Báo South China Morning Post ngày 3.9 đã đăng bài giới thiệu một nhóm tình nguyện viên người Việt thực hiện các dự án nhằm giúp đỡ những người di cư Việt Nam và người vô gia cư tại Hồng Kông (TQ).

Nhóm tình nguyện viên người Việt giúp người vô gia cư tại Hồng Kông

04/09/2016, 06:38

Báo South China Morning Post ngày 3.9 đã đăng bài giới thiệu một nhóm tình nguyện viên người Việt thực hiện các dự án nhằm giúp đỡ những người di cư Việt Nam và người vô gia cư tại Hồng Kông (TQ).

Nhóm tình nguyện người Việt đang thực hiện dự án làm hệ thống làm mát tự chế từ chai nhựa và các mảnh gỗ cho người vô gia cư sống tại Thâm Thủy Bộ - Ảnh: South China Morning Post

Tại một xưởng nhỏ ở khu Du Đường, một nhóm tình nguyện viên đang làm hệ thống làm mát tự chế và thân thiện với môi trường từ chai nhựa và các mảnh gỗ. Họ vừa làm việc vừa nói chuyện bằng tiếng Việt. Nina To 34 tuổi, trưởng nhóm tình nguyện, cho biết họ mong hệ thống làm mát này sẽ giúp ích cho những người vô gia cư sống tại Thâm Thủy Bộ.

“Chúng tôi đã nghĩ đến những cách mà người vô gia cư có thể chống chọi với cái nóng. Nhiều người trong số họ đã cho chúng tôi biết rằng họ không thể ngủ được vì nóng. Chúng tôi không biết liệu hệ thống làm mát này có tác dụng hay không nhưng chúng tôi đang làm hệ thống này cho họ”, To cho biết.

Làm hệ thống làm mát là một trong nhiều dự án mà To và các tình nguyên viên khác đang thực hiện để giúp cộng đồng người vô gia cư ở Hồng Kông, trong đó có một số dễ bị tổn thương nhất là người Việt Nam.

Hoàn cảnh ra đời của nhóm tình nguyện

Từ năm 1975 đến năm 2.000, có hơn 200.000 người rời Việt Nam sang Hồng Kông và sống trong 40 trại tị nạn. Sau đó, khoảng 70.000 người bị trả về nước; 140.000 người định cư ở nước ngoài; 1.000 người còn lại được cấp thẻ căn cước Hồng Kông.

Được cho phép cư trú vĩnh viễn tại Hồng Kông sau khi sống 7 năm tại đây mà không vi phạm pháp luật, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều người sống bấp bênh và không có nhà. Hiện tại hầu hết người Việt vô gia cư tại Hồng Kông hoặc là người di cư đã sống tại đây vài chục năm qua, người di dân kinh tế hoặc người yêu cầu được bảo hộ.

To và gia đình là một trong những người Việt chạy sang Hồng Kông năm 1987. Lúc đó, To mới có 5 tuổi. Sau khi sống 3 năm trong trại tị nạn, gia đình To di cư sang Úc. To đã trở thành một chuyên gia trong ngành ngân hàng tại Úc trước khi cùng chồng chuyển đến Hồng Kông.

Đã gần hai thập kỷ kể từ khi To đến Hồng Kông nhưng cô không biết gì về những người Việt vô gia cư sống tại đây. Lần đầu cô được biết nơi họ sống là nhờ ông chủ người Việt của một nhà hàng. Ông đã dắt To đến Thâm Thủy Bộ, nơi có rất nhiều người di cư và người vô gia cư sinh sống.

“Tôi đã rất ngạc nhiên. Đó là một cảnh tượng đáng lo. Tôi đã rất buồn khi thấy điều kiện sống của họ. Đó là lúc tôi quyết định phải làm điều gì đó. Và tôi đã thành lập nhóm tình nguyện”, To cho biết.

Vào tháng 11.2015, To và một vài người khác đã lập ra một nhóm tình nguyện cơ sở. Từ đây, nhóm đã có thêm 35 thành viên trên Whatsapp và hơn 100 thành viên trên Facebook.

