Sự phân chia Bắc-Nam đang gia tăng và ngày càng trở nên rõ ràng kể từ năm 2013 khi tỷ trọng sản lượng kinh tế của miền Bắc giảm xuống 38,5% (trước luôn trên ngưỡng 40%) cho dù khu vực 15 tỉnh này chiếm 42% dân số và 60% lãnh thổ Trung Quốc.

Nỗi lo của Bắc Kinh khi miền Nam ngày càng giàu mạnh hơn miền Bắc

24/06/2019, 13:37

Sự phân chia Bắc-Nam đang gia tăng và ngày càng trở nên rõ ràng kể từ năm 2013 khi tỷ trọng sản lượng kinh tế của miền Bắc giảm xuống 38,5% (trước luôn trên ngưỡng 40%) cho dù khu vực 15 tỉnh này chiếm 42% dân số và 60% lãnh thổ Trung Quốc.

Miền Bắc Trung Quốc giàu tài nguyên nhưng bị đánh giá là thiếu năng động

Wang Le, một người gốc Bắc Kinh, đã chuyển đến Thượng Hải vào năm 2016 để mở một câu lạc bộ quyền anh Thái Lan. Với tư cách một doanh nhân, Wang cho biết Thượng Hải ở miền Nam cởi mở hơn, có nhiều điều mới mẻ hơn so với Bắc Kinh ở miền Bắc đầy bảo thủ.

Điều gây ấn tượng với Wang là sự khác biệt lớn về văn hóa kinh doanh. Ở miền Nam, ông nói, việc tuân thủ các quy tắc bắt nguồn từ ý thức của mọi người hơn ở miền Bắc, nơi các doanh nhân có xu hướng đưa ra những lời hứa suông và dành nhiều thời gian xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với những người có quyền lực để tạo điều kiện cho các giao dịch kinh doanh.

“Nói chung, miền Nam có ý thức phục vụ mạnh mẽ hơn miền Bắc, bất kể họ là nhân viên bán rau hay quan chức chính quyền. Trong một môi trường như vậy, khách hàng (ở miền Nam) có yêu cầu và đòi hỏi khắt khe hơn với sản phẩm họ mua”, ông Wang nói thêm và cho rằng điều này có thể là thách thức đối với các doanh nhân phía bắc muốn thâm nhập thị trường, nhưng nếu thành công thì rất xứng đáng.

“Miễn là bạn làm tốt, họ sẽ sẵn sàng chi tiền vào chỗ bạn”, ông Wang nói. "Sẵn sàng tiêu thụ" cũng là một đặc điểm của Thượng Hải, hay chính xác họ sẵn sàng chi tiêu cho hàng hóa chất lượng.

Sự phân hóa bắt đầu hình thành giữa hai miền

Điều Wang cảm nhận là hiện thân của sự phân hóa ngày càng tăng giữa 2 miền Bắc và Nam Trung Quốc. Trước đây trong sách vở thì chúng ta được học là địa lý Trung Quốc đã tách nước này làm 2 vùng phát triển khác nhau: miền Đông đồng bằng giáp biển giàu có, còn miền Tây nội địa, nhiều núi non gặp khó khăn. Nhưng giờ thì còn có cả sự phân hóa Bắc Nam.

Về mặt địa lý theo chiều Bắc-Nam, Trung Quốc bị chia làm hai bởi dãy núi Tần Lĩnh, còn được gọi là dãy Alps Tứ Xuyên và sông Hoài. Trong những năm gần đây, chúng cũng thành biểu tượng chia cắt đất nước làm hai nền kinh tế có sự phân hóa. Ở phía Nam là khu vực giàu có nhất của Trung Quốc, nơi tập trung hầu hết các trung tâm kinh tế năng động và các hải cảng sầm uất nhất.

Đóng góp vào tổng GDP của 2 miền ngày càng phân hóa (miền Nam: màu Vàng, miền Bắc: màu xanh)

Miền Nam Trung Quốc nằm trong lưu vực sông Châu Giang và sông Dương Tử, đã khẳng định tầm quan trọng kinh tế ngày càng tăng lên, với sản lượng chiếm 61,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái.

