Thấm thoắt giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên đã bước sang tuổi 20. Hai mươi năm là chặng đường không dài so với lịch sử bóng đá VN, nhưng cũng không quá ngắn để các nhà tổ chức có thể tạo nên dấu ấn, nếu có tâm huyết và biết cách làm. Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên đã hội tụ cả 2 yếu tố ấy.
Ai đã từng theo sát giải suốt chặng đường 20 năm qua, dù có kiệm lời đến mấy cũng phải thừa nhận, các nhà tổ chức đã viết nên những nốt nhạc hào hùng, đã khích lệ và khơi dậy mạnh mẽ tình yêu bóng đá trong lòng người hâm mộ vốn đang nguội lạnh bởi những tiêu cực, móp méo, dị dạng qua các giải vô địch quốc gia, mà cụm từ ‘Liên minh ma quỷ” đã nói lên tất cả.
Chìa khóa son của những nốt nhạc hào hùng ấy được đặt ở cột mốc năm 2007, sau khi tổ chức rất thành công giải U.21 trong nước, Ban tổ chức (BTC) đã mạnh dạn vươn tới tầm cao hơn, tổ chức giải bóng đá U.21 quốc tế. Chính sân chơi này đã để lại tình cảm và dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè. Hầu hết các đoàn khách, sau giải đều mơ ước, giá như họ cũng có một giải U.21 tầm cỡ như ở VN.
Các đội khách mời không chỉ đóng khung trong khu vực Đông Nam Á mà vươn xa hơn tới U.21 Iran, Hàn Quốc, Úc ... - những nước có nền bóng đá mạnh hơn hẳn chúng ta. Cho dù nhiều đội khách được đánh giá là rất mạnh, nhưng đội tuyển U.21 Báo Thanh Niên đã làm được những điều không thể tuyệt vời hơn. Trong 9 lần tổ chức giải bóng đá quốc tế U.21, có tới 6 lần Cúp ở lại VN, điều thoạt nghe tưởng khó tin nhưng đó là sự thật.
Ngược dòng lịch sử hơn 20 năm trước, khi chưa có giải U.21 Báo Thanh Niên, Tổng cục TDTT cứ loay hoay mãi với bài toán đào tạo bóng đá trẻ mà không biết phải bắt đầu từ đâu.
Đã có những năm, Tổng cục TDTT đề ra biện pháp chế tài, yêu cầu các đội mạnh dự giải vô địch quốc gia phải có đội trẻ dự giải trẻ. Thế nhưng biện pháp này đã sớm bị gỡ bỏ vì rất nhiểu đội mạnh không có tuyến trẻ. Nếu BTC áp đặt, giải vô địch quốc gia có thể bị đổ vỡ.
Trong bối cảnh ấy, Báo Thanh Niên, một đơn vị truyền thông đã gỡ rối cho ngành thể thao khi đứng ra tổ chức giải bóng đá U.21. Tuy nhiên, sự khởi đầu không mấy suôn sẻ. Các nhà tổ chức phải làm việc cật lực với các địa phương, vừa vận động, vừa thuyết phục đến rát họng mới có 8 đơn vị đồng ý gom quân cho đủ tụ. Tuy xuất phát không mấy thuận lợi, nhưng đoạn kết thật khoáng hậu. Giải lần đầu tiên đã gây ấn tượng sâu sắc và có tiếng vang xa. Những năm sau, BTC không cần vận động, nhưng số đội tham dự cứ đông dần lên. BTC đã phải tiến hành đấu loại ở từng khu vực, chọn 8 đội mạnh nhất dự vòng chung kết. Chất lượng các đội dự vòng chung kết cũng tăng đáng kể. Nhiều trận, lượng khán giả vòng chung kết U.21 Báo Thanh Niên còn đông hơn các trận đấu V-League.
Đáng tiếc, những lứa cầu thủ này sau khi được đôn lên đá ở V-League và xa hơn là đội tuyển quốc gia do VFF quản lý, có những tài năng trẻ đã bị thui chột dần. Đã bao lần, đội tuyển lỡ hẹn ở SEA Games rồi trượt dài ở giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, những năm gần đây, dự các giải SEA Games và AFF Cup, VFF không dám đặt mục tiêu giành chức vô địch.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái chính là môi trường vẩn đục của bóng đá VN một thời gian dài khiến cầu thủ thiếu động lực trui rèn, cách quản lý chưa thật sâu sát của CLB, công tác giáo dục tư tưởng đạo đức đôi khi còn lỏng lẻo và nhiều năm trước đây VFF vẫn còn thiếu những định hướng rõ ràng, thiếu những đầu tư thỏa đáng để nâng tầm đẳng cấp cho lứa tài năng này. Gần đây mọi chuyện đã bắt đầu có thay đổi theo chiều hướng tích cực và chuyên môn hóa sâu hơn. Hy vọng lứa U.21 sẽ tỏa sáng tại SEA Games tới khi lần đầu tiên độ tuổi được rút xuống còn 22 tuổi!
Theo Đức Trường (Thanh Niên Tuần San)