Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1.3.1906 – 1.3.2016), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến bây giờ vẫn còn tính thời sự”.
Sáng 1.3, tại khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), đã diễn ra lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng. Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước. Ngoài ra còn lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cùng hàng nghìn người dân Quảng Ngãi đến dự buổi lễ.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày sinh cố Thủ tướng. |
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đồng chí Phạm Văn Đồng sinh ra trên quê hương Quảng Ngãi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đồng chí đã sớm hun đúc lý tưởng cách mạng, đặc biệt từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được chính Người ươm trồng thành một trong những hạt giống đỏ của Cách mạng Việt Nam.
Khi đảm trách trọng trách Thủ tướng Chính phủ, đồng chí luôn luôn chú trọng nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn cách mạng nhằm xây dựng, từng bước hoàn thiện chính quyền do dân và vì dân. Đồng chí rất quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, luôn trăn trở trước yếu kém, quản lý vĩ mô”.
“Nhiều quan điểm chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng đến nay vẫn mang tính thời sự trong công cuộc xây dựng Đảng và Nhà nước ta”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
|
Tổng bí thư, Phó thủ tướng cùng các quan chức trồng cây tại khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Ảnh: Lê Đình Dũng. |
Phát biểu cảm tưởng về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết: “Gần 1 thế kỷ của cuộc đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến tất cả cho sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, trở thành một trong những nhà cách mạng tiền bối của Đảng và Nhà nước. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã góp sức cùng với Trung ương Đảng giải quyết những thách thức vô cùng cam go trong lịch sử Cách mạng nước ta. Sự nghiệp của đồng chí Phạm Văn Đồng trải dài trên nhiều lĩnh vực: từ lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh đến lĩnh vực ngoại giao... sớm bộc lộ tài năng của nhà hoạt động chính trị kiệt xuất”.
|
Dâng hương lên cố Thủ tướng. |
Cũng sáng nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận Chứng nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng và 30 hiện vật liên quan đến cuộc đời và hoạt động của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và các lãnh đạo Đảng, nhà nước khác cũng đã trồng cây lưu niệm tại Khu lưu niệm.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ngày 1.3.1906 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1954, ông được giao nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Chính phủ dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Những đóng góp của đoàn Việt Nam do ông đứng đầu là vô cùng quan trọng, tạo ra những đột phá đưa Hội nghị tới thành công. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp rất căng thẳng và phức tạp, với tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn Việt Nam, ngày 20.7.1954, bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tháng 9 năm 1954, ông kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng. Từ tháng 9 năm 1955, ông là Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từ năm 1976 là Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng cho đến khi về hưu năm 1987. Ông cũng liên tục là đại biểu Quốc hội từ năm 1946 đến năm 1987.
Ông là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12.1986 đến 1997. Ông cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười đã tham gia cuộc gặp không chính thức với lãnh đạo Trung Quốc tại Thành Đô tháng 9.1990 nhằm bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước sau hơn 10 năm căng thẳng và xung đột.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng của Việt Nam và nhiều huân chương khác của Liên Xô, Lào, Campuchia, Cuba, Bulgaria, Ba Lan và Mông Cổ.
Ông mất tại Hà Nội ngày 29.4.2000, hưởng thọ 94 tuổi.
Lê Đình Dũng