Đài CNN dẫn nghiên cứu mới xác định nho có lẽ đã không tồn tại nếu khủng long không biến mất khỏi hành tinh.
Khoa học - công nghệ

Nho tồn tại nhờ sự tuyệt chủng của khủng long?

Cẩm Bình 22:24 04/07/2024

Đài CNN dẫn nghiên cứu mới xác định nho có lẽ đã không tồn tại nếu khủng long không biến mất khỏi hành tinh.

Một tiểu hành tinh đâm vào Trái đất cách đây 66 triệu năm đã xóa sổ loài khủng long to lớn và chậm chạp, nhưng đồng thời tạo tiền đề cho nhiều động thực vật phát triển mạnh mẽ, trong đó có nho.

Hóa thạch hạt nho có niên đại 19 - 60 triệu năm tại Colombia, Panama, Peru mà giới khoa học phát hiện gần đây góp phần làm sáng tỏ cách loại trái cây này hiện diện và thiết lập chỗ đứng trên Trái đất. Theo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Nature Plants, một trong số đó là hóa thạch lâu đời nhất của thực vật họ nho từng được tìm thấy ở tây bán cầu.

nho.jpg
Hóa thạch hạt nho 60 triệu năm tuổi ở Colombia - Ảnh: CNN

Giám tuyển phụ trách cổ thực vật Fabiany Herrera (Bảo tàng Field) - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Đây là những quả nho lâu đời nhất được tìm thấy ở tây bán cầu, trẻ hơn vài triệu năm so với quả nho lâu đời nhất được tìm thấy ở phía bên kia hành tinh. Phát hiện này rất quan trọng vì cho thấy rằng sau khi khủng long tuyệt chủng, nho bắt đầu lan rộng khắp thế giới”.

Giống như mô mềm của động vật, trái cây khó được bảo quản tốt trong hóa thạch. Nhưng hạt giống lại có thể giúp giới khoa học xác định loài thực vật nào xuất hiện ở từng giai đoạn xuyên suốt lịch sử Trái đất. Đến nay hạt nho lâu đời nhất được tìm thấy ở Ấn Độ, có niên đại 66 triệu năm (khoảng thời điểm khủng long tuyệt chủng).

“Chúng ta luôn nghĩ đến khủng long vì chúng chịu ảnh hưởng lớn nhất, tuy nhiên sự kiện gây tuyệt chủng còn tác động rất lớn đến thực vật. Các khu rừng tự xây dựng lại bằng cách thay đổi thành phần thực vật”, theo ông Herrera.

Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết khủng long lớn di chuyển qua rừng làm cây cối đổ ngã, khiến rừng thoáng đãng hơn. Sau khi khủng long biến mất, các khu rừng nhiệt đới phát triển quá mức, cây mọc thành nhiều tầng. Rừng rậm rạp làm thực vật khó nhận được ánh sáng nên phải cạnh tranh nhau để giành lấy tài nguyên. Thực vật dây leo như nho có lợi thế hơn do biết leo lên tán cây cao. Ngoài ra, chim cùng động vật có vú đa dạng bắt đầu sinh sôi cũng giúp phát tán hạt nho.

Herrera còn chỉ ra hóa thạch mới phát hiện cho thấy sự tuyệt chủng đóng vai trò động lực chính trong quá trình phát triển của các khu rừng nhiệt đới. Ông muốn tìm kiếm thực vật hóa thạch khác như hoa hướng dương, hoa lan, dứa để xem chúng có tồn tại trong rừng nhiệt đới cổ đại hay không. Nghiên cứu nguồn gốc lẫn khả năng thích nghi của thực vật ở quá khứ giúp hiểu rõ cách chúng tồn tại trước tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phát biểu của Tổng bí thư gửi Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 4.7, Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội, cho ý kiến vào các nội dung theo thẩm quyền. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương gửi nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số ý kiến quan trọng để Hội nghị tham khảo trong quá trình thảo luận.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nho tồn tại nhờ sự tuyệt chủng của khủng long?