Còn miền Bắc, phần lớn các ngành công nghiệp nặng của nó, như than đá, vốn đã giúp thúc đẩy phép màu kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, nhưng sẽ sớm trở thành di tích quá khứ.

Sự phân chia Bắc-Nam đang gia tăng và ngày càng trở nên rõ ràng kể từ năm 2013 khi tỷ trọng sản lượng kinh tế của miền Bắc giảm xuống 38,5% (trước luôn trên ngưỡng 40%) cho dù khu vực 15 tỉnh này chiếm 42% dân số và 60% lãnh thổ.

GDP đầu người của miền Nam (màu vàng) từ chỗ kém hơn năm 2013 nay đã vượt miền Bắc (màu xanh)

Năm 2013, thu nhập trung bình hàng năm đầu người ở miền Nam thấp hơn ở miền Bắc, nhưng năm 2018, GDP bình quân đầu người miền Nam cao hơn ít nhất 5% so với miền Bắc, theo tính toán của South China Morning Post.

Sự phân chia có thể được nhìn thấy trong sự hấp dẫn tương ứng của họ đối với lao động lành nghề. Quảng Đông ở phía Nam và Sơn Đông ở phía Bắc là hai tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc, mỗi tỉnh có hơn 100 triệu cư dân. Tuy nhiên, năm 2018 Quảng Đông đã thu hút được hơn 800.000 người đến, trong khi Sơn Đông mất khoảng 400.000 người chuyển tới những nơi khác .

Xu hướng có thể sẽ xấu đi khi cuộc chiến giành công nhân lành nghề ở Trung Quốc leo thang. Người sử dụng lao động ở miền Nam giàu có thường có thể đưa ra mức lương cao hơn và triển vọng nghề nghiệp tốt hơn so với miền Bắc. Chính điều này khiến miền Bắc gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài địa phương.

Sự chênh lệch cũng thể hiện rõ ở sự phụ thuộc của miền Bắc vào nguồn tài trợ của chính phủ. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và nền công nghiệp trở nên lạc hậu, chính quyền ở phía Bắc năm ngoái chỉ tạo ra đủ doanh thu để trang trải ít hơn một nửa chi tiêu của họ. Ngược lại, miền Nam đã có thể trang trải 55% chi tiêu của họ. Đó là kết quả một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học tài chính Trung Quốc.

Nỗi lo không nhỏ cho Bắc Kinh

Cơ sở hạ tầng của miền Nam, bao gồm các cảng, làm cho nó trở thành một điểm thu hút dòng vốn nước ngoài một cách tự nhiên. Điều này đã giúp nó tăng trưởng theo cấp số nhân, trong khi miền Bắc giàu tài nguyên phải vật lộn với biến động giá cả hàng hóa.

Đầu tư nước ngoài đã giúp miền Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu và là ngôi nhà của các ngành công nghệ cao. Khu vực kinh tế tư nhân tại đây bùng nổ, với các công ty có thể phản ứng nhanh hơn với tác động của thị trường so với các doanh nghiệp nhà nước ở miền Bắc.

Liu Qingfeng là một doanh nhân đến từ Liêu Ninh, một tỉnh phía đông bắc Trung Quốc giáp với Triều Tiên và Hoàng Hải. Liu đã dành một thập kỷ ở Thượng Hải và bốn năm ở Thâm Quyến, trước khi chuyển đến Bắc Kinh ba năm trước. Liunói rằng trong khi các doanh nhân mà anh giao dịch từ cả miền Bắc và miền Nam Trung Quốc đều là những người thực dụng và năng động, nhưng người ở miền Nam lại “bài bản” hơn. Điều này giúp người miền Nam dễ phát triển kinh tế tư nhân hơn.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp gia đình vừa và nhỏ ở miền Nam có thể mở rộng đến quy mô lớn hơn. Miền Bắc không thể cạnh tranh với điều đó. Nếu bạn đọc câu chuyện về những doanh nhân thành đạt ở miền Bắc, nhiều người trong số họ là những anh hùng cô đơn, tự mình chiến đấu, ông Liu nói.

