Xứ Thanh có hàng trăm phường kèn đám ma nhưng số “nghệ sĩ” thực sự có đẳng cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật trong số đó là ông Vũ Văn Liên (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã sớm nổi tiếng khắp tỉnh với những bài đầy cảm xúc, điệu kèn não nùng, da diết và kỹ năng chế tác nhạc cụ tuyệt vời…

Nỗi lòng vua kèn đám ma xứ Thanh

Trí Lâm | 09/05/2016, 10:51

Xứ Thanh có hàng trăm phường kèn đám ma nhưng số “nghệ sĩ” thực sự có đẳng cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật trong số đó là ông Vũ Văn Liên (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã sớm nổi tiếng khắp tỉnh với những bài đầy cảm xúc, điệu kèn não nùng, da diết và kỹ năng chế tác nhạc cụ tuyệt vời…

Ca hay, kèn giỏi

Không phải bỗng dưng mà người xưa đúc kết “Sống dầu đèn, chết kèn trống” bởi mong muốn trước lúc “đi xa” của không ít người chỉ đơn giản là được nghe tiếng réo rắt, nỉ non của tiếng kèn, tiếng nhị… đưa tiễn hồn mình về nơi chín suối một cách thanh thản, trút bỏ muộn phiền để gác lại một đoạn đường trần.

Nghề thổi kèn đám ma ra đời cũng bởi nhu cầu đó và không ít người làm nghề đạt đến trình độ “nghệ nhân”. Ông Vũ Văn Liên tại Hoằng Cát, Hoằng Hóa, Thanh Hóa là một trong những người hiếm hoi như vậy.

Ông Liên chuẩn bị nhạc cụ trước khi đi đến đám ma - ảnh Trí Lâm

Quanh năm, liên miên đám hiếu, không mấy khi ông Liên ở nhà. Những người hàng xóm ông Liên nói rằngtiếng kèn, tiếng nhị của ông Liên nghe đến thắt ruột thắt gan, não nùng kỳ lạ. Xứ Thanh có hàng trăm phường kèn nhưng tiếng kèn của ông Liên nức tiếng, người khắp các huyện, có huyện xa cả trăm cây số cũng mời ông về thổi chobằng được.

Trở về trong dáng vẻ mệt nhọc sau chuyến đi 3 ngày ở đám hiếu một huyện xa, ông Liên, người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, da sạm đen vẫn tất tả nở nụ cười với khách và bảo"mỗi năm 365 ngày thì tôi đi tới khoảng 300 ngày". Mấy chục năm làm nghề nhưng hiếm có cái Tết trọn vẹn chứ đừng nói ngày thường.

Nhấp chén trà đưa giọng, đôi mắt trũng sâuđỏ quạch vì thiếu ngủ hơinhìn ra xa, ông Liên kể về nghiệp thổi kèn đám ma của gia đình mình. Theo dòng ký ức, nhà ông Liên có truyền thống thổi kèn đám mà đến nay đã 4 đời. Người mở nghiệp là ông cố Đường, được một thầy dạy tại Chợ Phủ (huyệnHậu Lộc) nhận ra năng khiếu, yêu mến và truyền nghề.

Từ đó, nghề thổi kèn đám ma được truyền qua từng thế hệ, đến đời ông Liên đã là đời thứ 3 và nối nghiệp ông còn một người cháu trai, mới ngoài đôi mươi. Ngoài ra, còn một người cháu út mới lên 7 nhưng ông cho rằng cháu rất có năng khiếu và có thể kỳ vọng nối nghiệp của mình.

Về phần mình, ông Liên là hậu nhân thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghiệp kèn. Mới bước sang tuổi 45 nhưng ông Liên đã có thâm niên trong nghề tới 35 năm. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề, từ thuở nằm nôi đã quen với tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng phách và những lời ngân nga nên lên 10 tuổi, ông Liên đã theo cha và anh đi đám, tập gõ phách, thổi kèn và ngân những bài ca sao cho lấy được cảm xúc của gia chủ nhất.

Kèn và nhị là dụng cụ chủ yếu của ông Liên - ảnh Trí Lâm

Lẽ đó, khoản nào trong công việc ông Liên cũng thành thạo. Mỗi phường bát âm xưa kia phải đủ 8 người nhưng ông Liên chỉ cần 4 người là đủ, bởi một mình ông có thể thực hiện nhiều công đoạn, chơi nhiều nhạc cụ. Lúc thì kèn, lúc trống, lúc lại kéo nhị, rồi lại hát, lời ca quyện với tiếng nhạc nghe đến não nề, khách dự đám nghe tiếng cũng phải rơi lệ, rưng rưng.

Không chỉ đàn hay và thuộc nhiều điệu, ông Liêncòn có thể tự sáng tác những câu ca phù hợp với hoàn cảnh gia chủ để hát. Với sự nhanh nhạy sẵn có, chỉ cần vài câu trao đổi, ông đã nắm được hoàn cảnh, gia thế của chủ nhà và sáng tác. Ngoài ra, khi khách đặt tiền thướng (tiền mượn ca) ông cũng có thể làm ngay được những câu ca để xướng lên cho khách, mỗi tối hàng chục khách, ông biên hàng trăm câu mà không câu nào trùng câu nào.

“Làm nghề gì cũng cần phải dốc lòng, bởi người ta thuê mình, mình làm không được thì còn ai thuê nữa.Nghề gì cũng vậy, để làm cho đến đầu đến đũa, cho chu toàn, lấy được tiền của thiên hạ không hề dễ dàng” – ông Liên cho hay.

