Một trạm thu phí Cai Lậy có đáng để xã hội lãng phí những nguồn lực xã hội vô giá không? Cho dù trạm thu phí đó có liên quan tới hệ thống BOT toàn quốc đi nữa, tôi cho rằng không đáng.

Những cái giá xã hội phải trả cho trạm BOT Cai Lậy

14/12/2017, 09:28

Một trạm thu phí Cai Lậy có đáng để xã hội lãng phí những nguồn lực xã hội vô giá không? Cho dù trạm thu phí đó có liên quan tới hệ thống BOT toàn quốc đi nữa, tôi cho rằng không đáng.

Nhiều tài xế tụ tập phản đối trước trạm BOT Cai Lậy ngày 30.11 - Ảnh: Báo Lao động

Vụ náo động xã hội vì trạm thu phí BOT Cai Lậy (trạm Cai Lậy) đã tạm lắng xuống sau khi Thủ tướng vào tối 4.12.2017 quyết định “dừng thu phí trong vòng 1 tháng và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá đồng bộ, tổng thể để báo cáo phương án bổ sung xử lý dứt điểm”.

Trạm Cai Lậy chỉ là một trong 8 trường hợp (xin nhấn mạnh là 8) trạm thu phí đặt sai chỗ, trong hệ thống trạm BOT khắp cả nước. Thông cảm với Thủ tướng vì cái gánh quá nặng và phức tạp để lại từ quá khứ, tôi nghĩ nếu trong một tháng mà ông có thể “đánh giá đồng bộ, tổng thể” để “xử lý dứt điểm” một cách công minh, công bình và hợp lòng dân chúng thì thật đáng khen ngợi.

Nhân đây, mong muốn góp một cánh nhìn, bài viết này xin được phân tích về những cái giá mà xã hội đã phải trả cho vụ việc trạm thu phí Cai Lậy.

Một: Tiền của và công sức xã hội bị mất không

Gọi là mất không vì xã hội, cộng đồng không được hưởng mấy lợi ích từ số tiền được bỏ ra. Trước hết là số tiền đầu tư được tuyên bố khoảng 1.400 tỉ đồng. Người đi đường không dùng sản phẩm đầu tư đó, có nghĩa số tiền bị mất đi. Phần còn lại chỉ có giá trị thanh lý (giả sử có thanh lý) bằng một phần nhỏ con số tuyên bố.

Kế đó là thời giờ đi đường bị mất do chờ trạm. Thời giờ dân chúng suy nghĩ tìm phương cách chống sự thu phí vô lý của trạm.

Thời giờ quan chức xét duyệt dự án. Thời giờ quan chức suy nghĩ tìm cách bảo vệ trạm, làm áp lực với người dân phản đối trạm... Thử nghĩ, nếu thay vào đó, thời giờ, tâm trí, công sức của quan chức dành để suy nghĩ tìm biện pháp phát triển giao thông hợp lý hơn thì tốt biết bao!

Hai: Dân nghi ngờ về tính liêm chính của cơ quan công quyền

Dân chúng đã bất mãn với các trạm thu phí đặt sai chỗ từ rất lâu. Già néo đứt dây, trạm Cai Lậy chỉ làm bùng nổ sự chống đối, và các điều tra cho thấy việc sắp xếp và xét duyệt dự án, chọn nhà thầu xây dựng, hoán đổi chủ đầu tư cùng các mối liên hệ chằng chéo... đều được thực hiện trong sự không hay biết của dân chúng, và do đó đặt cho xã hội những câu hỏi về tính trung thực, tính công minh, tính phụng sự cộng đồng... của các cơ quan quản lý nhà nước.

Khi sự phản đối của dân đạt tầm vóc có thể nói là một khủng hoảng xã hội, vẫn có quan chức thản nhiên và nhanh nhẩu tuyên bố bảo vệ trạm thu phí moi tiền người dân dù họ không dùng đường tránh. Cách quản lý khủng hoảng như thế phải chăng chỉ khiến người dân thêm nghi ngờ về động cơ của những tuyên bố đó và thêm ngờ vực về những liên kết giữa các thế lực tiền và quyền sau lưng họ?

Ba: Dân nghi ngờ tính trọng dân, vì dân của chính quyền

Sự phản đối trạm Cai Lậy tới mức xáo động nhân tâm, náo loạn xã hội như vậy, mà không hề có một cuộc thăm dò ý dân, không hề có đối thoại với dân... Ai là người lắng nghe tiếng nói của dân? Ai là người thông cảm với đời sống của dân, hiểu lòng dân? Nếu chính quyền không gần dân, e rằng dân khó thể hợp tác với chính quyền!

Bốn: Dân nghi ngờ năng lực của chính quyền

Và, khi chậm giải quyết vấn đề trạm Cai Lậy, thêm một vốn quí nữa của xã hội bị phung phí: lòng tin vào năng lực của chính quyền, năng lực hiểu dân, hiểu thời thế và giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu, thích hợp và kịp thời.

BOT Cai Lậy có đáng để xã hội trả giá như vậy không?

Khi dân nghi ngờ tính liêm chính và năng lực của chính quyền, khi dân và chính quyền thiếu sự thông hiểu và hợp tác với nhau, xã hội rộng lớn rơi vào thế co cụm, thụ động, đối phó. Con người dè chừng, bỏ mặc nhau. Xã hội thiếu đi những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng phát triển mạnh mẽ và vững chắc, lại dư thừa sáng kiến mưu cầu lợi lộc cá nhân bất chấp cộng đồng thua thiệt. Tính tích cực của xã hội, sự hăng hái đóng góp ý kiến và sáng kiến để phát triển và bảo vệ cộng đồng chính là những nguồn lực vô hình nhưng vô giá, rất quan trọng để phát triển đất nước.

Một trạm thu phí Cai Lậy có đáng để cho xã hội lãng phí những nguồn lực vô giá đó không? Cho dù trạm thu phí đó nằm trong hệ thống trạm thu phí BOT toàn quốc đi nữa, tôi cho rằng không đáng! Tôi biết một số nhân vật cao cấp trong chính quyền cũng cho rằng không đáng. Vậy, lẽ ra sự việc nên được giải quyết êm đẹp, công minh và thuận lòng dân từ sau tháng 8.2017, để tới bây giờ là hơi chậm, và sự việc dường như còn tệ hơn lúc đó, sự phản đối của dân dường như còn mạnh mẽ và quyết tâm hơn.

Chú ý rằng vụ việc trạm Cai Lậy xảy ra trên nền của các biệt phủ quan chức được phát hiện ở nhiều nơi trong cả nước, các vụ bổ nhiệm năm sáu chục vị trí trong năm cuối nhiệm kỳ quan chức, các đại án chưa được lôi ra hết và chưa được giải quyết dứt điểm... Vụ trạm Cai Lậy nếu không được “xử lý dứt điểm” minh bạch và thuận lòng dân, sự mất lòng tin của dân sẽ được cộng dồn.

Tiếp theo các kết luận và/hay quyết định về điện hạt nhân Ninh Thuận, về dự án thép Cà Ná, về sân gôn trong sân bay... tôi có niềm tin rằng chính phủ sẽ giải quyết vấn đề trạm thu phí Cai Lậy theo hướng thuận lòng dân và hợp với đà phát triển đất nước. Hy vọng chính phủ “xử lý dứt điểm” để nguồn lực xã hội không tiếp tục bị phung phí, sao cho xã hội cố kết và hợp tác với nhau hơn.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cái giá xã hội phải trả cho trạm BOT Cai Lậy