LTS: "Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời người ơi" (Phạm Duy). Và tiếng Việt còn, người Việt còn. Nhưng trong bối cảnh hiên nay, tiếng Việt đang bị phôi pha rất nhiều vì những tác động chủ quan và khách quan. Thật đáng buồn khi nhiều người Việt chưa hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt, ngay trong giới "có chữ". Không ít người lãng quên, xem nhẹ vẻ đẹp của thứ tiếng mà chúng ta gọi là "tiếng mẹ đẻ". Báo điện tử Một Thế Giới mở chuyên mục "Tiếng Việt tôi yêu" không ngoài mong muốn giúp mọi người thêm tình yêu với tiếng mẹ đẻ, trao đổi và đóng góp vào việc đọc hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt (giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như người ta thường nói) và khơi gợi cảm nhận, niềm tự hào về vẻ đẹp của Tiếng Việt mến yêu trong mỗi chúng ta.
Nói không quá đáng, trong việc chuyển tải ngôn ngữ mẹ đẻ đến với đông đảo công chúng, báo chí-truyền thông công rất to nhưng tội cũng nhiều. Thậm chí có ý kiến cực đoan cho rằng báo chí phải chịu trách nhiệm lớn đối với sự hủy hoại, làm hỏng sự trong sáng, quy chuẩn của tiếng Việt.
Xin nêu ra đây một vài lỗi mà chúng ta thường thấy trên báo chí-truyền thông:
1. Cách viết không thống nhất những từ nước ngoài đã được Việt hóa, tức là đã được phiên âm, dùng phổ biến trong tiếng Việt. Ví dụ: càphê, ximăng, xíchlô, bêtông, axít, vắcxin, kiốt (trên báo Lao Động) hay là cà phê, xi măng, xích lô, bê tông, a xít, vắc xin, ki ốt? Theo chúng tôi, những từ như thế đã thoát khỏi nguyên gốc, được sử dụng như mọi từ tiếng Việt khác, có dấu tiếng Việt thì cần viết tách ra.
2. Nhiều từ có nghĩa rất rõ ràng nhưng thường bị viết sai: Tham quan viết thành thăm quan, chấp bút – chắp bút, lặp lại – lập lại, trùng lặp – trùng lắp, hằng ngày – hàng ngày, thập niên – thập kỷ; không phân biệt được sự khác nhau giữa giả thuyết – giả thiết, tung tích – tông tích… Chúng tôi nhận thấy hầu hết những trường hợp sai do phóng viên và biên tập viên không chịu hiểu kỹ nghĩa của thành tố ghép (đẳng lập hoặc chính phụ) hoặc không nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ vô nghĩa hoặc sai trầm trọng.
3. Người viết không nắm được kết cấu cơ bản chủ vị của câu tiếng Việt nên thường sai trong các trường hợp đặt câu có vị ngữ là những động từ cho biết, khẳng định, nói, nói rằng khi đặt dấu phảy ngay sau những từ đó. Theo chúng tôi, để bảo đảm chuẩn tiếng Việt phải viết liền thành phần bổ ngữ ngay sau những động từ đó; còn nếu nội dung có tính liệt kê thì dùng dấu hai chấm (:).
(còn tiếp)
Nguyễn Thông