Theo một số chuyên gia, chính sách lãi suất tiền gửi 0% với USD đang bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải áp dụng trở lại lãi suất với USD để tránh nguy cơ “chảy máu ngoại tệ”, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang chịu một số áp lực nhất định.

NHNN có nên tăng lãi suất USD trước nguy cơ ‘chảy máu’ ngoại tệ?

Phan Diệu | 19/07/2017, 07:00

Theo một số chuyên gia, chính sách lãi suất tiền gửi 0% với USD đang bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải áp dụng trở lại lãi suất với USD để tránh nguy cơ “chảy máu ngoại tệ”, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang chịu một số áp lực nhất định.

Nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ

Từ cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tiền gửi bằng USD xuống 0%/năm, theo chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Điều này đã tác động không nhỏ, khiến nhiều người có tâm lý tích trữ USD trước đây chuyển hướng tìm kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, chủ trương này trong thời điểm trước đây là đúng đắn và đã phát huy hiệu quả trong việc giảm đô la hóa, tăng nguồn cung USD, giúp bình ổn tỷ giá.

Tuy nhiên, giữa tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất USD lần thứ ba trong vòng 6 tháng. Mặc dù mức tăng đã được dự báo trước và không gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, nhưng áp lực lên lãi suất gửi USD trong nước ngày càng lớn.

Đặc biệt, chênh lệch lãi suất USD trong nước và thế giới ngày càng nới rộng. Nguy cơ “chảy máu” ngoại tệ và kiều hối suy giảm ngày càng rõ rệt. Tình trạng ngân hàng lách trần để huy động USD diễn ra phổ biến. Ngoài ra, lãi suất 0% đã khiến cho việc huy động tiền gửi bằng USD trở nên khó khăn hơn.

Theo một số chuyên gia, chính sách lãi suất tiền gửi 0% với USD đang bộc lộ một số bất cập và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải áp dụng trở lại lãi suất với USD, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang chịu một số áp lực nhất định.

Nên tăng lãi suất tiền gửi USD

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lẽ ra, việc tăng lãi suất tiền gửi USD trong nước phải bắt đầu từ đầu năm nay, vì thời điểm đó, Fed chưa tăng lãi suất, chưa tạo ra khoảng cách lớn giữa lãi suất tiền gửi USD trên thị trường quốc tế và Việt Nam.

“Hiện nay, khoảng cách đã rất lớn, sẽ không có lợi cho Việt Nam và nếu cứ giữ mức 0% như thế này chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch USD ra nước ngoài. Mỗi lần Fed tăng lãi suất lại tạo áp lực lên tiền gửi USD tại Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, NHNN nên xem xét việc cho phép các ngân hàng thương mại được quay trở lại trả lãi suất trên tiền gửi bằng USD. Hiện nay, lãi suất tiền gửi bằng USD của nhiều ngân hàng trên thế giới đã tăng lên, nên hệ thống ngân hàng của Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc tăng lãi suất USD là cần thiết, nhưng cần giữ chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD đủ lớn để người dân không chuyển từ tiền đồng sang USD.

“Việc tăng lãi suất USD sẽ gây thêm áp lực cho lãi suất tiền đồng, nhưng có lẽ chúng ta cần chấp nhận tác động đó để quân bình thị trường, vì Việt Nam đang cần lượng ngoại tệ lớn để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Mức lãi suất 0,5%/năm có thể chấp nhận được ”, ông Hiếu nhận định.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cũng nói rằng, NHNN cần nhanh chóng đưa lãi suất huy động USD quay lại. Bởi lẽ, xu thế USD trên thế giới đang và sẽ tăng. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhu cầu thực về sử dụng ngoại tệ, vay vốn ngoại tệ vẫn khá cao, nên huy động vốn ngoại tệ vẫn rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc áp dụng lãi suất huy động USD, dù có lên tới 0,5% thì vẫn rẻ hơn rất nhiều đi vay vốn nước ngoài với lãi suất ít nhất 1,5-2%/năm. Việc đưa lãi suất huy động USD lên trên mức 0% sẽ giúp hoạt động ngân hàng minh bạch hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín nhận định hiện tại, biểu lãi suất huy động USD ở nhiều nước đều phổ biến từ 0,5%-1%/năm, thậm chí một số quốc gia huy động USD qua chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 2%/năm. Trong khi đó, ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại vẫn huy động USD ở mức 0%/năm. Vì vậy, nếu NHNN tiếp tục duy trì lãi suất huy động USD ở mức 0% thì các ngân hàng sẽ khó huy động được USD trong dân.

Nên đầu tư kênh nào để sinh lợi cao nhất?

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất. Trong khi đó, mặc dù USD có xu hướng tăng, song với chính sách lãi suất tiền gửi 0%, dù USD có tăng 2-3% vẫn không có lợi bằng gửi ngân hàng với lãi suất 7%/năm. Tiền gửi ngân hàng là kênh tốt nhất và hầu như không có rủi ro.

Bất động sảncũng là lựa chọn đầu tư tốt, vì có lợi nhuận cao, thế nhưng ông Hiếu khuyên người dân nên thận trọng với phân khúc cao cấp vì đã có dấu hiệu cung lớn hơn cầu. Nếu chọn bất động sản, nhà đầu tư nên nhắm vào phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình, chọn những dự án có cơ sở hạ tầng đầy đủ và tiện ích tốt.

Đối với thị trường vàng, đây vẫn là kênh đầu tư có thể xem xét và sinh lời. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, giá vàng có thể giảm nên lướt sóng vàng thời điểm này có thể gánh lỗ. Chứng khoán cũng là kênh đầu tư tốt do hiện tại giá chứng khoán đang lên.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NHNN có nên tăng lãi suất USD trước nguy cơ ‘chảy máu’ ngoại tệ?