Năm 2006, Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) đã bỏ phiếu về định nghĩa của một hành tinh. Nổi tiếng trong vụ lần đó là sao Diêm Vương không còn đáp ứng các tiêu chí và bị giáng cấp thành hành tinh lùn. Mọi thứ đã trở nên hỗn loạn kể từ đó — vậy đã đến lúc định nghĩa lại hành tinh chưa?
Công bằng mà nói, sao Diêm Vương đáng bị như vậy. Từ "hành tinh" ban đầu không hề được định nghĩa chính thức và các nhà thiên văn học luôn sử dụng nó một cách tùy tiện. Đối với người Hy Lạp cổ đại, một hành tinh là bất kỳ "ngôi sao lang thang" nào, gồm cả mặt trời và mặt trăng. Với cuộc cách mạng Copernicus, định nghĩa đã thay đổi: Trái đất được coi là một hành tinh theo đúng nghĩa chuẩn, Mặt trăng bị giáng cấp thành vệ tinh và Mặt trời được thăng cấp lên thành sao.
Điều này đã hiệu quả trong hơn 200 năm, cho đến khi William Herschel phát hiện ra sao Thiên Vương và Giuseppe Piazzi phát hiện ra Ceres, vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh chính giữa sao Hỏa và sao Mộc. Ban đầu, cả sao Thiên Vương và Ceres đều được phân loại là hành tinh. Nhưng một khi nhiều vật thể khác được tìm thấy có quỹ đạo tương tự với Ceres, các nhà thiên văn học phải suy nghĩ lại về mọi thứ. Herschel đã đề xuất thuật ngữ "tiểu hành tinh" cho các vật thể nhỏ giữa sao Hỏa và sao Mộc, trong khi sao Thiên Vương vẫn là một hành tinh.
Các nhà thiên văn học đã thoải mái với những phân loại đó ngay cả khi Clyde Tombaugh phát hiện ra sao Diêm Vương vào năm 1930 và coi nó là hành tinh. Nhưng sao Diêm Vương lại khá khác biệt do nó có quỹ đạo thực sự kỳ lạ và nhỏ hơn nhiều so với các hành tinh khác.Vì vậy, không mất nhiều thời gian để các nhà thiên văn học bắt đầu tự hỏi liệu họ có nên bắt đầu xem xét lại cách phân loại các vật thể trong vũ trụ hay không.
Bắt đầu từ những năm 1990, các nhà thiên văn học bắt đầu tìm thấy nhiều vật thể có quỹ đạo tương tự với sao Diêm Vương hơn. Nhưng chiếc đinh thực sự đóng vào số phận của sao Diêm Vương xuất hiện vào năm 2005, khi nhà thiên văn học Mike Brown phát hiện ra Eris. Đó một vật thể có kích thước tương đương sao Diêm Vương quay quanh sao Hải Vương.
Vì vậy, vào năm 2006, khi các nhà thiên văn học tập trung tại hội nghị của IAU ở Prague, một nhóm lớn đã gây áp lực để IAU định nghĩa một hành tinh là như thế nào. Có hai phe: các nhà địa vật lý cho rằng các hành tinh nên được định nghĩa bởi vẻ ngoài của chúng, còn những người theo thuyết động lực học cho rằng các hành tinh nên được định nghĩa bởi các đặc tính của chúng.
Về bản chất, các nhà địa vật lý cho rằng một hành tinh nên là bất kỳ thứ gì đủ lớn để lực hấp dẫn nội tại tự kéo bề mặt nó thành gần như hình cầu. Những người theo thuyết động lực học phản bác rằng một hành tinh nên là bất kỳ thứ gì có thể thống trị không gian xung quanh và chủ yếu thông qua việc dọn sạch cách vật thể nhỏ trên quỹ đạo của nó. Định nghĩa đầu tiên sẽ cho phép sao Diêm Vương, cùng với Ceres và tất cả những thiên thể lớn đồng quỹ đạo với sao Diêm Vương trở thành hành tinh. Định nghĩa sau sẽ loại trừ tất cả những cái tên kể trên.
Cuối cùng, sự thỏa hiệp giữa hai bên đã thống nhất việc sử dụng cả hai quan điểm vào định nghĩa chung nhưng về cơ bản, những người theo thuyết động lực học đã thắng. Sao Diêm Vương không dọn sạch quỹ đạo của nó vì đơn giản là nó có quá nhiều vật thể lớn lân cận. Do đó, nó đã bị giáng cấp một cách tranh cãi và tiếc nuối.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với các quy tắc mới và có rất nhiều lập luận và phản biện. Trước hết là định nghĩa về "gần như hình cầu" và "phần lớn là thống trị quỹ đạo" không thực sự rõ ràng.
Nhưng những người ủng hộ các quy tắc phản bác rằng tất cả các hành tinh được xác định, từ sao Thủy đến sao Hải Vương, đều đặc biệt tròn. Ngược lại, phần lớn các vật thể không phải hành tinh thì rõ ràng là không có hình dạng cầu. Đối với việc thống trị quỹ đạo, sao Hỏa lớn hơn vật thể lớn thứ hai trên quỹ đạo của nó hơn 5.000 lần. Ngược lại, sao Diêm Vương chỉ chiếm khoảng 7% tổng khối lượng trên quỹ đạo của nó. Vì vậy, có sự khác biệt rõ ràng giữa hai thiên thể đó.
Nhưng sự nhầm lẫn lớn nhất đến từ các phân nhóm của các vật thể không phải hành tinh. Nếu một vật thể đủ lớn để tự biến thành hình cầu nhưng không thống trị quỹ đạo của nó, như sao Diêm Vương hoặc sao Ceres, thì nó được gọi là hành tinh lùn. Các nhà thiên văn học thường sử dụng thuật ngữ "lùn" để chỉ các phiên bản nhỏ hơn của cùng một loại, như các ngôi sao lùn hay các thiên hà lùn. Nhưng các ngôi sao lùn vẫn là các ngôi sao, và các thiên hà lùn vẫn là các thiên hà; chúng chỉ nhỏ hơn mà thôi. Điều này không đúng với các hành tinh lùn vì chúng rõ ràng không phải là hành tinh.
Nếu một vật thể quá nhỏ để tự biến thành hình cầu, nó được phân loại là "thiên thể nhỏ trong hệ mặt trời". Các tiểu hành tinh (asteroids) không được định nghĩa chính thức như vậy, nhưng các nhà thiên văn học thường hiểu từ này có nghĩa là các thiên thể nhỏ phía bên trong Hệ mặt trời. Sao chổi cũng được coi là các thiên thể nhỏ trong Hệ mặt trời.
Sau đó, có "các hành tinh nhỏ", bao gồm các hành tinh lùn và tất cả các thiên thể nhỏ trong hệ mặt trời không phải là sao chổi. Và đừng quên các plutoid là các hành tinh lùn nằm ngoài quỹ đạo của sao Diêm Vương, cũng như các thiên thể ngoài sao Hải Vương, bao gồm các plutoid và các thiên thể nhỏ khác trong Hệ mặt trời nằm ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương.