Mặc dù phần lớn thế giới tổ chức lễ hội mừng năm mới vào ngày 31.12, nhưng cách đón năm mới thì rất đa dạng.
Câu chuyện văn hóa

Những phong tục đón năm mới trên khắp thế giới

Hoàng Vũ (theo AFAR) 31/12/2023 07:40

Mặc dù phần lớn thế giới tổ chức lễ hội mừng năm mới vào ngày 31.12, nhưng cách đón năm mới thì rất đa dạng.

Ở Mỹ, người ta tổ chức đón mừng năm mới bằng Lễ thả quả cầu Quảng trường Thời Đại (New York) lúc giao thừa, chia sẻ nụ hôn với người thân yêu vào lúc nửa đêm và ngắm bắn pháo hoa. Ở những nơi khác trên thế giới, cách đón năm mới mỗi nơi mỗi vẻ.

Ăn thực phẩm đem lại may mắn

Ở một số nơi trên thế giới, lễ đón giao thừa được tổ chức bằng bữa ăn thực phẩm “may mắn” cùng bạn bè, gia đình. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và phần lớn khu vực Mỹ Latinh (chẳng hạn Colombia), người ta chọn ăn 12 quả nho hoặc nho khô với niềm tin loại trái cây này sẽ mang lại may mắn cho 12 tháng trong năm mới, trong khi ở Ý là 12 thìa đậu lăng. Một quả nho hay một thìa đậu sẽ tương ứng với một trong 12 tiếng chuông đồng hồ điểm vào thời khắc giao mùa.

Người Pháp chào đón năm mới bằng một chồng bánh kếp. Người Đức thích bánh hạnh nhân có hình con lợn để cầu may, trong khi ở Hà Lan, người ta ăn bánh rán và thức ăn hình chiếc nhẫn.

Trên khắp miền Nam nước Mỹ, các cộng đồng ăn rau cải và đậu mắt đen để cầu may mắn, thịnh vượng trong ngày đầu năm mới.

Đồng thanh khúc hát giao thừa nhiều hoài niệm Auld Lang Syne

Giống như tên gọi bằng tiếng Scotland của ca khúc, Auld Lang Syne được dịch ra tiếng Anh là Old Long Since (Những ngày xa xưa). Đây là một bài hát cổ, có lịch sử hơn 200 năm. Vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ, hàng triệu người đứng bên nhau, tay trong tay cùng ca vang khúc ca giao thừa nổi tiếng.

it-s-traditional-to-participate-in-redding-the-house-aka-giving-it-a-thorough-cleaning.photo-by-marti-bug-catcher-shutterstock.png
Người dân Scotland đón chào năm mới bằng nhiều phong tục độc đáo - Ảnh: Shutterstock

Ở Scotland, bữa tiệc đêm giao thừa bắt đầu vào ngày 30.12 và kết thúc vào ngày đầu năm mới. Người Scotland dịp năm mới thường đến thăm bạn bè, hàng xóm, với một món quà trên tay. Những món quà thường được lựa chọn có thể là một đồng xu (tượng trưng cho sự giàu có), than đá (tượng trưng cho sự ấm áp), bánh mì (tượng trưng cho sự no đủ) hoặc rượu whisky (tượng trưng cho sự vui vẻ).

Nếu tình cờ đến Edinburgh (thủ đô Scotland) để tham dự lễ mừng năm mới, mọi người có thể được chiêm ngưỡng những người thổi sáo và đánh trống dẫn đầu đám đông dân địa phương cầm đuốc rước khắp thành phố vào ngày 30.12.

Mặc đồ chấm bi và ăn trái cây hình tròn

Để đảm bảo một năm mới vui vẻ, người Philippines tin rằng mặc đồ hình tròn (chẳng hạn như chấm bi) sẽ mang lại sự thịnh vượng cùng may mắn. Ngoài ra các loại trái cây hình tròn như cam, dưa hấu, nhãn, nho và bưởi cũng được coi mang lại may mắn.

Bên cạnh đó, nhiều người Philipines tin rằng nếu cố gắng nhảy cao nhất có thể ngay thời khắc giao thừa sẽ giúp tăng chiều cao trong năm mới.

Mặc đồ trắng khi nhảy xuống biển

o-brazil-nguoi-ta-tin-rang-viec-mac-do-trang-xuong-bien-se-mang-lai-may-man-trong-nam-moi.png
Ở Brazil, người ta tin rằng việc mặc đồ trắng xuống biển sẽ mang lại may mắn trong năm mới - Ảnh: Internet

Mặc đồ trắng vào đêm giao thừa từ lâu đã là một truyền thống có nguồn gốc từ châu Phi. Tại Brazil, truyền thống này diễn ra vào đêm giao thừa để tôn vinh nữ thần biển cả (Lemanja). Người dân mặc đồ màu trắng đón năm mới, tượng trưng cho sự khởi đầu một năm mới hòa bình và xua đổi tà ma. Ngoài ra, họ còn ném cành hoa trắng xuống biển để tế nữ thần biển với hy vọng mọi ước mong trong năm mới sẽ thành hiện thực.

Đi loanh quanh với chiếc vali rỗng

Ở Mexico, có một truyền thống mà mọi người tham gia vào đêm giao thừa để giúp chào đón một năm tràn ngập du lịch và trải nghiệm mới là mang vali rỗng, chạy xung quanh khu vực sinh sống.

