-phuc-vu.jpg
Văn nghệ phục vụ du khách tại điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư - Ảnh: V.K.K

Tại Sóc Trăng, trong các ngày 9 và 10.6 (nhằm ngày mùng 4 và 5.5 âm lịch), tại cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách diễn ra “Ngày hội sông nước miệt vườn Kế Sách” nhằm tôn vinh trái cây miệt vườn và người làm vườn Nam Bộ như: Cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi da xanh Kế An, bưởi năm roi Kế Thành, chôm chôm Phong Nẫm, măng cụt An Lạc Tây...

du-lich-my-phuoc.jpg
Du khách tham quan gian hàng trong ngày hội trái cây Mỹ Phước - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Hứa Văn Lến người dân địa phương cho biết: "Đã nhiều năm nay, vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng chục ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đổ về cồn Mỹ Phước tham gia lễ hội sông nước miệt vườn để tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các loại trái cây, các loại bánh dân gian Nam Bộ và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí...".

trai-cay-con-my-phuoc.jpg
Trái cây cồn Mỹ Phước - Ảnh: Lương Xuân Cao

Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, trải dài dài theo hướng tây bắc và đông nam, giữa hai bờ của hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, cách Biển Đông khoảng 45km. Từ trên cao nhìn xuống, cồn Mỹ Phước có hình bầu dục, hai đầu thu hẹp lại, ở giữa phình to, có chiều dài khoảng 5km, chiều ngang nơi rộng nhất 600m, diện tích tự nhiên khoảng 1.020ha.

Tương truyền, cồn Mỹ Phước được hình thành khoảng giữa thế kỷ 19, do sự bồi lắng của phù sa tại các cửa sông đổ ra Biển Đông. Thời Pháp, cồn được đặt tên là Công Điền, trước năm 1975 được đổi tên thành cồn Quốc Gia.

Huyện Kế Sách là thủ phủ cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng với diện tích lên đến 18.000ha, có nhiều loại trái cây đặc sản như sầu riêng, vú sữa, xoài, bưởi 5 roi, bưởi da xanh, mít, cam, măng cụt, chôm chôm, nhãn, mận.... Vào dịp Tết Đoan Ngọ, vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện vào giai đoạn thu hoạch rộ. Để giới thiệu đến người dân trong và ngoài tỉnh những loại trái cây đặc sản của huyện, trong nhiều năm qua, vào dịp mùng 5.5 âm lịch, huyện tổ chức Lễ hội sông nước miệt vườn tại cồn Mỹ Phước.

ocop-trai-cay-my-phuoc.jpg
Sản phẩm trái cây đạt chuẩn OCOP của cồn Mỹ Phước - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Cao Minh Thơm, Phó chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: "Trong Lễ hội sông nước miệt vườn năm 2024, mỗi địa phương có 1 gian hàng trưng bày các loại trái cây đặc trưng như bưởi da xanh, bưởi năm roi, mít, vú sữa, sầu riêng, măng cụt, nhãn, thanh nhãn, xoài, chôm chôm... chiếm 80% gian hàng trưng bày, còn lại sẽ trưng bày các loại cây, trái, củ (lạ, lớn, hiếm) và các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương".

Chiều 7.6, tại cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cần Thơ đã phối hợp với UBND quận khai mạc “Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc năm 2024”.

tan-loc-2.png
Cặp bí đao khổng lồ ở cù lao Tân Lộc, H.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ - Ảnh: B.H

Cù lao Tân Lộc, thuộc quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ là vùng đất cù lao bao bọc bởi dòng sông Hậu, hằng năm được phù sa bồi đắp. Cù lao Tân Lộc nay đã trở thành cù lao sông nước miệt vườn, quanh năm cây lành trái ngọt dâng cho đời những loại thơm ngon, đậm đà hương vị của miền sông nước. Từ năm 2017 đến nay, hằng năm cứ đến Tết Đoan Ngọ là diễn ra “Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc”, cù lao nhộn nhịp đón du khách khắp nơi gần xa đến tham quan, thưởng thức trái ngon…

Du khách đến tham quan “Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc năm 2024” ấn tượng với các gian hàng trưng bày “cây, củ, quả lạ” của các phường quận Thốt Nốt. Cây trái được trang trí nhiều hình ảnh lạ và đẹp mắt. Đó là cặp bí đao 85kg (trái 45kg và trái 40kg) của phường Thốt Nốt; củ khoai mỡ 13kg của phường Trung Nhất; chùm khoai mì (sắn) 32kg… Không chỉ vậy, du khách đến với Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc còn được dịp đến tham quan vườn sầu riêng 10ha tại vườn sinh thái Quang Phúc (khu vực Thạnh Phước 1, phường Thạnh Hòa); thưởng thức ổi ngon vườn ổi Cô Điệp, mận, dâu… và nhiều trái ngon sông nước miệt vườn cù lao Tân Lộc.

tan-loc-1.jpg
Cặp rồng từ sản phẩm cây nhà lá vườn - Ảnh: B.H

Tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Tân - Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt cho biết: “Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc được tổ chức thường niên diễn ra vào dịp mùng 5.5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) và kể từ năm 2017 trở đi, Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc đã trở thành lễ hội cấp thành phố, là một trong những hoạt động điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động du lịch trên địa bàn TP.Cần Thơ. Ngày hội năm nay có các hoạt động chính thức, tiêu biểu như các gian hàng quảng bá, du lịch, trưng bày sản phẩm OCOP; trình diễn thư pháp; hội thi “Trang trí, tạo hình trái cây nghệ thuật”; “Cây, củ, quả lạ”; giải “lân sư rồng”; hoạt động trò chơi dân gian; giao lưu đờn ca tài tử; hội thi chim hót, gà kiểng đẹp, chọi gà dân gian; hội thi cây cảnh bonsai…

Ngày hội trái cây cồn Mỹ Phước - Clip: Lương Xuân Cao
Bài liên quan
Cần Thơ: Hơn 3,7 triệu khách tham quan, du lịch
Chiều 18.7, Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch (VHTT-DL) TP.Cần Thơ họp sơ kết 6 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTT-DL cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 TP đã đón 3,7 triệu khách du lịch trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ngoại giao 'Cây tre Việt Nam' trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trường phái ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khu du lịch ở ĐBSCL phục vụ khách ngày Tết Đoan Ngọ