Tật nói ngọng, viết ngọng có xuất xứ ở một số vùng miền nước ta nhiều đời nay. Trải qua nhiều thời gian, “nét văn hóa vùng miền” - nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - du nhập vào các cơ quan Trung ương, nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng gì ngành giáo dục, đào tạo.

Nói ngọng, viết ngọng

12/07/2017, 09:43

Tật nói ngọng, viết ngọng có xuất xứ ở một số vùng miền nước ta nhiều đời nay. Trải qua nhiều thời gian, “nét văn hóa vùng miền” - nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - du nhập vào các cơ quan Trung ương, nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng gì ngành giáo dục, đào tạo.

Gần hai tháng trước, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh - nguyên Tổng biên tập Báo Quốc tế - đưa lên Facebook của mình tấm ảnh: “Hội thi Cô giáo Tài lăng Duyên dáng” của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với lời cảm thán, giễu cợt: “Chết thật, đến phòng giáo dục mà còn ngọng thế “lày” thì bảo ai được?”.

Tấm ảnh đã được nhiều người chia sẻ. Cư dân mạng xã hội lại thêm một lần móc máy: Đến người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo còn nói ngọng trước Quốc hội kia mà!

Nhà thơ Ngô Minh sống ở TP.Huế đặt câu hỏi: “Sao không có cách gì để sửa tật này nhỉ?”.

Bốn, năm năm trước tôi tình cờ gặp lái xe taxi tên là Lân. Lân không chỉ nói ngọng tiếng l, n mà còn pha chút chất giọng miền Trung, lẫn lộn dấu ngã, dấu hỏi. Em nà Nân, ỡ Lam Định từ nhõ, em nên Hà Lội nái taxi hơn 10 năm… là khẩu ngữ của Lân trò chuyện với tôi hôm đó.

Lân kể, bố anh người gốc miền Trung tập kết ra Bắc năm 1954 rồi gặp mẹ anh, một cô gái huyện ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Lân sinh ra, lớn lên và thụ hưởng khẩu ngữ đặc trưng hai vùng miền của cả cha và mẹ.

Tôi hỏi: - Lân có biết mình nói ngọng không?

Lân nói, hồi nhỏ không để ý vì cả vùng ai cũng thế, chỉ khi đi làm bị bạn bè nhạo mới biết mình ngọng. Nỗi khổ tâm, day dứt nhất của vợ chồng Lân mấy năm nay là đứa con trai đang học năm đầu phổ thông cơ sở, thi thoảng tan trường về cháu lại tức tưởi khóc: “Bọn bạn chẵng ai chơi với con, vì con ngọng níu ngọng nô”.

“Thế thì phải cố mà sửa chứ!”. Nói rồi tôi kể với Lân là tôi sinh ra ở một tỉnh miền núi, hầu như cả vùng ai cũng phát âm các tiếng có dấu ngã cứng như dấu sắc. Tỉ như: Xá hội (xã hội), liệt sí (liệt sĩ)… Năm học cuối cấp ba, một hôm cô giáo dạy văn chỉ định tôi đọc bài thơ có câu: “Dãi gió dầm mưa…”, tôi đã đọc chữ “dãi” với âm điệu dấu sắc. Chưa kịp đọc hết câu tôi đã thấy cô giáo ngoảnh mặt đi, cả lớp thì rũ rượi cười. Cho đến giờ tôi vẫn còn rất ngượng mỗi khi gặp lại bạn bè năm ấy, nhất là với cô giáo chủ nhiệm lớp.

Sau “sự cố” để đời ấy, tôi quyết sửa bằng được tật nói ngọng của mình.

Tôi liệt kê tất cả các tiếng có dấu ngã, lọc ra những tiếng hay gặp hằng ngày nhất rồi lẩm nhẩm đọc và viết đi viết lại lúc rảnh rỗi. Khi đọc hoặc nói đến tiếng có dấu ngã tôi tự ngắt chậm lại, cố điều chỉnh lưỡi để phát âm nhẹ, mềm hơn... Cứ như vậy, khi vào trường đại học tôi đã xóa ngọng được cả nói và viết lúc nào không biết!

Nghe chuyện, Lân gật gù: - Có vẻ đơn giản, dễ vận dụng... nhưng phải rất kiên trì đúng không anh? Kết thúc cuốc đi, Lân xin tôi số điện thoại. Còn tôi thì dặn: - Trước mắt, cứ lặp đi lặp lại mấy cặp từ: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội… những địa danh gần gũi với Lân nhé!

