Về mặt lý thuyết, một quốc gia có 163 triệu con chó và mèo sẽ đứng thứ năm về mức tiêu thụ thịt toàn cầu, chỉ sau Nga, Brazil, Mỹ và Trung Quốc.

Nuôi chó mèo đúng cách để bớt tác động lên Trái đất

Anh Tú | 17/11/2023, 19:30

Về mặt lý thuyết, một quốc gia có 163 triệu con chó và mèo sẽ đứng thứ năm về mức tiêu thụ thịt toàn cầu, chỉ sau Nga, Brazil, Mỹ và Trung Quốc.

meo.jpg
Thú cưng dù dễ thương nhưng cũng góp phần khá lớn trong biến đổi khí hậu

Bạn có nghe câu chuyện về một CEO hãng hàng không hạng sang tuyên bố thú cưng gây ra ô nhiễm carbon nhiều như máy bay phản lực tư nhân không?

Chính xác đó là những gì mà Giám đốc điều hành Luxaviation - Patrick Hansen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Cao cấp ở Monaco hồi đầu năm nay. Ông Hansen đã trích dẫn các tính toán ước tính một con chó cỡ trung bình tạo ra 770kg lượng khí thải carbon mỗi năm.

Theo luận điểm của ông Hansen, một trong những khách hàng thường xuyên của công ty Hansen thải ra khoảng 2,1 tấn CO2 mỗi năm - tương đương với việc sở hữu 3 con chó.

Luận điểm gây sốc trên khiến những người yêu động vật nhanh chóng lên án Hansen vì ông sử dụng thú cưng để bào chữa cho lượng khí thải carbon trong ngành hàng không. Nhưng thực tế thì lời nói của Hansen đã làm nổi bật một thực tế hiếm khi được nói đến về mặt trái của chuyện nuôi thú cưng.

Tiến sĩ thú y Elise Anderson, người đứng đầu dự án Vets for Climate Action, cho biết: “Hầu như mọi thứ chúng ta làm trong cuộc sống đều để lại tác động với môi trường… Chính vì thế, chúng ta cần ý thức được tác động mà việc nuôi thú cưng có thể gây ra. Tất nhiên, điều đó sẽ khác nhau tùy thuộc vào chủng loại và số lượng thú cưng mà mọi người chọn nuôi nhưng đó chắc chắn là điều chúng ta cần cân nhắc”.

Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia để giảm bớt tác động mà thú cưng của bạn gây ra cho hành tinh của chúng ta.

Cân nhắc kích thước vật nuôi

Tiến sĩ Anderson có một câu trả lời đơn giản dành cho những người chế giễu quan điểm của cô cho rằng vật nuôi lớn hơn sẽ gây ô nhiễm lớn hơn trên hành tinh.

Cô nói: “Trăn trở đó không khác gì suy nghĩ về loại xe mà bạn định mua. Nếu mọi người có thể cân nhắc sắm một chiếc xe điện hoặc chuyển sang dùng ô tô có dung tích xy-lanh nhỏ hơn để bớt khí thải, họ cũng “nên bắt đầu suy nghĩ tương tự về kích thước của thú cưng mà họ định chọn nuôi”.

Anderson khẳng dịnh: “Tôi không bao giờ nói rằng không nên nuôi thú cưng vì chúng mang lại rất nhiều lợi ích đáng kinh ngạc cho cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, tôi đã cân nhắc rất kỹ càng khi chọn nuôi một con thú cưng với lượng khí thải carbon thấp”.

Con vật cưng đó của tiến sĩ Anderson là một chú budgerigar, trong khi cô cũng nuôi một con rùa trong bể kính với hệ thống đèn bể, máy sưởi và bộ lọc lấy năng lượng từ các tấm pin mặt trời trong nhà. Anderson cho biết số người chọn nuôi thỏ nhà nhảy nhót trong nhà thay cho mèo cũng tăng lên. So với mèo thì thỏ mang lại lợi ích cho môi trường hơn nhờ chế độ ăn chay.

Nữ tiến sĩ nói: “Có thể hiểu là mọi người rất muốn gắn bó với loại vật nuôi mà họ thích nhưng kích thước của chúng là điều cần cân nhắc khi ta muốn chọn thú cưng”.

Chú ý đĩa ăn của chó mèo

Phần lớn lượng khí thải carbon của chó hoặc mèo nằm trong thức ăn của chúng và điều đó có thể gây ra tác động lớn. Năm 2017, giáo sư địa lý Gregory Okin thuộc UCLA nhận thấy chó và mèo chịu trách nhiệm tới 30% tác động đến môi trường do việc tiêu thụ thịt ở Mỹ. Về mặt lý thuyết, một quốc gia có 163 triệu con chó và mèo đó sẽ đứng thứ năm về mức tiêu thụ thịt toàn cầu, chỉ sau Nga, Brazil, Mỹ và Trung Quốc.

Rebecca Linigen, Giám đốc tổ chức bảo vệ động vật Four Paws Australia, cho biết: “Giống như việc lựa chọn chế độ ăn uống của chúng ta có thể tác động đến sự bền vững của môi trường, chế độ ăn của vật nuôi cũng vậy”.

