Giống cà chua F1 Mongal T11 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh mà người dân ở phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương (Hải Dương) vẫn trồng hơn 20 năm qua, năm nay bỗng cà chua không ra quả khiến hàng trăm hộ trồng lâm vào cảnh điêu đứng, thiệt hại gần chục tỷ đồng.

Nông dân “chết đứng” vì cà chua không ra quả

Một Thế Giới | 22/10/2014, 09:38

Giống cà chua F1 Mongal T11 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh mà người dân ở phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương (Hải Dương) vẫn trồng hơn 20 năm qua, năm nay bỗng cà chua không ra quả khiến hàng trăm hộ trồng lâm vào cảnh điêu đứng, thiệt hại gần chục tỷ đồng.

Phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương có 9 khu dân cư với hơn 2000 hộ dân trong đó có 270 hộ dân tham gia trồng cà chua. Diện tích trồng cà chua của cả phường là hơn 25 ha. Cây cà chua đã được đưa vào trồng cách đây hơn 20 năm ở phường Ái Quốc. Nó được xem là cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo của nông dân nơi đây. Vậy mà giờ đây, nhiều người trồng cà chua rơi vào cảnh trắng tay cũng chỉ vì cà chua.
Mỗi cây chỉ bói được 2, 3 quả

Đến những cánh đồng trồng cà chua của phường Ái Quốc, TP. Hải Dương vào thời gian này, nhìn đâu cũng thấy xác cây cà chua chất ngổn ngang kín các bờ ruộng. Trên một vài thửa ruộng, người nông dân vẫn đang tiếp tục nhổ đi những cây cà chua mà họ phải tốn rất nhiều công sức chăm bón.

Vừa thấy chúng tôi xuất hiện chị Vũ Thị Hằng ở khu Ngọc Trì, phường Ái Quốc nói ngay: “Chết dở anh ạ. Cà chua trồng hơn 1 tháng trời, tốn bao công chăm sóc, vốn liếng giờ phải nhổ sạch”.

Hỏi ra mới biết, năm nay, gia đình chi Hằng trồng hơn 5 sào cà chua giống cũ F1 Mongal T11 được sản xuất bởi Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh, có địa chỉ D25-26, Khu dân cư Đông Thủ Thiêm, Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP. Hồ Chí Minh nhưng mua phải giống cà “rởm”, trồng hơn 1 tháng mà chỉ ra được có 2-3 quả/cây. Nếu so với những cây giống cùng bao bì vụ trước thì cũng thời điểm nay, mỗi cây cà chua phải có từ 25-30 quả.

Theo chị Hằng, cây cà chua “rởm” lá nhỏ, thân mập hơn bình thường, phát triển rất nhanh nhưng cao hơn 1 mét mà chỉ bói được 2, 3 quả. Người dân gọi đó là cây cà chua ngố. Mọi năm, loại cây này vẫn xuất hiện trên ruộng cà chua nhưng chỉ là lẫn một vài cây. Đến năm nay, không hiểu vì lý do gì mà tất cả những cây người dân trồng đều là giống cà chua ngố.

Cùng  trồng phải giống cà chua như hộ chị Hằng nhưng tình cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở khu dân cư Linh Quan lại thê thảm hơn nhiều. Từ một hộ nghèo nhất nhì xã Ái Quốc (nay là phường Ái Quốc), sau nhiều năm tìm tòi, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà chua, gia đình anh Mạnh đã không chỉ thoát khỏi nghèo mà còn có thu nhập khá của khu.

Đến vụ năm 2014 này, gia đình anh Mạnh quyết định bỏ vụ lúa mùa, đấu thầu thêm diện tích đất được gần 9 sào để đầu tư vào trồng cà chua nhưng không ngờ mua phải giống cà chua “rởm” khiến 2 vợ chồng anh điêu đứng.
Nong dan “chet dung” vi ca chua khong ra qua
Anh Nguyễn Văn Mạnh bên diện tích trồng cà chua mà vợ chồng anh đã phải nhổ đi đến 2 lần trong 2 tháng. 
Cùng diện tích đó, không chỉ trồng và nhổ đi 1 lần mà gia đình anh Mạnh đã phải làm điều ấy đến 2 lần chỉ trong 2 tháng. Anh Mạnh bộc bạch: “Rút kinh nghiệm từ lần 1 do mua giống ở xã, lần  2, tôi đã tìm sang tận đầu mối giống của một đại l‎ý lớn ở huyện Nam Sách để mua và còn được chủ đầu mối cam kết chắc như đinh đóng cột là giống chuẩn 100%. Mang về trồng được hơn 1 tháng, chủ đầu mối phát hiện ra cũng là giống cà “rởm” và chủ động gọi điện báo cho tôi bảo nhổ đi cho đỡ hại đất”.