Không chỉ ca haykèn giỏi, ông Liên còn là một tài năng trong việc chế tácnhạc cụ. Những cây kèn đại, kèn tiểu ông đều tự tay làm, hoặc hướng dẫn cho thợ làm. Vì thế, tiếng kèn ông Liên như được chắp thêm cánh, đưa âm thanh trở nên hấp dẫn hơn.

Buồn vui nghề nghiệp

Ông Liên nhớ lại một kỷniệm vui. Một thời gian trước, ở thôn Nhị Hà quê ông, chi bộ Đảng cấm ca, kèn trong đám ma để thực hiện nếp sống văn hóa mới. Tuy nhiên, chỉ sau mộtđám ma, quy định trên gặp trở ngạibởichính bố mẹ của những người ra quyết định trên khi lâm chung, trăn trối rằng phải mời bằng được phường kèn về mới yên tâm. Do đó, họ buộc phải mời ông Liên về để ca kèn trong đám tang. Từ đó, quy định trên bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, điều khiến ông Liên canh cánh nhất vẫn là những kỷniệm không mấy vui vẻ của người trót mang nghiệp vào thân. Hơn nữa, thu nhập từ nghề kèn đám hiếu không cao. Tiếng là vài triệu đồngmỗi đám nhưng chia cho nhiều người trong phường kèn thì mỗi người cũng chỉ được mấy trăm nghìn. Lẽ đó mà bao năm ông vẫn sống trong căn nhà đơn sơ, mãi gần đây mới xây được căn nhà mới. Do những lẽ đó, nhiều lần ôngmuốn bỏ nghề nhưng nghĩ đến nghiệp tổ, ông Liên lại tạm quên những nỗi buồn và tiếp tục gắn bó với nghề.

Ông Liên và người cháu là Vũ Văn Mạnh cũng đang theo nghiệp ca kèn đám ma - ảnh Trí Lâm

Nhớ lại thuở trước, khi tay nghề chế kèn còn bập bõm, mỗi khi chế được dụng cụ nào ông Liên phải đem ra thổi để chỉnh lại cho âm thanh được chuẩn. Người làng nghe tiếng thử kèn của ông Liên, không hiểu lại xì xào bảo nhau ý rằngông Liên đang gại kèn cho người ta chết để kiếm tiền. Nghe những điều đó ông Liên vừa buồnvừa giận đến phát khóc nhưng cũng không thể làm gì.

“Việc này ngoài mưu sinh còn là chút tình nghĩa đối với người đã khuất, do đótôi luôn mong muốn đem đến những lời ca, khúc nhạc tốt nhất tiễn vong linh người đã khuất. Muốn nhạc hay thì dụng cụ cũng phải tốt, muốn tốt thì khi chế tạo phải thử đi thử lại chứ” – ông Liên tâm sự.

Hoặc như thời điểm gia đình ông chịu “hạn trùng tang”, trong lúc đau buồn vì chuyện tang gia của gia đình thì ông còn phải chịu thêm một nỗi đau khác từ những lời dị nghị của người đời, rằng ông làm cái nghề này mới dẫn đến việc bị cái họa trùng tang. Lúc đó, ông bực bội vô cùng.

Ông Liên nói như phân trần, trùng tang là chuyện hết sức bình thường, có thể xảy ra ở bất kỳ đâu chứ liên quan gì đến nghề nghiệp.Tôi làm nghề lương thiện, đem lại sự an yên cho người khuất núi thì không được lộc thì thôi chứ cớ sao bị phạt.

Những dụng cụ cần thiết của ông Liên khi phục vụ đám ma - ảnh Trí Lâm

Hay như vì nghề nghiệp của mình mà nhiều khi đi làm xa, đến gần nhà của bạn bè lâu ngày không gặp nhưng ông cũng không dám vào nhà chơi, vì dân gian kiêng đem kèn trống vào nhà người khác. Điều này cũng khiến ông nhiều áy náy. Hoăc đôi khi ngày Tết, người ta hân hoan đi đây đi đó chúc tụng nhau thì ông cũng ngại ngần, bởi sợ sự xui rủi đối với người khác trong năm mới. Đó là ông lo xa người đời nghĩ thế, chứ những điều này là những lo lắng vô căn cứ, lo xa thái quá.

Còn một điều nữa, theo ông Liên, quy ước trong nghề là người thợ kèn đám ma không được ca kèn trong tang lễ của người thân mình. Do đó, khi người cha và anh của ông Liên qua đời, ông Liên phải thuê phường kèn khác. Nỗi khổ tâm này chỉ những người trong nghề mới hiểu, cả đời ca kèn cho những đám hiếu, đến khi chính người thân của mình thì lại không thể.

Nhìn vào đứa cháu út, mới 6-7 tuổi, ông Liên kỳ vọng nhiều vào nó, cho rằng cu cậu có thể giữ được nghề gia truyền. “Mới chỉ 6-7 tuổi mà ham đi đám lắm, nghe ca kèn mà cứ mê mẩn ấy. Với kinh nghiệm của mình thì tôi nghĩ cháu có đủ khả năng, nhưng sự đời có nhiều biến chuyển, còn xem cháu có duyên với nghề không đã” – ông Liên nói.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
một giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lòng vua kèn đám ma xứ Thanh