Những cải cách trong nền kinh tế Trung Quốc đang triển khai càng làm nổi bật sự khái quát hóa này, củng cố doanh nghiệp tư nhân ở miền Nam, đồng thời làm suy yếu ngành công nghiệp nặng ở miền Bắc.

Vào năm 2018, gần 2/3 trong số 579 đặc khu do Bắc Kinh thiết lập trên cả nước để mở cửa cho đầu tư nước ngoài nằm ở miền Nam, tức là gấp đôi miền Bắc

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 với tờ Cầu Thị, một tạp chí chính trị thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, Liu Shijin, cựu phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước, cho biết sự mất cân bằng phát triển không phải là tiêu cực hoàn toàn.

Trung Quốc là một quốc gia rất lớn và sự phát triển của nó vốn đã bị mất cân bằng trong quá khứ. Nó thường được coi là một thiếu sót, nhưng trong một số khía cạnh, chúng tôi thấy nó cũng có thể là một lợi thế, ông Liu nói. Ví dụ, khi (người tiêu dùng) bắt đầu mua tivi và máy tính, các đơn hàng đến từ các khu vực có mức thu nhập cao trước tiên, sau đó đến các khu vực thu nhập thấp. Bằng cách này, thời gian sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp có thể được kéo dài và nền kinh tế phát triển liên tục.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cảm thấy khoảng cách Bắc-Nam nên được giải quyết khẩn cấp, nhưng không phải theo cách mà Trung Quốc giải quyết khoảng cách Đông-Tây trong quá khứ. Lu Ming, giáo sư kinh tế tại Thượng Hải, cho biết phần lớn đầu tư và trợ cấp trung ương cho miền Tây và miền Trung Trung Quốc đã bị lãng phí khi xây dựng các thành phố và khu công nghiệp mới mà mọi người đang rời đi.

"Tôi đề nghị chúng ta tiến hành đánh giá lợi nhuận đầu tư cho các dự án đường sắt cao tốc đã được lên kế hoạch ở khu vực miền Trung và miền Tây, và xem xét thay thế chúng bằng các sân bay, phù hợp hơn cho các khu vực có mật độ dân số thấp và địa hình phức tạp", ông Lu nói.

Ông nói thêm rằng những khu vực vừa bị hút đi nhân lực không nên bị đánh giá bằng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó nên dùng chỉ số thu nhập bình quân đầu người, mà ông coi là một thước đo công bằng hơn. Đây sẽ là một bước nhỏ trong việc giải quyết sự mất cân đối kinh tế tại Trung Quốc, vốn đang đe dọa sẽ mở rộng hơn.

Cách làm của ông Lu thật ra là một kiểu để giảm bớt chênh lệch khi so sánh phân hóa Bắc - Nam ở Trung Quốc nhưng khó có thể đảo ngược được xu thế này. Nếu miền Nam ngày càng giàu có hơn, độc lập hơn nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài thì đó cũng là nỗi lo lớn của miền Bắc.

Trong lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần bị tách ra theo dạng Bắc - Nam. Nhà Tấn sau khi bị loạn Bát vương đã chạy xuống miền Nam lập nhà Đông Tấn khiến Trung Quốc chia ra giai đoạn Nam - Bắc triều kéo dài hàng trăm năm trước khi Dương Kiên thống nhất thành lập nhà Tùy.

Nhà Tống sau khi 2 vua bị quân Kim bắt thì vua Tống Cao Tông đã chạy xuống phía Nam lập nhà Nam Tống và cùng nhà Kim hình thành thế cục Bắc - Nam. Nhà Thanh cũng suýt bị mất miền Nam trong loạn Tam vương và sau đó là khởi nghĩa Thái Bình thiên quốc.

Các chính khách Trung Quốc rất thuộc lịch sử nên Bắc - Nam phân hóa là điều rất nhạy cảm với họ, thậm chí liên quan đến nguy cơ tồn vong của đất nước.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo của Bắc Kinh khi miền Nam ngày càng giàu mạnh hơn miền Bắc