Bác sĩ Trần Thị Phương Trang (47 tuổi) hiện công tác tại cơ sở tiêm chủng Camas VFF (ở P.6, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được biết là một bác sĩ đầy tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Mỗi lần cơ sở có vắc xin mới nhập về, là chị tự tiêm thử vào cơ thể mình để trải nghiệm xem phản ứng của thuốc, rồi mới tiêm cho khách hàng.

Nữ bác sĩ tự tiêm thử nghiệm vắc xin mới trước khi tiêm cho khách hàng

21/05/2020, 15:48

Bác sĩ Trần Thị Phương Trang (47 tuổi) hiện công tác tại cơ sở tiêm chủng Camas VFF (ở P.6, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được biết là một bác sĩ đầy tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Mỗi lần cơ sở có vắc xin mới nhập về, là chị tự tiêm thử vào cơ thể mình để trải nghiệm xem phản ứng của thuốc, rồi mới tiêm cho khách hàng.

Bác sĩ Trang trực tiếp tiêm ngừa cho trẻ - Ảnh: Khải Trần

Tự tiêm vắc xin vào cơ thể để trải nghiệm

Năm 1999, bác sĩ Trang tốt nghiệp y khoa tại Trường đại học Y Dược Cần Thơ. Sau đó, chị tiếp tục học sau đại học với chuyên ngành sản phụ khoa tại Trường đại học Y Dược TP.HCM. Khi tốt nghiệp, chị về công tác ở nhiều đơn vị như Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM), Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, Bệnh viện MEDIC Cà Mau… Chị từng đảm nhận chức vụ Trưởng khu Sản phụ khoa của Bệnh viện MEDIC Cà Mau...

Bác sĩ Trang là người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực sản phụ khoa, siêu âm nhũ, phụ khoa và chẩn đoán bất thường của thai nhi. Chị chia sẻ: “Tại Bệnh viện MEDIC Cà Mau, tôi vốn rất mong mỏi sẽ giúp được cho nhiều phụ nữ sống khỏe, phát hiện và điều trị sớm những bệnh nguy hiểm như ung thư vú, cổ tử cung...

Nhưng rồi bệnh viện không có người hỗ trợ thành lập phòng tiêm chủng, nên tôi đã mạnh dạn nhận công việc mới và cũng mong mỏi bằng sự hiểu biết của mình, tôi sẽ giúp ích cho công tác chăm sóc sức khỏe. Nó sẽ thật ý nghĩa khi bệnh viện hướng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng”.

Bác sĩ Trần Thị Phương Trang - Ảnh: Khải Trần

Vì vậy bác sĩ Trang đã quyết định rời Bệnh viện MEDIC Cà Mau, mở phòng khám chuyên khoa để khám sàng lọc ung thư cho phụ nữ, với tâm nguyện hết lòng vì người bệnh. Bác sĩ Trang tâm tình: “Những mũi tiêm ngừa ung thư cho phụ nữ khiến tôi ấp ủ bao tâm huyết và hy vọng Cà Mau - vùng đất xa xôi của Tổ quốc, sẽ giảm dần tỷ lệ phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Người làm bác sĩ không được tự mãn, mà phải luôn học hỏi, trau dồi tay nghề thì mới giúp người khác được”.

Bác sĩ Trang còn được biết đến là người rất mát tay ở lĩnh vực tiêm chủng. Chuyên môn của chị là chẩn đoán, điều trị cho phụ nữ, bởi thế trong quá trình làm việc, bác sĩ Trang nhận thấy ở phụ nữ có một số bệnh có thể phòng ngừa. Vì vậy, chị đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và “bén duyên” với tiêm chủng cho đến nay.

Theo bác sĩ Trang, hiện nay tình trạng phụ nữ nhiễm vi rút HPV - nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới, là rất cao. Đây là bệnh lý lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, bệnh này có thể ngừa. Bác sĩ Trang khuyên: “Bản thân tôi nếu không là bác sĩ, chắc giờ này tôi đã có thể bị ung thư. Hằng năm tôi vẫn luôn đi khám định kỳ và nhận thấy việc này sẽ giúp phát hiện sớm ung thư, giúp đời sống người phụ nữ được an toàn hơn. Để phụ nữ giảm nguy cơ ung thư, điều quan trọng là phải tiêm phòng HPV”.

Đặc biệt, bác sĩ Trang là người thích “trải nghiệm”. Chị sẵn sàng là người đầu tiên tiêm ngừa khi cơ sở nhập về loại vắc xin mới trong chỉ định cho phép. Chị cười hiền: “Tôi tiêm vào cơ thể mình, để cảm nhận vắc xin có phản ứng như thế nào, có đau nhức gì, khó chịu ở đâu, nóng sốt ra sao…

Khi mình đã trải nghiệm rồi, biết được biểu hiện của vắc xin, lúc đó tôi mới yên tâm, tự tin để tư vấn khách hàng và hướng dẫn họ cách chăm sóc con trẻ sau khi tiêm ngừa. Tiêm chủng là mảng rất nhạy cảm, nếu bác sĩ chưa được dày dạn kinh nghiệm, yếu về chuyên môn và không hiểu về nguyên lý của nó thì không ai dám làm”.