Bẵng đi chừng hai năm, Lân gọi điện thoại cho tôi: - Anh Khiêm ơi, hôm nào em mời anh đi Hà Nam Ninh chơi nhé! Tôi không hiểu ẩn ý của Lân, vặn lại: - Cậu phải cụ thể hơn chứ! Lân cười: - Thì đó là tên tỉnh em một thời gồm Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình anh nói mà!

Lân nói đâu ra đấy tên ba thành phố. Tôi chợt hiểu ra cậu ta khoe thành tích chữa ngọng của mình! Rồi Lân hẹn tối hôm sau đón tôi đến nhà: - Nhờ anh sát hạch giúp vợ và con trai em còn ngọng nhiều không?

Con trai Lân đã học năm giữa phổ thông cơ sở. Sau một hồi trò chuyện, tôi tặng cháu tập thơ viết cho thiếu nhi của tôi mới xuất bản và tế nhị bảo: - Cháu có thể chọn một bài đọc cho cả nhà nghe được không?

Ngẫu nhiên, cháu chọn bài lục bát có nhiều chữ l, n và dấu ngã, dấu hỏi. Cháu hồn nhiên đọc, khá rành rẽ. Phải chú ý tôi mới nhận ra đôi chỗ cháu còn ngập ngừng, lơ lớ…

Chúng tôi trở nên gần gũi, thân tình hơn. Có việc đi đâu đó tôi điện thoại gọi Lân, cũng có ngày thưa khách Lân ghé đón tôi đi cà phê. Gần đây, Lân lại mời tôi đến nhà “mở bia uống chơi”. Hóa ra, Lân mới được nhận làm lái xe cho Tổng giám đốc một doanh nghiệp. Điều thú vị là Lân được nhận vào làm ở chính cái nơi mà mấy năm trước người ta đã loại cậu chỉ vì… ngọng! Tôi mừng cho Lân.

Tật nói ngọng, viết ngọng có xuất xứ ở một số vùng miền nước ta nhiều đời nay. Trải qua nhiều thời gian, “nét văn hóa vùng miền” - nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - du nhập vào các cơ quan Trung ương, nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng gì ngành giáo dục, đào tạo. Khác chăng, đây là ngành có nhiều công chức nên tỷ lệ cán bộ, giáo viên nói ngọng, viết ngọng phát lộ ra trước bàn dân thiên hạ cũng cao hơn. Và nữa, bởi thiên chức là giáo dục và đào tạo, do vậy việc các thầy giáo, nhất là với vị tư lệnh ngành nói ngọng khiến cư dân mạng xã hội dậy sóng!

Không nói đâu xa, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phô ra một vài tiếng ngọng khi đăng đàn, nhưng nào có ai bàn luận?

Nói ngọng có thể là “nét văn hóa vùng miền” (?), nhưng viết ngọng (lỗi chính tả) đang làm phương hại ngày càng nhiều đến sự chuẩn mực và trong sáng của tiếng Việt. Thiển nghĩ, các thầy giáo nói riêng và ngành giáo dục, đào tạo phải là ngành thấu hiểu điều đó trước nhất!

Trở lại câu hỏi của nhà thơ Ngô Minh, cũng là băn khoăn của không ít người: Có cách gì sửa tật nói ngọng không?

Mẩu chuyện nhỏ của tôi và gia đình lái xe Lân phần nào là một câu trả lời. Còn có nhiều cách xóa ngọng khác như: người nói ngọng cần chịu khó giao tiếp, chắt lọc, lắng nghe người khác nói chuyện hay năng đọc nhiều sách, báo mỗi ngày…

Ngày nay, với những người nói ngọng nhưng hay phải viết lách, khi gặp những chữ mình chưa thật tự tin thì gõ phím hỏi “ông” Google để có thể chính xác hơn. Rất thuận tiện và nhanh!

Nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là người nói ngọng có biết mình ngọng và nghĩ đến hệ lụy “di truyền” với gia đình, con cái và với xã hội… đặng, quyết tâm và kiên trì sửa.

Cái gì không sửa được trong vài ba ngày, vài ba tuần thì sẽ sửa được bằng nhiều tháng, nhiều năm!

Bùi Đức Khiêm (nhà văn)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nói ngọng, viết ngọng