Hiện tại, ruộng đất nhà anh Mạnh vẫn đang bỏ trắng. Anh cho biết, nếu mà trồng lần 3 mà vẫn phải giống cà chua “rởm” thì chắc vợ chồng và con cái anh chỉ còn nước đi ăn mày. Bởi sau 2 vụ trồng cà thất bại liên tiếp, vợ chồng anh đã mất trắng hơn 50 triệu đồng và nợ nần thêm một khoản kha khá, trong đó chủ yếu là tiền vốn, tiền phân bón, thuốc trừ sâu… cho cây cà chua.

Doanh nghiệp chậm chễ trong việc xử lý

Theo người dân, sau khi nhận được đơn kiến nghị của nông dân và các đại lý cung cấp giống, phía Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh đã cử đại diện về xác minh thiệt hại và có khuyên bà con nên nhổ bỏ hết cây cà chua đi để đỡ hại đất. Cùng với đó, doanh nghiệp hứa sẽ đền bù mỗi hộ trồng cà chua 1 triệu đồng/sào nhưng người dân không đồng ý vì mỗi sào cà chua, người dân phải đầu tư hơn 5 triệu tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu... đó là chưa kể công chăm sóc.

Đại diện công ty giống sau đó xin về để hỏi ý kiến cấp trên và sẽ có câu trả lời cho người dân sớm nhất. Nhưng từ đó đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, vẫn thấy họ im lặng, bỏ mặc người nông dân kêu than.
Nong dan “chet dung” vi ca chua khong ra qua
2 vỏ bao bì cùng một loại của công ty cung ứng giống TNHH Sản xuất Thương mại Xanh nhưng giống năm ngoái (vỏ bên trái) cho chất lượng rất tốt còn giống năm nay (vở bên phải) lại không ra quả. 
Hiện phần lớn diện tích đất trồng cà chua “rởm” bị bà con phá bỏ đang bỏ trắng hoặc chuẩn bị trồng giống cà chua cũ mà theo người dân là năng suất không cao bằng. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài giống F1 Mongal T11 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh thì trên địa bàn còn đang lưu hành rất nhiều loại giống cà chua của nhiều công ty khác nhau. Trong đó, phổ biết là các giống như F1 Cánh  Đồng Xanh T11 của Công ty TNHH Cánh Đồng Xanh, F1 Kinh T12 sản xuất bởi Công ty TNHH Giống cây trồng Phú Nông… tất cả đều có địa chỉ trong thành phố Hồ CHí Minh.

Tuy nhiên, các hộ dân ở đây cho biết, họ không dám mua những giống mới này về trồng thử bởi khó phân biệt được thật giả. Trồng như vậy chẳng khác nào “đánh bạc” với công ty giống và với chính số phận của họ. Họ chọn phương pháp an toàn là dùng những loại giống cũ dù năng suất không cao nhưng cũng mang lại thu nhập và tránh lãng phí đất trồng trong lúc chờ phía đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh có câu trả lời thỏa đáng.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh tại Hà Nội. Anh Nguyễn Quang Hòa, nhân viên thị trường - đại diện chi nhánh công ty tại Hà Nội cho biết, sau khi về địa phương xác minh thông tin về giống cà chua F1 Mongal T11 không cho quả, đại diện công ty ngoài Hà Nội đã báo cáo tình hình với công ty “mẹ” ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng do giống cà chua đó nhập khẩu từ bên Ấn Độ về nên phải chờ họ sang để kiểm tra chất lượng hạt giống, cũng như họp bàn về hướng giải quyết chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi về thời gian giải quyết cụ thể, khi nào các chuyên gia nước ngoài đến kiểm tra thì anh Hòa cho biết chưa nắm rõ được.

Ông Nguyễn Đức Thiết - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp phường Ái Quốc cho biết, toàn phường Ái Quốc có hơn 25ha trồng cà chua. Trong đó, tập trung trồng nhiều nhất ở khu Ngọc Trì, (khoảng 10ha), các khu còn lại như Linh Quan, Vũ Thượng, Đồng Tháp, Văn Xá… mỗi khu có diện tích khoảng 3-4ha. Như mọi năm, cũng giống cà chua Tomato F1 Mongan của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xanh, mỗi ha đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng. Đến năm nay, toàn bộ diện tích trồng cà chua trên đều không cho thu hoạch. Ước tính thiệt hại lên đến trên 6 tỷ đồng. “Ngay sau khi nhận được ‎phán ánh của bà con nông dân trong phường về thiệt hại do giống cà chua “rởm” gây ra, phường đã nhanh chóng vào cuộc thống kê diện tích thiệt hại và làm văn bản gửi lên huyện, tỉnh để giải quyết ngay”, ông Thiết cho biết.

Triệu Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo
25 phút trước Khoa học - công nghệ
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, các hoạt động chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam trong thời gian qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân “chết đứng” vì cà chua không ra quả