Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc chuyển qua Việt Nam, nhưng các chuyên gia cảnh báo có thể họ đã bị “trễ chuyến tàu”.

Những DN muốn đến Việt Nam tránh chiến tranh thuế Mỹ-Trung có thể đã chậm chân

08/05/2019, 18:05

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc chuyển qua Việt Nam, nhưng các chuyên gia cảnh báo có thể họ đã bị “trễ chuyến tàu”.

Nạn kẹt xe trầm trọng ở Việt Nam - Ảnh: EPA

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 8.5, những quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt cùng với lương công nhân tăng cao, đã khiến vùng sản xuất Quảng Đông (nam Trung Quốc) không còn là điểm đến đầu tư tận dụng nguồn lao động giá rẻ nữa.

Và với nhiều công ty, Việt Nam trở thành điểm đến thay thế lý tưởng. Xu hướng này sẽ càng tăng tốc, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ lên đỉnh điểm ngày 10.5, từ việc Mỹ tăng mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Làn sóng công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc được dự báo sẽ còn tiếp tục, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa nâng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên mức cao hơn.

Vấn nạn kẹt xe trầm trọng, giá thuê đất tăng cao

Theo SCMP, kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 6,8% lên 7,1% hồi năm ngoái, và thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung, LG đến Việt Nam mạnh tay đầu tư.

Tờ báo Hồng Kông kể khi ông Ernie Koh mở chi nhánh sản xuất đồ nội thất ở Việt Nam năm 1993, Việt Nam không lọt vào mắt nhiều nhà sản xuất, nhưng 25 năm sau, họ đổ xô đến Việt Nam đầu tư.

Công ty Koda (Singapore) của Koh mở xí nghiệp ở Việt Nam và Malaysia, hiện ông lo ngại nhiều nơi ở Việt Nam đang chật vật trước làn sóng các công ty nước ngoài tìm đến đầu tư vì muốn “né” cuộc chiến tranh thuế giữa Mỹ - Trung Quốc.

Koh nói: “Ở mọi nơi đều có những công trình xây dựng, đường phố càng chật chội, nạn kẹt xe ngày càng tệ hại. Tình trạng thắt cổ chai ở các cảng kéo dài suốt 2 năm qua. Hiện chúng tôi phải đăng ký chỗ cập cảng cho 1 tàu từ hai tuần trước ngày tàu vào cảng. Trước đây chúng tôi chưa hề phải làm thế”.

Nhưng với giá thuê đất tăng, chi phí lao động tăng, tình trạng thắt cổ chai ở các cảng và nạn kẹt xe trầm trọng ở Việt Nam, các chuyên gia đang báo động những công ty chưa tính nhảy qua Việt Nam đã có thể “trễ chuyến tàu”.

Ông Kong Xiangping, tổng giám đốc nhánh Việt Nam của công ty tư vấn Ever Win Service Group (Đài Loan) nói: “Năm 2018, có nhiều nhà sản xuất cố gắng chuyển qua Việt Nam để tránh hậu quả cuộc chiến thương mại. Lúc đó giá đất khoảng 60 USD/m2. Các công ty quyết không đến Việt Nam vì họ nhận định rủi ro cuộc chiến thương mại đã giảm. Họ sẽ phải tiếc quyết định đó, vì nay giá đất tăng 100 USD/m2 hồi năm nay. Trước đây, mỗi năm giá đất chỉ tăng từ 5 đến 10 USD/m2”.

Các công ty tranh nhau nguồn lao động Việt Nam tay nghề thấp

Theo Thời báo Chứng khoán (báo nhà nước Trung Quốc), trong quý 1/2019, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng 86,2% đạt 10,8 tỉ USD, với gần một nửa là các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông Fred Burke, giám đốc đối tác chi nhánh Việt Nam của công ty luật Baker McKenzie, lưu ý các nhà sản xuất Trung Quốc đến Việt Nam ngay từ trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, trong khi các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc nổi tiếng về sản xuất chất lượng cao và cơ sở hạ tầng hàng đầu, thì Việt Nam là một triển vọng kém. Ông Burke nói: “Nhân công Việt Nam thực sự không được đào tạo để đạt trình độ ngang bằng người Trung Quốc. Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng rất tốt, một số người chỉ chấp nhận rằng mọi nơi đều phải có các con đường 8 làn xe kết nối với đường sắt cao tốc và mọi thứ. Nhưng ở Việt Nam, họ mới bắt đầu xây dựng tất cả những thứ đó. Trong một hoặc hai năm nữa, họ mới sẽ những tuyến xe điện ngầm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo SCMP, Việt Nam có diện tích ngang bằng tỉnh Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, trong khi 10 tỉnh khác có chưa tới 50 triệu dân. Quảng Đông có 104,3 triệu dân, Việt Nam có 95,5 triệu dân.

Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Việt Nam, có 9,3 triệu lao động ở lĩnh vực sản xuất hồi năm 2017. Để so sánh, riêng tỉnh Quảng Đông có 12,71 triệu lao động hồi tháng 9.2018, chiếm 58% tổng nhân lực lao động, theo Chi cục Thống kê Quảng Đông. Nhưng trong khi Quảng Đông có thể thu hút số đông lao động nhập cư từ các nơi khác trên toàn Trung Quốc, thì Việt Nam lại không thể.

Một số nhà sản xuất Trung Quốc chật vật tuyển người lao động Việt Nam biết tiếng Hoa, nhất là tại và quanh thành phố Hồ Chí Minh, theo tổng giám đốc Zhang Diansheng của công ty tư vấn Hang Sinh ở thành phố này. Ông nói các xí nghiệp tranh nhau tìm nhân công, và dễ tìm ra người lao động ở các vùng hẻo lánh nhưng ở cách thành phố kém phát triển thì luôn có lực lượng lao động có tay nghề thấp. Các công ty phải rời xa khỏi các vùng sản xuất lớn, tìm đến những vùng sâu vùng xa với điều kiện cơ sở hạ tầng kém của Việt Nam.

Các công ty cũng phải tìm đến các nơi khác thuộc khu vực Đông Nam Á, gồm Malaysia có tham gia Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Indonesia, nước đã lập các vùng sản xuất ở Khu Thương mại tự do Batam, một đảo nhỏ cách Singapore 1 giờ đi phà.

Năm 2018, công ty lắp ráp điện thoại iPhone Pegatron (Đài Loan) đã chuyển khâu sản xuất từ Trung Quốc qua Batam, nhằm tránh mức thuế Mỹ. Nhà máy của Pegatron dự kiến hoạt động sản xuất hồi tháng 4. Hãng đồ gia dụng Philips cũng có một nhà máy lớn ở Batam, sản xuất dao cạo râu, bàn ủi...
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những DN muốn đến Việt Nam tránh chiến tranh thuế Mỹ-Trung có thể đã chậm chân