Gần 9 năm đã trôi qua kể từ khi chính quyền Myanmar thời Thein Sein đơn phương tuyên bố đình chỉ công trình xây dựng đập Myitsone vào tháng 9.2011. Trên trang Diplomat, nhà phân tích Ruosui Zhang có bài viết về sự kiện này.

Nhìn lại quyết định hủy việc xây đập 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư tại Myanmar

25/07/2020, 17:18

Gần 9 năm đã trôi qua kể từ khi chính quyền Myanmar thời Thein Sein đơn phương tuyên bố đình chỉ công trình xây dựng đập Myitsone vào tháng 9.2011. Trên trang Diplomat, nhà phân tích Ruosui Zhang có bài viết về sự kiện này.

Đập thủy điện ở Myanmar - Ảnh: Internet

Việc xây dựng đập thủy điện gây tranh cãi này là một dự án đầu tư khổng lồ của Trung Quốc tại Myanmar, với tổng chi phí ước tính là 3,6 tỉ USD, diện tích hồ chứa quy hoạch lớn hơn cả Singapore. Việc đình chỉ theo sau các cuộc biểu tình công cộng ngày càng quyết liệt ở Myanmar biểu lộ sự phản đối đối với dự án đập Myitsone. Chính quyền Naypyidaw công nhận rằng quyết định đình chỉ này là dựa vào “ý chí người dân”, nhiều nhà phân tích đã rút ra rằng quyết định đình chỉ bất ngờ là chiến thắng của các hoạt động chống Trung Quốc và các phong trào chống xây dựng đập, sau quá trình chuyển đổi hệ thống chính trị trong nước của Myanmar. Nếu “ý chí người dân” thực sự đã khiến dự án đập Myitsone bị đình trệ, liệu các dự án ở nước ngoài khác của Trung Quốc có nguy cơ gặp phải số phận tương tự?

Dự án xây dựng đập không chỉ là dự án lớn duy nhất của Trung Quốc đang được xây dựng tại Myanmar vào thời điểm đó. Hai dự án trị giá hàng tỉ đô la khác là dự án mỏ đồng Letpadaung và dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc - Myanmar cũng gặp phải sự phản đối và áp lực công khai nghiêm trọng khi Myanmar bắt đầu chuyển đổi một phần từ chế độ quân sự sang chế độ dân chủ bán dân sự.

Mặc dù 3 dự án có sự tương đồng về thiết kế, thực hiện và phản ứng dữ dội từ phía người dân, những bước lùi mà chúng (3 dự án) trải qua rất khác nhau. Do dự án đập Myitsone bị cựu Tổng thống Thein Sein đình chỉ đơn phương, nên công trình xây dựng bị tạm gác mà không có bất kỳ thương lượng nào. Ngược lại, dự án mỏ đồng Letpadaung đã trải qua 2 năm đình chỉ, điều tra và đàm phán lại trước khi dự án hoạt động trở lại, trong khi dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc - Myanmar chưa bao giờ bị đình chỉ và đã đi vào hoạt động kể từ khi hoàn thành công việc xây dựng vào năm 2015.

Để hiểu lý do tại sao các dự án này có được các mức độ thành công khác nhau, cần phải tính đến bối cảnh của 3 chính phủ cầm quyền Myanmar liên tiếp trong những năm các dự án này đang hoạt động: chính phủ quân sự trước khi chuyển đổi thể chế vào tháng 3.2011, chính phủ bán dân sự Thein Sein từ tháng 3.2011 đến tháng 3.2016 và chính phủ dẫn dắt bởi Liên minh Quốc gia vì dân chủ cho đến giờ. Như thế, ta sẽ thấy “ý chí người dân” không phải là lý do duy nhất khiến Thein Sein đơn phương đình chỉ dự án đập Myitsone. Thay vào đó, mối lo ngại về an ninh quốc gia đã khiến các nhà lãnh đạo của Myanmar đưa ra các quyết định khác nhau đối với những dự án tương tự trong các bối cảnh khác nhau.

Kế hoạch cho cả 3 dự án đã được hoàn thành từ năm 2009 đến 2010, khi Myanmar vẫn còn được cai trị bởi chính quyền quân sự, được gọi là Hội đồng Hòa bình và phát triển liên bang. Myanmar đã trải qua các lệnh trừng phạt và sự cô lập của phương Tây trong thời kỳ chính quyền quân sự. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar, mà còn trở thành người ủng hộ chế độ lớn nhất trong cộng đồng quốc tế tại thời điểm này. Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là một trong những ưu tiên chính của lãnh đạo Myanmar, nhằm đảm bảo sự tồn tại của chế độ và an ninh quốc gia. Do đó, Myanmar thỏa mãn nhu cầu của Trung Quốc trong giai đoạn này vì việc từ chối Trung Quốc là không thể chấp nhận được.

Vào tháng 3.2011, Myanmar đã bắt đầu chuyển đổi quyền lực có kiểm soát và trong hòa bình. Chính quyền quân sự đã chính thức giải thể và được thay thế bởi một chính phủ bán dân sự mới được quân đội hậu thuẫn với cựu quan chức quân đội Thein Sein làm chủ tịch. Quá trình chuyển đổi chính trị không chỉ mở ra đáng kể không gian chính trị của Myanmar mà còn chấm dứt sự cô lập quốc tế mà Myanmar phải chịu đựng trong nhiều thập niên. Việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây đã làm giảm đáng kể mối lo ngại về nền an ninh quốc gia của các nhà lãnh đạo Myanmar và làm giảm sự kìm hãm của Trung Quốc đối với Myanmar. Do đó, cái giá trong chính trị của việc hủy bỏ các dự án đầu tư của Trung Quốc và làm mất lòng người ủng hộ chế độ trước đó đã giảm đáng kể.