Cách đơn giản nhất để bắt đầu quản lý việc này là không cho thú cưng ăn quá nhiều. Dù sao, điều này cũng giúp cho con vật giữ vóc dáng và khỏe mạnh hơn trong bối cảnh tình trạng chó mèo lên cân, lười vận động nhan nhản khắp nơi.

Sau đó là tuân theo một số biện pháp thân thiện với môi trường để giảm lượng khí thải từ chế độ ăn uống của chúng. Linigen nói: “Là loài ăn tạp, chó có thể ăn lượng thực vật tương đương khoảng hai đến ba bữa ăn thuần chay mỗi tuần”.

Chó có thể được cho ăn thuần chay hoặc bằng cách kết hợp một tỷ lệ thực vật lớn hơn vào các bữa ăn thay vì nặng mùi thịt.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người chiều chuộng thú cưng bằng việc cho chúng ăn thịt chất lượng như dành cho người. Thật không may, điều đó còn tệ hơn đối với Trái đất như số liệu mà giáo sư Gregory Okin đã nêu. Trớ trêu thay, thú cưng không quan tâm đến độ xịn sò của món ăn như cách chủ của chúng tưởng tượng.

Linigen cho biết: “Cả chó và mèo - vốn là loài động vật ăn thịt - sẽ không hạnh phúc hơn hay khỏe mạnh hơn khi được cho ăn các loại thịt chất lượng cao vốn chỉ phù hợp thị hiếu của con người. Cần nhớ là thịt chất lượng cao đòi hỏi phải nuôi nhiều động vật trang trại hơn để tạo ra sản phẩm hạng sang và dẫn đến thải ra nhiều khí nhà kính hơn”.

Theo Linigen, miễn là tỷ lệ dinh dưỡng được cân bằng, thức ăn dành cho vật nuôi có chứa đồ ăn thừa và các phần mà người chê như lòng hoặc lưỡi thì vẫn hoàn toàn phù hợp với chúng.

Hãy để chúng ăn côn trùng

Anderson cho biết các loại thức ăn dành cho vật nuôi làm từ côn trùng mới xuất hiện gần đây có thể được sử dụng thay thế 100% cho thịt trong chế độ ăn của chó và có thể giúp giảm lượng thịt ăn vào của mèo.

Nhưng cho chúng ăn bao nhiêu thì đủ? Anderson giải thích: “Lượng dinh dưỡng cần đáp ứng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố - kích thước, hình dạng, nhu cầu năng lượng. Một con chó ngồi trên ghế cả ngày cần chế độ ăn hoàn toàn khác với một con chó luôn chạy đi chạy lại. Vì vậy lựa chọn tốt nhất là trò chuyện với bác sĩ thú y hoặc chuyên gia dinh dưỡng thú y để đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng chính xác”.

Anderson cũng kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhét chất thải của thú cưng vào túi nhựa và ném thẳng đến bãi rác. Nữ tiến sĩ nói: “Đây có thể là một sự cân nhắc tương đối nhỏ so với tác động của nhiên liệu hóa thạch nhưng có nhiều cách bạn có thể xử lý chất thải của vật nuôi với ít gây ô nhiễm hơn”.

Có các giải pháp để xử lý chất thải của thú cưng mà không gây ô nhiễm môi trường như ủ phân bón cây hoặc nuôi giun chuyên xử lý chất thải của vật nuôi tại nhà. Ngoài ra, cần sử dụng túi có thể phân hủy sinh học thay vì dùng túi nylon để hốt chất thải của chúng. Yêu động vật, yêu môi trường thì phải biết bảo vệ môi trường.

Không tiếc tiền chăm sóc chó mèo, nhưng…

Anderson nói: “Người tiêu dùng có rất nhiều khả năng và cách thức để tác động đến sự thay đổi trong xã hội và điều đó cũng không ngoại lệ trong lĩnh vực thú cưng. Có nhiều người chịu chi bộn tiền cho thú cưng để mua sắm đồ chơi thậm chí trang sức cho chúng. Nếu đã vậy thì hãy mua đồ tái chế vì đằng nào mấy thứ đó đối với chó mèo thì cũng vướng víu như nhau mà thôi.

Anderson khuyên: “Có một số nhà sản xuất có ý thức đã làm ra đồ phục vụ chó mèo từ 100% phế liệu, tái chế như vòng cổ cho chó, dây dẫn hoặc đồ chơi”. Nhưng quan trọng là ý thức từ những người chủ. Nhiều người chi bộn tiền mua bộ đồ ga giường mới cho thú cưng trong khi đáng ra có thể sử dụng những chiếc khăn cũ chất đầy trong tủ đồ.

Cuối cùng Anderson nói: “Chúng ta nghe nhiều về tác động của biến đổi khí hậu đối với con người… nhưng chúng ta không hề nghĩ về tác động của nó đối với động vật. Rất nhiều người trong chúng ta yêu động vật và họ cần hiểu là mọi thứ mà thế giới đang làm nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu đều mang lại lợi ích cho muôn loài, trong đó có thú cưng yêu quý của họ”.

Do vậy, đừng vội chỉ trích luận điểm của CEO Hansen mà hãy nhìn lại thú cưng trong nhà mình để có các biện pháp hạn chế khí thải.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi chó mèo đúng cách để bớt tác động lên Trái đất