Farah Dang, một trong những thành viên lập nhóm tình nguyện, cho biết cô đã muốn giúp người Việt vô gia cư vì cô cũng là người Việt.

Mặc dù đã chuyển từ Anh đến sống tại Hồng Kông vào 7 năm trước nhưng cô chỉ mới biết đến cộng đồng người Việt vô gia cư từ năm ngoái.

Dang chia sẻ: “Tôi đã không biết đến cộng đồng này ở Thâm Thủy Bộ và có khá nhiều người Việt sống tại đây. Thật đau lòng. Những gì họ thực sự cần là có ai đó lắng nghe và nói chuyện với họ (bằng tiếng Việt). Một số nói được tiếng Quảng Đông nhưng hầu hết đều nói tiếng Việt vì họ thuộc diện di dân kinh tế”.

Những hoạt động nhóm đang thực hiện

Với 15 thành viên thường trực, nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động như các chuyến đi phát đồ cho người vô gia cư ở Thâm Thủy Bộ; nấu ăn cho người di cư ở Tiêm Sa Chủy, cắt tóc cho người lớn tuổi và giúp từng cá nhân trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể.

Dự án mới nhất nhóm thực hiện là làm hệ thống làm mát. Trong dự án này, nhóm làm việc với Georg Hoehne, nhân viên cứu trợ nhân đạo người Đức chuyên về chuyển giao công nghệ tiên tiến cho những cộng đồng nghèo.

Hoehne đã làm việc trong nhiều dự án ở nhiều quốc gia khác nhau. Tại Hồng Kông, ông đang hợp tác với nhiều tổ chức phi chính phủy. Hoehne tìm đến nhóm tình nguyện của To vì muốn làm thứ gì đó cho người Việt vô gia cư ở Thâm Thủy Bộ.

Hoehne cho biết: “Đã có nhiều tổ chức phi chính phủ tham gia giúp nhóm cộng đồng này, nhờ vậy mà tôi biết đến họ. Nhưng tôi không thể làm việc được với họ vì họ là người Việt và họ không nói tiếng Anh lẫn tiếng Quảng Đông. Cả các nhân viên xã hội từ những tổ chức phi chính phủ khác cũng không tiếp cận được họ. Nhóm duy nhất tiếp cận được là nhóm này (nhóm của To). Chúng tôi hy vọng sẽ đem hệ thống làm mát cho họ và nếu họ thích thì chúng tôi sẽ làm thêm”.

Thâm Thủy Bộ, nơi sinh sống của nhiều người vô gia cư, trong đó có người di cư Việt Nam - Ảnh: Getty Images

Trong những chuyến đi phát đồ, các tình nguyện viên sẽ thăm những điểm mà người vô gia cư sống ở Thâm Thủy Bộ và phát cho họ thực phẩm và nhu yếu phẩm như quần áo, sản phẩm vệ sinh. Tiền hoạt động của nhóm đến từ tiền đóng góp nội bộ và gây quỹ thông qua mạng lưới cá nhân.

To cho biết, ngoài người di cư Việt Nam, nhóm cũng giúp cả người vô gia cư Trung Quốc. Dang nhấn mạnh, nhóm không muốn nổi tiếng và không có dự định trở thành một tổ chức nhà nước. Các tình nguyện viên chỉ muốn có thể giúp người bằng những cách thức nhỏ nhoi của mình.

“Chúng tôi đang tạo ra một điều khác biệt nhỏ, một cách từ từ và đều đặn. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể tiếp tục làm được bất cứ điều gì cho họ”, Dang cho biết.

Cẩm Bình

Bài liên quan
Hồng Kông chọn gấu trúc để thu hút khách du lịch vào dịp Tết Nguyên đán 2025
Thông tin từ Tổng cục Du lịch Hồng Kông cho hay, với lễ hội Pandastic, xứ Cảng thơm chọn gấu trúc làm chủ đề cho dịp Tết Nguyên đán 2025 nhằm thu hút khách du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm tình nguyện viên người Việt giúp người vô gia cư tại Hồng Kông