Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng và hàng không cũng được dự kiến sẽ tăng lên, nhưng không cao hơn 50% - chủ đề một bài viết trên Nikkei.
Việt Nam có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty nhà nước được cổ phần hóa và các doanh nghiệp niêm yết vào cuối năm 2019, khi chính phủ tìm cách mở rộng nền kinh tế đang khát vốn để duy trì tăng trưởng nhanh.
Bộ Tài chính đang soạn thảo những thay đổi cho luật chứng khoán, và đây là sửa đổi lớn đầu tiên kể từ năm 2010. Việc sửa đổi này thể hiện mong muốn đưa cổ phiếu Việt Nam gia nhập Chỉ số Thị trường mới nổi của MSCI nhằm mang lại dòng vốn vào các sàn giao dịch địa phương.
Người nước ngoài về nguyên tắc có thể mua một phần lớn cổ phần trong các công ty đại chúng trong các lĩnh vực không được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia, bao gồm các công ty niêm yết thuộc sở hữu tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, có hoặc không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Động thái này dự kiến sẽ mở ra cơ hội kinh doanh tại quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới với hơn 92 triệu người và độ tuổi trung bình là 30 này. PricewaterhouseCoopers dự báo Việt Nam sẽ thuộc 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên sức mua tương đương vào năm 2050.
Thay đổi dự kiến này sẽ trao quyền quyết định về quyền sở hữu nước ngoài vào tay các nhà quản lý và cổ đông. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện ở mức 49%, với một số lĩnh vực như ngân hàng và hàng không hạn chế ở mức 30%. Các lĩnh vực này cũng có thể nằm trong phạm vi điều chỉnh, nhưng sẽ vẫn nằm trong danh sách các ngành nghề có điều kiện mà chính phủ không sẵn sàng để cho người nước ngoài nắm quyền sở hữu đầy đủ.
Ông Thuận Nguyên, Giám đốc điều hành của StoxPlus, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính trong nước cho biết: Gỡ bỏ quyền sở hữu “là một dấu hiệu rất đáng khích lệ đối với các nhà đầu tư nước ngoài”. “Tuy nhiên, sẽ vẫn còn những giới hạn vì phải cần đến sự chấp thuận của các cổ đông tại đại hội thường niên nếu một công ty nước ngoài muốn nâng tỷ lệ [quyền sở hữu] lên 100%”, vị CEO này cho biết.
Junya Ishii, nhà phân tích cao cấp của think-tank Sumitomo Corporation Global Research (Nhật Bản) cho biết: “Việt Nam đang cạnh tranh với các đối thủ như Philippines và Myanmar để trở thành điểm đến đầu tư tiếp theo ở châu Á, sau Trung Quốc và Thái Lan. Mở cửa cho đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với công nghệ tiên tiến mà quốc gia này đang cần để chiến thắng trong cuộc đua đó.”
Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 23,33% cổ phiếu Việt Nam tính đến ngày 30/9, so với mức 21,6% vào cuối năm 2017. Các cơ quan quản lý Việt Nam báo cáo rằng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 34,2 tỷ USD vào cuối tháng Bảy.
Việt Nam có khoảng 1.500 công ty đại chúng, trong đó có khoảng 740 công ty niêm yết trên hai sàn giao dịch chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 780 công ty đại chúng được niêm yết trên thị trường thứ cấp hoặc vẫn chưa niêm yết. Các sửa đổi được đề xuất sẽ yêu cầu ít nhất 20% cổ phần của công ty với vốn điều lệ 30 tỷ đồng (1,29 triệu đô la) được bán cho tối thiểu 100 nhà đầu tư – những người không sở hữu nhiều hơn 1% của công ty.
Tỷ lệ này giảm xuống 15% tại các công ty có vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng và 10% khi số vốn này lên tới 1 nghìn tỷ đồng.
Các nhà quan sát thị trường cho biết cần phải thay đổi nhiều hơn để giảm rào cản đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Ông Phượng Hoàng, chuyên gia phân tích của Saigon Securities Research cho biết “Chính phủ cần rút ngắn danh sách có điều kiện” của các lĩnh vực được coi là nhạy cảm hoặc quan trọng đối với an ninh quốc gia để việc thay đổi quyền sở hữu nước ngoài trở nên khả thi hơn. Các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin rằng chính phủ đang xem xét việc điều chỉnh sở hữu nước ngoài trong các công ty viễn thông.
Một cuộc khảo sát của StoxPlus đã cho thấy các nhà đầu tư mong muốn có những thay đổi về quyền sở hữu nước ngoài trong các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và thực phẩm và đồ uống.
Luật chứng khoán của Việt Nam được ban hành năm 2006 và sửa đổi vào năm 2010, nhưng không trích dẫn các giới hạn sở hữu nước ngoài. Văn bản pháp lý cao nhất quy định cho các giới hạn này là quyết định của Thủ tướng Việt Nam ban hành năm 2009 về việc cấm các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 49% cổ phần trong một công ty đại chúng.
Quyết định này để nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trong nước, vẫn có hiệu lực cho đến năm 2015 khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các quy tắc sở hữu nước ngoài để thu hút vốn và hỗ trợ các công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định của chính phủ cho phép các doanh nghiệp đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực không có điều kiện loại bỏ các giới hạn sở hữu nước ngoài nếu không xung đột với điều lệ của công ty. Động thái này đã giúp một số công ty niêm yết dần dần tìm kiếm cổ đông để loại bỏ giới hạn, dẫn đầu bởi CTCK Sài Gòn năm 2015. Các công ty tiếp sau đó là Vinamilk, Domesco, Bảo Minh và DHG Pharma.
Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán của mình lên tầm khu vực. Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan đã thành công, trong khi Việt Nam vẫn nằm trong cùng một phân khúc với các thị trường như Bangladesh và Sri Lanka.
Chính phủ bắt đầu tập trung hướng tới mục tiêu đó vào năm 2013 nhưng lại bỏ lỡ một cơ hội cho đánh giá MSCI trong năm 2017, ngay cả khi các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đại lục đã gia nhập chỉ số thị trường mới nổi trong năm nay.
Các cơ quan tài chính của Việt Nam đã được chính phủ yêu cầu đẩy nhanh công tác hiện đại hóa khung pháp lý cần thiết cho một thị trường chứng khoán mở và minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngân Giang (theo Nikkei)