Bác sĩ Trang đã trải nghiệm nhiều loại vắc xin. “Thật sự vắc xin rất an toàn, chỉ cần làm đúng khuyến cáo thì sự bảo vệ sức khỏe rất cao. Việc tiêm phòng không chỉ để ngừa bệnh cho bản thân, mà còn phòng cho cả cộng đồng. Việc tiêm ngừa có ý nghĩa lớn, giúp giảm đi gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu không may mắc những căn bệnh hiểm nghèo”, bác sĩ Trang trải lòng.

Có niềm tin vào nhân quả

Lâu nay, ai cũng nghĩ rằng người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ là phải tính toán, để tìm kiếm, thu gom lợi ích về cho mình. Tuy nhiên, với bác sĩ Trang, chị chưa bao giờ nghĩ tiền là tất cả. Mọi người đến với chị dù nghèo hay giàu, chị đều tôn trọng và trân quý họ. Thậm chí, chị còn quan tâm, gần gũi những hoàn cảnh nghèo khó nhiều hơn.

Chị cho biết: “Không phải người giàu tìm đến tôi thăm khám là tôi niềm nở, còn người nghèo là khinh khi, không phải vậy. Tôi đối xử với tất cả mọi người như nhau, nhưng tôi quan tâm những hoàn cảnh khó khăn hơn vì họ còn hạn chế về nhiều mặt. Bất cứ khi nào khách hàng cần, bất kể ngày hay đêm, khi có người cần hỗ trợ thì tôi luôn sẵn lòng”.

Từ nhỏ, bác sĩ Trang đã có suy nghĩ lớn lên mình sẽ làm bác sĩ. Vì vậy, chị luôn có suy nghĩ nếu một bác sĩ không giỏi thì sẽ hại người chứ không phải giúp người. Từ đó, chị quyết định học tập, nâng cao tay nghề thật tốt, thật giỏi rồi mới hành nghề.

Bác sĩ Trần Thị Phương Trang trong giờ làm việc - Ảnh: Khải Trần

“Khi tôi gắn bó với lĩnh vực tiêm ngừa, tôi cảm thấy nó ý nghĩa lắm. Đó là việc phòng ngừa được bệnh tật. Tôi làm lĩnh vực này, thì được gần gũi với nhiều trẻ con và sẽ có nhiều trẻ được tôi giúp đỡ hơn. Tôi không tự hào rằng mình là người có tâm, nhưng trong công việc thì tôi đặt cái tâm của thầy thuốc lên trên mọi thứ”, bác sĩ Trang bày tỏ.

Theo lời bác sĩ Trang, thường có những khách đến chị tiêm phòng 1 - 2 mũi đầu. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên họ đã không tiếp tục. Khi đó, chị âm thầm tìm hiểu, nếu họ có khó khăn thật sự, thì chị sẽ hỗ trợ ở mũi tiêm kế tiếp. Ngoài ra, bác sĩ Trang còn phối hợp với nhà trường - nơi con chị đang theo học, hoặc nhưng khu vực vùng sâu trên địa bàn tỉnh, để thực hiện chương trình tiêm chủng vắc xin miễn phí cho học sinh.

Chị tâm sự: “Có những chương trình thì tôi miễn phí 100%, có chương trình thì tôi trợ giá một nửa. Nhưng đối với những hoàn cảnh nghèo khó thì tôi miễn phí hoàn toàn. Với tôi, cho đi không cần nhận lại, nhưng khi làm được điều có ích cho xã hội, thì cảm giác trong lòng mình hạnh phúc vô cùng”.

Chị khẳng định: “Ở phòng khám, tôi là người tiêm trực tiếp cho các bé để bản thân tôi yên tâm trước, gia đình yên tâm sau. Tiêu chí phòng tiêm của tôi sẽ là bác sĩ trực tiếp tiêm cho các bé.

Những nơi khác, không có bác sĩ đứng tiêm đâu, mà chỉ có điều dưỡng viên hoặc y sĩ tiêm thôi. Tiêm ngừa rất quan trọng, chỉ cần kỹ thuật không đúng, sơ xuất một chút trong pha tiêm là không được, bởi kỹ thuật tiêm cũng góp phần trong hiệu quả của vắc xin”.

“Mẹ tôi là người tu hành, bà ăn chay trường. Vì vậy, bản thân tôi ít nhiều cũng ảnh hưởng những đức tính của mẹ. Tôi tin vào nhân quả, khi tôi làm điều gì tốt, thì mọi việc làm của tôi sau đó trở nên rất suôn sẻ. Tôi chưa bao giờ mong người mình giúp sẽ trả ơn. Tuy nhiên, khi mình giúp người này, thì lại có người khác giúp đỡ lại mình. Đó là thực tiễn mà tôi từng trải qua. Nhân quả là có thật”, bác sĩ Trang nói thêm.

Anh Lê Văn Cường (40 tuổi, ngụ P.8, TP.Cà Mau), người từng được bác sĩ Trang giúp đỡ, nói: “Bác sĩ Trang rất có tâm, bác ấy tận tình lắm. Trước đây, vợ chồng tôi có đến tiêm ngừa cho con thì bác ấy rất vui vẻ, tư vấn toàn tâm toàn ý. Đặc biệt, bác Trang từng miễn phí cho con tôi nhiều mũi tiêm vì thấy hoàn cảnh tôi khó khăn. Xã hội này rất cần có nhiều người như bác sĩ Trang”.

Khải Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ bác sĩ tự tiêm thử nghiệm vắc xin mới trước khi tiêm cho khách hàng