Ngày 8.12 chứng kiến chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad bị chấm dứt sau 24 năm cai trị Syria. Nhà lãnh đạo này tháo chạy khỏi đất nước khi lực lượng nổi dậy tiến vào thủ đô Damascus.
Trên đây là diễn biến mới nhất của cuộc nội chiến kéo dài suốt 13 năm, nổ ra từ năm 2011 và khiến hàng triệu người phải tị nạn, Syria trở thành địa điểm đấu đá quyền lực của các thế lực khu vực lẫn quốc tế.
Biểu tình khơi mào nội chiến
Tháng 3.2011, “mùa xuân Ả Rập” bùng lên ở Tây Á thúc đẩy phong trào biểu tình phản đối Tổng thống Al-Assad bắt đầu từ thành phố Deraa, sau đó lan rộng ra toàn Syria. Lực lượng an ninh tiến hành đàn áp dữ dội, bắt giữ hàng loạt người tham gia.
Đến tháng 8, Liên Hợp Quốc báo cáo trong 5 tháng đầu xung đột nổ ra có hơn 2.200 người bị lực lượng an ninh giết hại. Hội đồng Quốc gia Syria tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nổi lên như nhóm đối lập hàng đầu.
Leo thang và nước ngoài can thiệp
Tháng 11.2011, Syria bị đình chỉ tư cách thành viên Liên đoàn Ả Rập sau khi từ chối một kế hoạch hòa bình. Các nhóm đối lập phát động tấn công lực lượng an ninh ở Damascus và Aleppo.
Chính phủ Al-Assad đến tháng 3.2012 chấp nhận kế hoạch hòa bình do Liên Hợp Quốc thúc đẩy gồm rút vũ khí hạng nặng, ngừng bắn vì lý do nhân đạo, thả người bị giam giữ.
Tháng 8.2013 xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào vùng Đông Ghouta do lực lượng nổi dậy kiểm soát giết chết hàng trăm dân thường. Chẳng có phản ứng quân sự nào được thực hiện bất chấp Mỹ đặt ra “lằn ranh đỏ” về loại vũ khí nguy hiểm này.
Mỹ vào tháng 9.2014 thành lập liên minh chống tổ chức khủng bố IS, bắt đầu tiến hành không kích để hỗ trợ lực lượng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ vì vậy mà tức giận.
Tháng 9.2015, Nga chính thức can thiệp bằng cách triển khai máy bay chiến đấu và viện trợ quân sự cho chính phủ Al-Assad.
Bước ngoặt
Sau chiến dịch bao vây và ném bom kéo dài, quân đội Syria được Nga hỗ trợ thành công giành lấy Aleppo vào tháng 12.2016.
Sang tháng 11.2017, lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn đánh bại IS tại thành phố Raqqa, giáng đòn đánh mạnh vào tổ chức khủng bố này.
Khủng hoảng nhân đạo
Tháng 4.2018, quân đội Syria nắm quyền kiểm soát Đông Ghouta sau nhiều tháng giao tranh giằng co.
Từ tháng 12.2019 đến tháng 3.2020, một cuộc tấn công do Nga chỉ huy ở phía tây bắc Syria khiến khoảng 1 triệu dân thường phải sơ tán, gây nên khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất nội chiến.
Tháng 6.2020, Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm gây sức ép lên chính phủ Al-Assad.
Diễn biến gần đây
Tổng thống Al-Assad có được nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp khi chiến thắng cuộc bầu cử tháng 5.2021, bất chấp quốc tế hoài nghi tính công bằng của lần bỏ phiếu này.
Con đường hướng tới của bình của Syria vô cùng bất định, các thế lực bên ngoài tiếp tục định hình tiến trình nội chiến cũng như tương lai đất nước.
Bất ngờ đến vào tháng 12 năm nay. Lực lượng nổi dậy phát động tấn công chớp nhoáng và trong vòng hơn 1 tuần đã chiếm hàng loạt thành phố quan trọng, cuối cùng tiến về thủ đô lật đổ chính phủ Al-Assad.