Trong thời gian gần đây, dư luận không khỏi buồn lòng trước những dấu hiệu đáng lo ngại trong đội ngũ công bộc của dân với những hành vi thiếu trung thực trong quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; trong khai báo lý lịch và kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của các quan chức thuộc diện quy định; thiếu trung thực, gian lận trong chi tiêu ngân sách cùng nhiều thứ thiếu trung thực khác nữa, khó kể hết...

Những lo ngại từ sự thiếu trung thực của một số cán bộ lãnh đạo

03/09/2017, 07:15

Trong thời gian gần đây, dư luận không khỏi buồn lòng trước những dấu hiệu đáng lo ngại trong đội ngũ công bộc của dân với những hành vi thiếu trung thực trong quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; trong khai báo lý lịch và kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của các quan chức thuộc diện quy định; thiếu trung thực, gian lận trong chi tiêu ngân sách cùng nhiều thứ thiếu trung thực khác nữa, khó kể hết...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Điều này rất đáng báo động trong bộ máy lãnh đạo và trong xã hội. Phải chăng, đó cũng chính là một thứ "tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng mà Ban chấp hành Trung ương đã cảnh báo cần sớm ngăn chặn như Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 đã đề cập.

Tôi từng đọc bài của bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trên mục Góc nhìn của VNE mà thực sự thấy xúc động và cảm thấy nhiều người trong chúng ta thật có lỗi với những người thầy thuốc mặc blouse trắng. Những vụ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thậm chí cầm gậy, cầm dao xông vào bệnh viện để chửi bới, đánh, chém bác sĩ là hiện tượng thật đáng buồn cho một xã hội mà đạo đức con người đang bị xuống cấp trầm trọng, và cần phải lên án mạnh mẽ...

Song, tôi cũng không hiểu vì sao, trước việc một nhóm người của Công ty dược phẩm VN Pharma lập mưu qua mặt cả cơ quan quản lý dược Bộ Y tế để nhập thuốc không rõ nguồn gốc mà có thể gọi đó là thuốc giả (tuy không gây chết người nhưng cũng không thể chữa được bệnh ung thư như nhãn mác ghi) thì có khác gì để bệnh nhân "chết" mòn mỏi trong hy vọng khi dùng thứ thuốc vô dụng này. Thật vô cùng dã man, mất hết cả nhân tính. Chính họ đã gián tiếp giết người, giết chết niềm hy vọng kéo dài sự sống của bệnh nhân trước căn bệnh nan y.

Trong mấy ngày diễn ra phiên toà xử những kẻ làm trong lĩnh vực dược vì tiền mà thất đức này, chẳng thấy bà bộ trưởng viết bài như từng viết. Thậm chí bà còn chỉ đạo "người phát ngôn" (xin tạm gọi thế) thay mặt bộ chính thức phản bác những thông tin mà bà cho là "không thiện chí, vu khống", cố ý làm giảm uy tín của ngành Y tế, của cá nhân Bộ trưởng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Những thông cáo nói trên xem ra rất hùng hồn. Dân đọc cũng thấy thở phào và tin rằng bà Bộ trưởng đang bị "ném đá" oan. Nào ngờ đâu ...

Sự trung thực của một cán bộ cấp cao trong bộ máy nhà nước đã dần lộ rõ. Có lẽ PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã nghiên cứu rất kỹ khi thông tin rằng bà "không có ai là người thân làm ở Công ty VN Pharma" và bà "cũng không biết đây là công ty nào bởi nó rất nhỏ" trong lĩnh vực mà bà là người phụ trách cao nhất. Thế nhưng người ta có quyền nghi vấn, sao công ty này nhỏ mà luôn trúng các vụ đấu thầu lớn và lớn nhanh như Thánh Gióng vậy?

Trong khi đó thì cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng lại xác nhận em chồng của bà bộ trưởng từng là phó giám đốc VN Pharma (chỉ mới nghỉ sau khi cơ quan Công an vào cuộc điều tra). Bộ trưởng Tiến nói gì về thông tin này?

Ngay trong chiều tối ngày 30.8 , tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, các phóng viên cũng đã nêu câu hỏi về thông tin này. “Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có phủ nhận thông tin em chồng của mình liên quan đến công ty VN Pharma. Đề nghị người phát ngôn Chính phủ bình luận về sự trung thực của bà Bộ trưởng khi mà chính công ty này đã xác nhận em chồng bà Tiến là lãnh đạo công ty?” – phóng viên báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi như thế và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến nói: “Về việc em chồng của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng “không nói” chứ không phải nói “không có”, hai việc này khác nhau. Bên cạnh đó, luật chỉ quy định cha, mẹ, vợ, chồng, con không được làm (cùng ngành) chứ không nhắc đến em chồng. Bộ trưởng cũng không báo cáo gì trong Ban Cán sự đảng”.