Trong số 3 dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn, chi phí tiếp tục dự án đập Myitsone cao hơn nhiều so với 2 dự án còn lại do có thể có hàm ý bảo mật riêng. Việc xây dựng và vận hành đập Myitsone trao cho Trung Quốc cơ hội nắm quyền kiểm soát dòng chảy của con sông chính tại Myanmar, sông Irrawaddy. Các nhà lãnh đạo quốc gia Myanmar nhận thấy đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền an ninh quốc gia. Ngoài ra, cái giá trong chính trị của việc hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung Quốc - Myanmar là không thể chấp nhận được, do tầm quan trọng chiến lược của nó đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong việc thực hiện nhu cầu cung cấp năng lượng của chính Trung Quốc và vận chuyển năng lượng an toàn. Trong các cuộc họp với các đối tác Myanmar, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh rằng sự khoan dung của Bắc Kinh đối với bất kỳ vấn đề nào trong việc xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt thấp hơn nhiều so với bất kỳ dự án nào khác.

Theo nghĩa này, điều quyết định số phận khác nhau của 3 dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn dưới chính phủ bán dân sự là sự khác biệt về chi phí và lợi ích của việc hủy hợp đồng hoặc tiếp tục gắn liền với mỗi dự án, đặc biệt là liệu dự án có mang ý nghĩa an ninh quốc gia hay không.

Sau chiến thắng bầu cử Liên minh Quốc gia vì dân chủ vào tháng 11.2015, Liên minh đã thành lập một chính phủ mới vào tháng 3.2016 và bà Aung San Suu Kyi trở thành nhà lãnh đạo đứng đầu trên thực tế. Trái với nhiều dự đoán rằng quyền lợi của Trung Quốc ở Myanmar sẽ chịu nhiều thiệt hại nặng nề hơn, Aung San Suu Kyi đã từ bỏ phê phán Trung Quốc và đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng tham gia sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc kể từ khi nhậm chức. Đối mặt với các cuộc biểu tình quy mô lớn kêu gọi chấm dứt xây dựng đập Myitsone, bà Aung San Suu Kyi thậm chí còn thúc giục công dân Myanmar hãy nghĩ từ góc nhìn sâu xa hơn khi nói về cùng một dự án mà chính bà đã thúc giục chính phủ Thein Sein hủy bỏ 5 năm trước đó.

Những lo ngại về an ninh quốc gia một lần nữa được cho là lời giải thích hợp lý nhất cho lý do tại sao chính phủ được đa số bầu quyết định bảo vệ các khoản đầu tư không được tín nhiệm của Trung Quốc. Kể từ khi chính phủ Liên minh Quốc gia vì dân chủ nhậm chức, Myanmar đã phải chịu đựng các quan hệ quốc tế xấu đi và mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia do sự leo thang của cuộc khủng hoảng Rohingya. Trước sức ép quốc tế, Bắc Kinh không chỉ sử dụng cụm từ “người di cư từ Rakhine”, để mô tả những người tị nạn Rohingya chạy trốn sang Bangladesh, mà còn ủng hộ chính quyền Naypyidaw và bảo vệ Myanmar khỏi sự lên án quốc tế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Do đó, cái giá trong chính trị của việc khiến các dự án Trung Quốc gặp nguy hiểm, hoặc khiến mối quan hệ song phương Trung Quốc - Myanmar lâm nguy, lại một lần nữa gia tăng.

Trong 3 chính phủ Myanmar liên tiếp, có một logic nhất quán trong việc tính toán lợi ích chi phí của các nhà lãnh đạo Myanmar: logic an ninh. Theo thời gian, 3 dự án đã tiến triển tương đối suôn sẻ mỗi khi nền an ninh quốc gia Myanmar bị đe dọa bởi sự cô lập và lên án quốc tế do chính trị trong nước. Trong 3 trường hợp, dự án đập Myitsone đã gặp phải những thất bại nặng nề nhất vì những hệ trọng tiêu cực có thể xảy ra đối với nền an ninh quốc gia Myanmar. Nói cách khác, trong khi có thể có các yếu tố khác, logic an ninh kết nối tất cả các quyết định khác nhau mà chính phủ Myanmar đã đưa ra đối với 3 dự án lớn tương tự của Trung Quốc, trong các bối cảnh khác nhau.

Trường hợp của Myanmar nhấn mạnh những tác động tiềm tàng của những lo ngại về an ninh quốc gia đối với sự thành công của các khoản đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc. Ở các quốc gia bị cô lập và thanh trừng quốc tế như Myanmar, các mối đe dọa thực tế hoặc theo cảm nghĩ đối với nền an ninh quốc gia có thể đẩy các chính phủ vào quỹ đạo của Trung Quốc và khiến các nhà hoạch định chính sách có thể chấp nhận và bảo vệ các dự án đầu tư của Trung Quốc để đổi lấy hỗ trợ chính trị khẩn cấp. Ngược lại, nếu nước chủ nhà có ít mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia hoặc nhận được quan hệ quốc tế ổn định, quyền lực phủ quyết của Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ kém hiệu quả hơn đối với sự thành công của các khoản đầu tư ở nước ngoài.

Hoàng Phương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại quyết định hủy việc xây đập 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư tại Myanmar