Ném xô nước ra khỏi cửa trước

Ở Cuba có một phong tục độc đáo vào đêm giao thừa là ném những xô nước ra ngoài cửa sổ. Người Cuba tin rằng việc đổ nước ra ngoài sẽ giúp xua đuổi những linh hồn ma quỷ. Ngày nay, phong tục này vẫn được người Cuba cũng như ở Uruguay duy trì, được xem là một cách chào đón năm mới với nhiều may mắn và niềm vui.

Treo và đập lựu

Thần thoại Hy Lạp cổ đại coi quả lựu tượng trưng cho sự sống dồi dào, mùa màng phát đạt. Do đó loại trái cây này được coi là vật may mắn trong văn hóa Hy Lạp ngày nay. Trước đêm giao thừa, các gia đình sẽ treo quả lựu từ trước cửa nhà. Sau đó vào đêm giao thừa, mọi người sẽ tắt đèn, ra khỏi nhà và cử một cá nhân may mắn là người đầu tiên xông nhà, phải bước vào bằng chân phải. Điều này sẽ mang lại may mắn cho gia đình trong năm. Sau đó, người thứ 2 sẽ cầm quả lựu trên tay phải và đập vào cửa. Hạt lựu rơi ra càng nhiều, càng mọng nước thì năm mới sẽ càng gặp nhiều may mắn.

Nung chảy chì để đoán vận may

Ở phần lớn các nước châu Âu nói tiếng Đức, cũng như Phần Lan, Bulgaria, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, người ta nấu chảy những miếng chì nhỏ, sau đó nhúng chúng vào nước lạnh và đưa ra dự đoán vận may trong năm mới dựa trên những hình dạng đó. Ví dụ, nếu hình dạng cục chì hình tròn thì chủ nhân của của nó sẽ gặp may mắn cả năm.

12 giây im lặng trước nửa đêm

Người Nga nói lời cảm ơn năm đã qua bằng cách ghi nhớ những sự kiện quan trọng nhất trong những giờ trước nửa đêm và họ sử dụng 12 giây im lặng trước thời khắc giao thừa để cầu nguyện cho năm tới.

Truy tìm người đàn ông có nhiều mũi

l-home-dels-nassos.png
L'home dels nassos được săn đón Tây Ban Nha - Ảnh: Diaridetarragona

Tại vùng Catalonia phía bắc Tây Ban Nha, có một nhân vật đặc biệt xuất hiện vào ngày cuối năm - đó là “L'home dels nassos”, hay người đàn ông có nhiều mũi. Người này xuất hiện ban điều ước cho ai có thể bắt gặp ông ấy. Theo truyền thống, trẻ em được khuyến khích đi tìm người đàn ông nhiều mũi để lấy may.

Nhảy khỏi ghế sofa

Ở Đan Mạch, truyền thống là nhảy khỏi ghế khi đồng hồ điểm nửa đêm để - theo nghĩa đen - bước sang năm mới. Ngoài ra, vào đêm giao thừa, mọi người có truyền thống lấy những chiếc đĩa cũ của mình và ném chúng trước cửa nhà người thân hoặc bạn bè để xua đuổi những linh hồn xấu, đồng thời cầu may cho năm tới.

Đập bánh mì vào cửa

Từ lâu, người Ireland đã có phong tục dùng bánh mì đập vào cửa và tường nhà để đuổi những điều xui xẻo và rước những vị thần hộ mệnh đến ngôi nhà của mình. Phong tục này còn ẩn chứa hy vọng năm tới sẽ luôn có đủ lương thực. Ngoài ra, người Ireland còn có truyền thống dự đoán về tương lai chính trị của đất nước bằng cách kiểm tra hướng gió thổi vào đêm giao thừa. Nếu gió từ phía tây, thì tình hình chính trị sẽ ổn định. Còn gió thổi từ phía đông tức là người Anh sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính trị của Ireland.

Mặc đồ lót màu đỏ

Vào dịp năm mới, người Ý và Tây Ban Nha có truyền thống mặc đồ lót màu đỏ để cầu may. Được biết đây là truyền thống có từ thời Trung cổ, vào đêm giao thừa, phụ nữ mặc màu đỏ được quan niệm sẽ gặp nhiều may mắn, thu hút phái mạnh.

Đến chùa xin bùa may mắn

nguoi-nhat-den-chua-de-xin-bua-may-man.png
Người Nhật đến chùa để xin bùa may mắn vào dịp năm mới - Ảnh: Kodawari Times

Trước giao thừa, người Nhật thường đến các ngôi chùa địa phương để xin đổi bùa may mắn của năm ngoái lấy bùa năm mới. Những tấm bùa hộ mệnh xin được ở chùa vào mỗi dịp năm mới luôn được người Nhật giữ gìn cẩn thận để cầu mong may mắn đến với họ trong cả năm. Vào đêm giao thừa, mọi người quây quần thưởng thức các món ăn truyền thống của năm mới, chẳng hạn như tôm (được cho là mang lại sự trường thọ) và trứng cá trích (để tăng khả năng sinh sản).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phong tục đón năm mới trên khắp thế giới