Thì ra, em ruột của chồng, theo quy định hiện hành của nhà nước về những ngành nghề không được làm nếu có người thân làm lãnh đạo, vẫn không hề hấn gì. Vậy là đã rõ. Bà Bộ trưởng đã rất “cao thủ” khi nghĩ ra cách "vận dụng" câu chữ trong quy định của nhà nước trong bối cảnh dư luận đang chĩa mũi dùi vào bà.

Một quan chức cấp cao của Nhà nước như bà Kim Tiến lẽ ra phải lên tiếng sớm hơn, và lên tiếng một cách đàng hoàng, minh bạch về những gì dư luận đang đặt ra vốn có liên quan đến sinh mạng của bao nhiêu người bệnh. Đúng là theo quy định hiện nay trong Luật phòng, chống tham nhũng thì cách hiểu là như thế thật. Song, tại sao bà không phát ngôn sớm hơn trước dư luận và nói kỹ hơn nữa, trung thực hơn nữa về việc có thật sự bà không có "người thân" nào khác theo quy định đó không? Tại sao lại cứ lửng lơ và "đánh võng khái niệm" kiểu đó?

Tôi nghĩ, với một cán bộ cấp Bộ trưởng như bà, đây là sự thể hiện chưa khách quan và cũng chưa thật sự thành thực, nhất là ở một chính khách. Nó chính là phẩm chất cần thiết của người làm lãnh đạo mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xem như là điều cần thiết số một đối vói đảng viên .

Cũng trong tuần qua, chuyện tiêu cực xảy ra ở một cơ quan đầu não là Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB), một cơ quan ngang cấp bộ, ngành Trung ương, cũng là câu chuyện đáng bàn khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTU) thông báo kết luận về những vi phạm xảy ra tại cơ quan này trong thời gian 2011-2016 (giai đoạn ông Nguyễn Phong Quang giữ chức Phó trưởng ban thường trực - cái chức cũng tương đương hàm Bộ trưởng ).

Theo thông tin trên Motthegioi.vn thì khoảng mươi ngày trước thông báo của UBKTTU, ông Quang đã xin nộp 3,6 tỉ đồng để khắc phục sai phạm. Tuy nhiên, số tiền này vẫn chưa được nộp vì mọi việc phải thực hiện đúng quy trình. Đây được xem như số tiền khắc phục sai phạm về khoản mua xăng dầu mà UBKTTU cũng đã có kết luận (về những sai phạm tại BCĐTNB thời kỳ ông Quang làm Phó ban thường trực).

Theo kết luận của UBKTTU, trong giai đoạn nêu trên, BCĐTNB đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc… dẫn đến xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài đến mức cần phải xử lý kỷ luật. Được biết, cơ quan này đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để văn phòng, bộ phận nghiệp vụ tài chính, kế toán vi phạm các quy định về quản lý tài chính, để ngoài sổ sách kế toán nguồn kinh phí vận động tài trợ với số tiền trên 100 tỉ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Phong Quang và ông Nguyễn Quốc Việt (Phó trưởng ban, Bí thư Đảng uỷ ) cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên.

"Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Phong Quang, ông Nguyễn Quốc Việt và một số cán bộ của Cơ quan thường trực BCĐTNB đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của BCĐTNB, gây bức xúc trong trong dư luận, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những vi phạm này đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật Đảng", kết luận của UBKT Trung ương nêu. Ông Nguyễn Phong Quang còn trực tiếp ký bổ nhiệm 32 trường hợp không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn... Trong đó có trường hợp điển hình là bổ nhiệm "thần tốc" ông Vũ Minh Hoàng - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế BCĐTNB...

Tôi không tài nào hình dung nổi, ở một cơ quan trung ương với nhân sự chỉ vỏn vẹn khoảng 70 con người mà trong dăm năm có đến 32 trường hợp bổ nhiệm không đảm bảo tiêu chuẩn. Một tỷ lệ vi phạm quá cao. Thực ra, đây là việc có thể coi là tương đối phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương chứ không còn là chuyện hy hữu.

