Các nhà khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa Tonga có thể không đủ lớn để làm ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu nhưng núi lửa phun trào cũng là một nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu.

Núi lửa Tonga phun trào có ảnh hưởng gì đến khí hậu trái đất?

Đan Thuỳ | 19/01/2022, 10:54

Các nhà khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa Tonga có thể không đủ lớn để làm ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu nhưng núi lửa phun trào cũng là một nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu.

Vụ phun trào núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai, nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, đã tạo ra những cơn sóng thần trên đại dương và có thể nghe thấy từ New Zealand cách đó 2.300 km. Sóng xung kích di chuyển nửa vòng trái đất, truyền tới tận nước Anh ở khoảng cách 16.093 km.

Sóng thần nhanh chóng ập đến khiến người dân quốc đảo Tonga kinh hoàng. Sóng thần tràn qua Tongatapu, hòn đảo chính của Tonga, nơi có thủ đô Nuku'alofa, cách núi lửa chỉ vài chục km về phía nam. Đường phố ngập lụt và người dân vội vã sơ tán, kéo theo mạng lưới liên lạc bị gián đoạn. Những cột sóng lướt ngang mặt biển phía tây bắc Thái Bình Dương, tạo ra sóng trào ở Alaska, Oregon, Washington và British Columbia. Các trạm ở California, Mexico, và một số nơi tại Nam Mỹ cũng ghi nhận những cơn sóng thần nhỏ.

Nghiên cứu gần đây về lịch sử địa chất của núi lửa cho thấy vụ phun trào mạnh bất thình lình như thế này tương đối hiếm gặp. Cứ vài nghìn năm mới có một vụ phun trào với cường độ tương tự. Đối với Tonga, đây là thảm họa có sức tàn phá to lớn, theo Janine Krippner, nhà núi lửa học làm việc trong Chương trình núi lửa toàn cầu của Viện Smithsonian.

nui-lua-tonga-2-3540-1642477359.jpeg
Núi lửa Tonga phun trào tạo nên cột khói lớn - Ảnh: Internet

Song Wei Ke, Phó giáo sư về khoa học khí quyển tại Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết vụ phun trào núi lửa Tonga không đủ lớn để làm ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu nhưng những thay đổi của nó vẫn cần được theo dõi thêm.

“Một vụ phun trào núi lửa là một yếu tố rất quan trọng trong biến đổi khí hậu và một số chuyên gia tin rằng nó là một trong những yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu”, ông Wei chia sẻ.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng những vụ phun trào núi lửa lớn có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt trái đất trong nhiều năm.

Núi lửa đã giải phóng một lượng lớn sulfur dioxide (SO2) vào một lớp của khí quyển được gọi là tầng bình lưu, nơi nó kết hợp với nước để tạo thành các hạt sol khí axit sulfuric.

Điều này tạo ra một lớp sương mù bao gồm các hạt sol khí, chúng có thể làm mát trái đất bởi chúng phản xạ ánh nắng mặt trời trở lại không trung.

Theo Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ, các sol khí có thể ở trong tầng bình lưu đến 3 năm, di chuyển xung quanh nhờ gió và gây ra sự làm mát đáng kể trên toàn thế giới.

Ví dụ như vụ phun trào núi Pinatubo (Philippines) năm 1991 đã giải phóng khoảng 15 triệu tấn SO2 vào tầng bình lưu khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 0,6 độ C trong 15 tháng.

nui_lua_mayon.jpeg
Vụ phun trào núi lửa Pinatubo (Philippines) - Ảnh: Internet

Các nhà khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa Tonga nhỏ hơn nhiều, nó thải ra khoảng 400.000 tấn SO2, không đủ để làm thay đổi khí hậu toàn cầu.

Thomas Aubry, một nhà địa vật lý tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết: “Vụ phun trào Tonga có một cột khói xuyên sâu vào tầng bình lưu, vì vậy sol khí của nó sẽ tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay, nó chỉ thải ra 0,4 Tg (400.000 tấn) SO2 vào khí quyển, không đủ để làm mát bề mặt trái đất trừ khi hoạt động phun trào tiếp tục xảy ra. Hiện tại, các mối nguy hại liên quan đến bụi phóng xạ thực sự là mối quan tâm số một”.

Vụ phun trào núi Tambora của Indonesia vào năm 1815 là vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận và ảnh hưởng lớn đến khí hậu trong nhiều năm. Vào năm 1816 ở châu Âu và Bắc Mỹ được gọi là "năm không có mùa hè".

Ở Bắc bán cầu, mùa màng thất bát và gia súc chết, dẫn đến nạn đói trên diện rộng.

Tuy nhiên, một nhà khoa học tại ​​Hồng Kông cho biết tác động của các vụ phun trào núi lửa đã bị đánh giá thấp.

Wyss Yim, Giáo sư tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Các vụ phun trào núi lửa là nguyên nhân tự nhiên bị đánh giá thấp gây ra sự biến đổi khí hậu bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hán. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến một lượng lớn carbon dioxide trong khí quyển. Sóng thần tất nhiên là đáng sợ ở các vùng đất thấp ven biển ”.

Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2018, Yim nói rằng các mảnh vỡ từ vụ phun trào núi lửa El Chichon của Mexico vào năm 1982 đã đi vào tầng bình lưu, dẫn đến năm thứ hai ẩm ướt nhất ở Hồng Kông kể từ khi các kỷ lục bắt đầu vào năm 1884.

Ông cũng phát hiện ra rằng các vụ phun trào núi lửa là nguyên nhân gây ra hiện tượng El Nino 2014/2016.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Núi lửa Tonga phun trào có ảnh hưởng gì đến khí hậu trái đất?