Hàng trăm ha dưa hấu chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa thu hoạch, năng suất bình quân từ 2,5 đến 5 tấn. Tuy nhiên, nông dân nơi đây thêm một lần “đắng lòng" vì giá dưa tụt xuống thảm hại.

Nông dân Ninh Thuận thêm một lần đắng lòng trước Tết

Một Thế Giới | 24/01/2016, 05:44

Hàng trăm ha dưa hấu chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đang vào mùa thu hoạch, năng suất bình quân từ 2,5 đến 5 tấn. Tuy nhiên, nông dân nơi đây thêm một lần “đắng lòng" vì giá dưa tụt xuống thảm hại.

Khoảng từ đầu tháng 1.2016 đến nay, nông dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) bắt đầu vụ thu hoạch dưa hấu bán Tết, nhưng niềm vui không được như mong muốn, vì với giá từ 1.200 - 2.000 đồng/kg (giá thấp nhất trong 5 năm trở lại đây), khiến cho hàng trăm hộ trồng dưa đang đối diện với cảnh chịu lỗ nặng.

Hơn hai tuần qua, tại các xã Phước Hòa (huyện Bác Ái); xã Lương Sơn; thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn), hàng chục chiếc xe vận tải đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi… xếp hàng nối đuôi nhau dọc con đường dẫn đến các ruộng dưa. Thương lái đến tận ruộng dưa của nông dân để ước lượng năng suất, chất lượng và cùng ngã giá mua bán. Tuy nhiên, với giá dưa loại một (từ 2,5 đến 3 kg/quả) dao động từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg không nhiều. Nhiều hộ nông dân cho biết, năng suất từ 2,5 đến 5 tấn/sào (1.000m2), nhưng chỉ có vài trăm kg dưa đạt loại một, còn lại là loại hai, ba, người dân lỗ nặng.

Nông dân Đặng Văn Giỏi ở thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn ngồi giữa đống dưa vừa thu hoạch chất ngay bên vệ đường, nói: Vợ chồng tôi vào thôn Tân Lập, xã Lương Sơn thuê năm sào đất và vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 50 triệu đồng để trồng, tưởng chừng sẽ có lãi vụ này, giờ tính toán lại, tổng số tiền bán hết dưa đã thu hoạch của 5 sào, chỉ được 9 triệu đồng. Không biết lấy tiền đâu để trả nợ vay.

Còn lão nông Lê Hà, xã Lương Sơn, tính nhẩm: “Bình quân chi phí đầu tư trồng một sào dưa khoảng 10 triệu đồng, nếu thu hoạch từ 2,5 đến 5 tấn/sào, nhưng chỉ có khoảng 500 kg đạt dưa loại một bán được một triệu đồng, số còn lại giá thấp hơn nhiều, thì nông dân lỗ từ 5 đến 6 triệu đồng/sào”.

Nông dân ở đây cho biết, nguyên nhân rớt giá là do các thương lái từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi vào Ninh Thuận thu mua dưa để xuất khẩu qua Trung Quốc với số lượng không nhiều, giá bấp bênh và thời gian thu mua không ổn định, làm cho nông dân ngày càng bế tắc về đầu ra. Cùng với đó, giá dưa ngày càng tụt giảm, vì nếu chậm thu hoạch đúng hạn, dưa sẽ hỏng chỉ còn cách cho gia súc ăn.

Thương lái Nguyễn Thị Xuân ở Quảng Ngãi cho biết: “Tôi thu mua dưa của nông dân Ninh Thuận nhiều mùa rồi, tuy nhiên vụ này thu mua với giá rất thấp, biết chắc là nông dân bị lỗ nặng, nhưng giá thị trường sao thì mua vậy, chẳng biết làm gì hơn”.

Những nông dân gắn bó với cây hưa hấu nhiều năm, khẳng định, để sản xuất có lãi, giá dưa thấp nhất phải ở mức 5.000 đồng/kg. Thời điểm này năm trước, giá dưa ở mức kỷ lục (từ 10 nghìn trở lên/kg), nhiều người trồng dưa thu lãi tiền tỷ, cho nên năm nay, hầu hết bà con đều mở rộng diện tích. Nhiều người ở huyện Ninh Sơn vào tận huyện Bác Ái cách đó vài chục cây số thuê hàng chục ha đất để trồng dưa bán Tết, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ninh Sơn, qua nhiều năm theo dõi tình hình, và xác định, chi phí đầu tư trồng dưa hấu cao so với các loại cây trồng ngắn ngày khác cộng với giá bán không ổn định, nông dân dễ gặp rủi ro và rất khó mà thoát nghèo nhờ dưa hấu. Do đó, đã chỉ đạo các xã không khuyến khích bà con nhân rộng diện tích. Tuy nhiên, do thấy năm trước được mùa trúng giá, cho nên năm nay, nông dân bất chấp mọi cảnh báo để mở rộng diện tích hơn 300 ha (gấp đôi diện tích trồng năm trước). Hiện tại, huyện và các xã tích cực liên hệ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thu mua dưa cho nông dân, tuy nhiên, vẫn đang bí đầu ra.

Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn Đỗ Như Lanh, huyện Ninh Sơn, cho biết: Xã đã cử cán bộ nông nghiệp trực tiếp xuống dân, giám sát quá trình thu mua, đồng thời làm việc với các thương lái có kế hoạch thu mua hết cho nông dân để giảm phần nào thiệt hại. Sắp tới, xã sẽ quy hoạch vùng trồng và kiên quyết ngăn chặn tình trạng người dân tự ý mở rộng diện tích, để tránh thua lỗ trong sản xuất.

Một lần nữa, điệp khúc được mùa mất giá khiến cho hàng trăm hộ trồng dưa trên địa bàn huyện Ninh Sơn lao đao. Tuy nhiên, đây cũng là bài học thấm thía đối với nông dân về việc tự ý mở rộng diện tích.

“Nếu giá dưa không có chuyển biến tích cực trong những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, để bà con vớt vát chi phí đầu tư, chắc không khí tết nơi này sẽ không vui như năm trước” – ông Đỗ Như Lanh bộc bạch.

Theo Trung Nguyên/Nhân Dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân Ninh Thuận thêm một lần đắng lòng trước Tết