Chuyện bê bối về bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy mà báo chí nhắc nhiều ở Bộ Công Thương cũng là một trong những vụ nổi cộm nhất gần đây... Từ việc UBKTTU vào cuộc về công tác nhân sự này mà đã lộ ra thêm bê bối về tài chính, kinh tế khác, một dạng "tham nhũng vặt" mà thực ra lại không hề... "vặt"!

Ngoài ông Quang và ông Việt, kết luận của UBKT Trung ương còn nêu ra những vi phạm, khuyết điểm của một số cán bộ khác tại BCĐTNB trong giai đoạn 2011-2016 như: chánh văn phòng, nguyên chánh văn phòng, kế toán trưởng, nguyên kế toán trưởng, thủ quỹ và nguyên thủ quỹ… Sau khi công bố kết luận vào chiều 22.8, các cá nhân sai phạm phải kiểm điểm xong trước ngày 15.9.2017 và tự mình đề xuất hình thức kỷ luật. Sau đó, các cấp sẽ họp để xem xét mức độ kỷ luật.

Tôi nghĩ, đây cũng là một điển hình của việc thiếu trung thực ở người đứng đầu đơn vị khi để tiêu cực kéo dài xảy ra ở một cơ quan ngang cấp bộ, dù rất ít người. Lẽ ra cơ cấu này rất dễ quản lý nhưng bê bối vẫn có đất lộng hành đến khó hiểu. Đó cũng là ví dụ về sự thiếu trung thực của lãnh đạo một cơ quan khi có sự bao che, thao túng từ trên xuống cho những vi phạm về quản lý tài chính, về tổ chức cán bộ. Phải chăng vì lý do này, UBKTTU đã xem nó như một đơn vị điển hình đã gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Đảng.

Chuyện Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh thứ trưởng Bộ Công Thương do những sai phạm trong thời gian bà Thoa còn giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP bóng đèn Điện quang cũng là do thiếu trung thực trong kê khai tài sản, do làm trái nguyên tắc tài chính khi thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp này để vụ lợi cho cá nhân và gia đình bà. "Sự cố" đối với bà Kim Thoa cũng lại xuất phát từ câu chuyện của bà với tư cách là thứ trưởng, uỷ viên Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, đã có những sai phạm liên đới trong vụ bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển Trịnh Xuân Thanh trước đó mà UBKTTU đã ra quyết định kỷ luật khiển trách.

Một cựu quan chức đã thách tôi: "Vậy ông tìm giúp tôi có bao nhiêu phần trăm quan chức hiện giờ ông thấy là trung thực. Khó đấy vì không dễ đâu, ít lắm, nhất là giai đoạn này!". Tôi giật mình và cảm nhận điều ông nói không phải không có lý. Từ chuyện một cá nhân như giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái kê khai tài sản (mãi chưa được công bố) khi thanh tra vào cuộc rồi sau đó trên báo bung tiếp các trường hợp quan chức tương tự thuộc Yên Bái và các tỉnh khác cho đến việc lớn của một ngành như ngành giao thông qua hàng loạt các dự án BOT lâu nay đều không thông qua đấu thầu mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận đã cho thấy có quá nhiều góc khuất cần được làm rõ.

Nhiều cán bộ có chức có quyền đã lạm dụng hình thức đầu tư này và biện minh cho nó sau khi mọi việc vỡ lở ra ánh sáng. Đọc trên báo, sao mà khó tiêu hoá đến vậy! Ai cũng nói đều “đã và đang làm đúng quy trình". Vậy thì không có gì sai hay sao, nếu không sai sao dư luận và người dân phản ứng? Tôi thấy họ nói như vậy cũng là cách nói thiếu trung thực trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân và khó có thể chấp nhận được.

Với tinh thần Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh mùng 2.9, đã đến lúc những công bộc của dân hôm nay cần phải nghiêm túc tự nhìn lại mình, nhìn lại công việc mình đang đảm trách trước Đảng, trước dân. Phải thấm thía một điều: Đối với người lãnh đạo, những công bộc của dân, cần nhận ra rằng tính trung thực luôn là một thuộc tính, một phẩm chất tối quan trọng ở người cán bộ. Chức càng cao thì càng phải thấu suốt điều đó. Nhưng, để có được thuộc tính, phẩm chất cần thiết này, thật không hề dễ dàng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá 12 cũng đã chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những lo ngại từ sự thiếu trung thực của một số cán bộ lãnh đạo