Thời gian gần đây, nhiều người đã mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin, gửi email để lừa đảo thu phí vay vốn, mở thẻ tín dụng giả. Kẻ lừa đảo đã lợi dụng tâm lý cả tin, cần vay tiền của khách hàng trong thời điểm kinh tế khó khăn vì chịu tác động của dịch COVID-19.

Nhiều ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong mùa dịch

Phan Thị Diệu | 31/08/2020, 12:44

Thời gian gần đây, nhiều người đã mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin, gửi email để lừa đảo thu phí vay vốn, mở thẻ tín dụng giả. Kẻ lừa đảo đã lợi dụng tâm lý cả tin, cần vay tiền của khách hàng trong thời điểm kinh tế khó khăn vì chịu tác động của dịch COVID-19.

Giả nhân viên ngân hàng để lừa đảo mở thẻ giả

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa phát đi cảnh báo về việc một số người mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí vay vốn, mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng. Theo đó, để tạo niềm tin, các đối tượng này đã lập trang web, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email với thương hiệu ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước vay vốn, cấp thẻ tín dụng.

Những người này sau đó chuyển 1 tấm thẻ nhựa (có thể kèm quà tặng, như đồng hồ…) đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định. Sau khi nhận tiền, kẻ lừa đảo chặn toàn bộ số điện thoại đã liên lạc, khách hàng không thể được giải ngân khoản vay hay sử dụng thẻ giả này.

Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB) cũng đã phát đi cảnh báo về chiêu lừa đảo mới này khi nhiều người giả nhân viên ngân hàng mở thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng để lấy tiền phí từ khách hàng. Theo CB, sau khi giả danh ngân hàng, kẻ lừa đảo chuyển 1 thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 200.000 - 300.000 đồng, thậm chí có khi lên đến 5 - 10% hạn mức thẻ tín dụng giả này. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông tin về việc xuất hiện một số người có hành vi giả mạo, tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Những người này đã lợi dụng tâm lý cả tin, cần vay tiền của người dân trong thời điểm kinh tế khó khăn chịu tác động của dịch COVID-19 để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo mới.

Techcombank cho biết thủ đoạn phổ biến của kẻ lừa đảo là quảng cáo trá hình trên mạng xã hội Facebook hoặc Zalo về các loại hình cho vay từ ngân hàng với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Khi người dân có nhu cầu và liên lạc, kẻ này mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ và tạo lòng tin bằng cách gửi thẻ tự chế, giả mạo nhân viên thẩm định hoặc chăm sóc khách hàng của ngân hàng.

Đáng chú ý, những chiêu lừa đảo này cũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Theo MB, những người giả danh này đã đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, CMND, sổ hộ khẩu) với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cần cảnh giác với những email, cuộc gọi giả danh

Trước chiêu lừa đảo mới này, các nhà băng khẳng định việc vay vốn và mở thẻ tín dụng tại ngân hàng được thực hiện đầy đủ quy trình; hoàn toàn không yêu cầu khách hàng nạp tiền, chuyển khoản hay thu phí mở hồ sơ vay vốn, thẻ tín dụng; không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay… Do đó, khách hàng cần cẩn trọng, cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn.

Khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, không cung cấp cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng... để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Để tránh bị lừa đảo, các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, nhất là mã OTP cho bất kỳ ai dưới hình thức nào. Khi phát hiện bị lừa đảo, ngoài việc thông báo cho ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời, người dùng cũng cần báo ngay với cơ quan chức năng theo đúng quy định để được điều tra làm rõ vụ việc và truy tìm đối tượng lừa đảo.

Ngoài ra, Techcombank còn khuyến nghị khách hàng cần chủ động tăng cường bảo mật thông tin ngân hàng cho thiết bị di dộng. Khuyến cáo này được đưa ra sau thông tin cảnh báo việc người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đang có nguy cơ bị tin tặc tấn công. Nguyên nhân là do các ứng dụng độc hại có thể dễ dàng đánh cắp thông tin người dùng qua hình thức giả mạo giao diện ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng.

Rủi ro này có thể xảy ra với tất cả điện thoại phổ biến sử dụng hệ điều hành Android chưa được nâng cấp lên phiên bản mới nhất; chưa cập nhật phần mềm cho thiết bị và những điện thoại đã bị bẻ khoá. Vì vậy, Techcombank khuyến nghị khách hàng nên cập nhật phần mềm cho thiết bị di động nhằm vá các lỗ hổng của hệ thống bảo mật cần thiết; không tải các phần mềm không rõ nguồn gốc…

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới trong mùa dịch