Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí TIME vừa được công bố ngày 4.6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ý nghi ngờ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cố tình kéo dài chiến dịch quân sự tại Gaza để níu giữ quyền lực.
“Có mọi lý do để đưa ra kết luận như vậy. Lúc cuộc chiến chưa nổ ra, ông ấy phải hứng chịu phản ứng từ quân đội vì muốn thay đổi hiến pháp. Cuối cùng tranh luận trong nước lại chẳng đem đến hậu quả gì”, Tổng thống Biden phát biểu.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trước khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố đề xuất ngừng bắn mới gồm 3 giai đoạn mà Israel gửi cho Hamas xem xét, đồng thời khẳng định Hamas hiện không còn khả năng tiến hành thêm hoạt động tập kích như vụ việc ngày 7.10 nữa nên đã đến lúc ngừng giao tranh, tạo điều kiện cho giải phóng con tin.
Theo đài CNN, động thái công bố đề xuất ngừng bắn cho thấy Tổng thống Biden ngày càng mất kiên nhẫn trước tình hình đàm phán bế tắc. Tuần trước ông nói: “Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực rất lớn về vấn đề con tin nên sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giải cứu họ”.
Khi báo giới tiếp tục hỏi về hoài nghi Thủ tướng Netanyahu “chơi trò chính trị” với chiến dịch quân sự tại Gaza vào ngày 4.6, Tổng thống Biden lại trả lời khác: “Tôi không nghĩ vậy. Ông ấy đang cố gắng giải quyết một vấn đề nghiêm trọng mà mình gặp phải”.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby giải thích phát biểu của Tổng thống Biden rằng: “Tôi nghĩ Tổng thống đã trả lời rất rõ. Chúng tôi để Thủ tướng Netanyahu tự nói về số phận chính trị cũng như về những gì người chỉ trích ông ấy đưa ra”.
Trong cuộc phỏng vấn của TIME, Tổng thống Biden còn nói “không rõ” chiến dịch quân sự tại Gaza có cấu thành tội ác chiến tranh hay không. Tuy nhiên ông nhận định quân đội Israel có một số hành động không phù hợp.
Thời gian qua, quan hệ giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Netanyahu trở nên căng thẳng vì chiến dịch quân sự tại Gaza kéo dài. Hai nhà lãnh đạo không chỉ bất đồng về tương lai Gaza hậu chiến mà còn về mức độ thương vong dân sự và quy mô chiến dịch. Hiện tại Tổng thống Biden muốn các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn tạo điều kiện giải cứu con tin, nhưng Thủ tướng Netanyahu lại tái khẳng định Israel sẽ không ngừng lại cho đến khi đạt mục tiêu xóa sổ Hamas.
Giới chuyên gia cũng cho rằng kéo dài chiến dịch quân sự đem lại lợi ích chính trị cho Thủ tướng Netanyahu. Kịch bản hậu chiến không hề dễ chịu: nhà lãnh đạo Israel phải giải trình lý do không ngăn chặn được Hamas thực hiện vụ tập kích ngày 7.10. Ngoài ra chiến dịch kết thúc tạo điều kiện cho Tel Aviv tổ chức bầu cử.
“Hầu hết người Israel ủng hộ bầu cử sớm, họ muốn bầu cử ngay khi giao tranh chấm dứt. Do đó, chiến dịch quân sự kéo dài khiến bầu cử bị trì hoãn, cũng như ngày Thủ tướng Netanyahu phải đối mặt với cử tri sẽ được giãn ra”, theo chủ tịch Viện nghiên cứu Dân chủ Israel Yohanan Plesner.