Kháng kháng sinh ở người chủ yếu do hấp thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy đây không phải là cách duy nhất mà vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan.

Ô nhiễm không khí gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động trên toàn cầu

Anh Tú | 13/08/2023, 18:20

Kháng kháng sinh ở người chủ yếu do hấp thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy đây không phải là cách duy nhất mà vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan.

Kháng kháng sinh là mối đe dọa ngày càng tăng đối với y tế toàn cầu. Vào năm 2019, nó đã gây ra hơn 1,27 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và người ta dự đoán rằng vào năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh (gồm cả khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn) có thể góp phần gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm.

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm phổi. Nhưng việc lạm dụng chúng đã góp phần vào sự xuất hiện của vi khuẩn chứa các gen cho phép chúng chống lại "công lực" của kháng sinh. Điều này dẫn đến nhiễm trùng khó điều trị hơn nhiều.

Kháng kháng sinh ở người chủ yếu do hấp thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy, đây không phải là cách duy nhất mà vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan. Theo các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Anh, không khí ô nhiễm cũng có thể làm lan rộng tình trạng kháng kháng sinh.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính toàn diện mối liên hệ giữa tình trạng kháng kháng sinh gia tăng và không khí ô nhiễm trên toàn cầu.

Hậu quả do không khí ô nhiễm

Đánh giá đã phân tích những phát hiện từ các nghiên cứu xem xét các mô hình lan truyền kháng kháng sinh trong không khí trong gần hai thập niên trước đây. Cụ thể, họ đã xem xét 12 nghiên cứu được thực hiện trên 116 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc. Những nghiên cứu này ước tính sự tồn tại của vi khuẩn hoặc gen kháng kháng sinh trong khí quyển.

Nghiên cứu đã xem xét cụ thể loại không khí ô nhiễm nguy hiểm nhất - PM2.5. Đây là vật chất dạng hạt có đường kính 2,5 micromet – khoảng 3% đường kính của một sợi tóc người. PM2.5 không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể dễ dàng hít phải.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng kháng kháng sinh tăng cùng với việc tăng nồng độ PM2.5 trong không khí. Cứ nồng độ PM2.5 tăng lên mỗi 10% dẫn đến gia tăng 1,1% tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu và 43.654 ca tử vong do nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Nghiên cứu báo cáo rằng mức độ kháng kháng sinh cao nhất được ghi nhận ở Bắc Phi và Tây Á. Hai khu vực này cũng bị ô nhiễm PM2.5 nghiêm trọng nhất. Để so sánh thì có thể thấy ở châu Âu và Bắc Mỹ là nơi có mức độ ô nhiễm PM2.5 trung bình thấp nhất, mức độ kháng kháng sinh thấp hơn.

Nghiên cứu cũng nêu rằng chỉ cần tăng 1% PM2.5 trên tất cả các khu vực cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng khả năng kháng nhiều loại kháng sinh của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae – gồm cả polymyxin vốn là liệu pháp cuối cùng của kháng sinh. Loại vi khuẩn này thường lây lan trong bệnh viện và có thể gây viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Mặc dù Klebsiella không lây lan qua không khí, nhưng điều này cho thấy không khí ô nhiễm cũng có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc dễ dàng phát tán và lây lan trong môi trường hơn.

Mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm và tình trạng kháng kháng sinh

Nghiên cứu cho thấy có một mối quan hệ đáng kể giữa không khí ô nhiễm và tình trạng kháng kháng sinh. Mặc dù các tác giả của nghiên cứu không đưa ra bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố, nhưng họ đã tìm thấy các gen kháng kháng sinh trong DNA của vi khuẩn từ không khí. Điều này chỉ ra rằng PM2.5 có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của vi khuẩn và gen kháng kháng sinh qua không khí.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm và tình trạng kháng kháng sinh. Không khí ô nhiễm cũng đã được xác nhận là một yếu tố nguy cơ gây bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này đã phát triển khả năng kháng nhiều loại kháng sinh.

Một nghiên cứu ở Hồng Kông đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc ngoài trời với PM2.5 và bệnh lao. Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nồng độ PM2.5 trong mùa đông có liên quan đến sự gia tăng 3% số ca mắc bệnh lao vào mùa xuân và mùa hè năm sau.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ cơ chế cốt lõi nào thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh lan rộng trong không khí ô nhiễm. Cơ chế đó được giải mã sẽ rất quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai.

Qua nghiên cứu này cũng như trước đó, các nhà khoa học biết rằng PM2.5 có thể chứa vi khuẩn hoặc gen kháng kháng sinh có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người qua hệ hô hấp khi chúng ta hít thở.

Họ cũng biết từ các nghiên cứu trước đây rằng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và gen của chúng có thể truyền từ người này sang người khác qua không khí thông qua các giọt hô hấp. Hắt hơi, ho và thậm chí nói chuyện đều có thể phát ra các giọt hô hấp. Cũng có thể một người đã hít phải vi khuẩn kháng kháng sinh từ không khí ô nhiễm sau đó có thể truyền vi khuẩn này cho người khác khi họ ho hoặc hắt hơi.

Những thay đổi môi trường do không khí ô nhiễm (chẳng hạn như nhiệt độ và độ ẩm tăng) cũng có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc dễ dàng phát triển hơn. Nhưng một lần nữa, điều quan trọng là phải tiến hành các nghiên cứu xem liệu đây có phải là vấn đề nghiêm trọng hay không.

Điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu là tìm ra vai trò của các yếu tố khác (ngoài PM2.5) có thể góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Ví dụ, tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, thực phẩm chúng ta ăn, sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật và thảm họa môi trường...

Mặc dù chúng ta có thể không biết chính xác làm thế nào không khí ô nhiễm gây lây lan tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nhưng mối liên hệ giữa hai điều này là rõ ràng. Ô nhiễm không khí cũng liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe khác như bệnh tim mạch, hen suyễn, suy hô hấp và nguy cơ trầm cảm cao hơn.

Với nhiều tác hại mà ô nhiễm không khí đã gây ra cho sức khỏe của chúng ta, nghiên cứu chỉ cho chúng ta thấy cần khẩn trương cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm trên toàn cầu. Thậm chí, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ và độ ẩm tăng cũng có thể khiến tình trạng kháng kháng sinh tồi tệ hơn. Việc chống biến đổi khí hậu có thêm lý do để thực hiện nhanh chóng.

Kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng sinh trưởng với sự hiện diện của một loại thuốc mà thông thường có thể giết chết hoặc hạn chế sự phát triển của chúng. Kết quả là các liệu pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả. Nhiễm trùng do đó trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.  Bởi vì kháng kháng sinh, nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bênh do thực phẩm gây nên càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được.    

Kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe cộng động trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuốc sống của người dân và sự phát triển tổng thể, bền vững của cả một quốc gia. Việt Nam là một trong những các quốc gia trong những năm gần đây đã phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh , do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quân đội Pháp
31 phút trước Sự kiện
Sáng 6.5 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sebastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm không khí gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động trên toàn cầu