Theo Science Alert, các nhà khoa học ở Đại học Max Planck, Đức, khẳng định nỗi sợ nhện và rắn là thuộc cơ chế tiến hóa.
Họ đã thử nghiệm cho trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi ngồi trong lòng cha mẹ được xem các hình ảnh của nhện và hoa, rắn và cá. Các chuyên gia theo dõi đồng tử mắt (con ngươi) của các cháu. Được biết khi đồng tử giãn nở ra thì nồng độ norepinephrine (một hormone stress) cũng tăng lên.
Các nhà nghiên cứu nhận ra khi nhìn thấy một con rắn hay một con nhện, đồng tử mắt của trẻ mở rộng hơn so với khi nhìn thấy một con cá hay một bông hoa có cùng kích thước và màu sắc. Chẳng hạn, khi trẻ nhìn thấy con nhện, đồng tử mắt của trẻ giãn nở trung bình 0,14mm, còn khi nhìn thấy bông hoa, đồng tử mắt chỉ giãn nở 0,03mm.
Trong trường hợp cho trẻ nhìn thấy hình rắn và cá, sự khác biệt không đáng kể như vậy. Có lẽ điều này là do thực tế là cả hai bức ảnh đều có động vật. Tuy nhiên, đồng tử mắt của trẻ vẫn giãn nở rộng hơn khi nhìn thấy rắn.
Các nhà khoa học Đức đã đi đến kết luận rằng nỗi sợ hãi nhện và rắn là thuộc cơ chế tiến hóa. Cơ chế tiến hóa này đã giúp tổ tiên của chúng ta sống sót, buộc họ phải tránh xa các loài động vật nguy hiểm.
Vũ Trung Hương