OpenAI, hãng tạo ra chatbot nổi tiếng ChatGTP, vừa phát hành công cụ phần mềm có tên trình phân loại AI (trí tuệ nhân tạo) để xác định văn bản do AI tạo ra.
OpenAI vừa cho biết điều này trong một bài đăng trên blog hôm 1.12.2022.
Là ứng dụng miễn phí tạo văn bản theo lời nhắc, gồm các bài báo, tiểu luận, truyện cười và thậm chí cả thơ, ChatGPT đã trở nên phổ biến rộng rãi kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, đồng thời gây lo ngại về bản quyền và đạo văn.
Trình phân loại AI, một mô hình ngôn ngữ được đào tạo trên tập dữ liệu gồm các cặp văn bản do con người viết và AI viết về cùng một chủ đề, nhằm mục đích phân biệt văn bản được viết bởi AI. OpenAI cho biết sử dụng nhiều nhà cung cấp khác nhau để giải quyết các vấn đề như chiến dịch thông tin sai lệch tự động và sự không trung thực trong học thuật.
Ở chế độ beta công khai, OpenAI thừa nhận công cụ phát hiện "rất không đáng tin cậy" với các văn bản dưới 1.000 ký tự và văn bản do AI viết có thể được chỉnh sửa để đánh lừa trình phân loại.
"Chúng tôi đang cung cấp trình phân loại AI để nhận phản hồi về việc liệu các công cụ không hoàn hảo như thế này có hữu ích hay không. Chúng tôi nhận ra rằng việc xác định văn bản do AI viết là một điểm thảo luận quan trọng giữa các nhà giáo dục. Điều quan trọng không kém là nhận ra các giới hạn và tác động của các trình phân loại văn bản do AI tạo ra trong lớp học”, OpenAI cho hay.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, ChatGPT đã trở nên phổ biến rộng rãi với hàng triệu người dùng. Một số khu học chánh lớn nhất Mỹ, bao gồm cả thành phố New York, đã cấm chatbot AI vì lo ngại rằng học sinh sẽ sử dụng trình tạo văn bản để gian lận hoặc đạo văn.
Những người khác đã tạo các công cụ phát hiện của bên thứ ba, trong đó có GPTZeroX, để giúp các nhà giáo dục phát hiện văn bản do AI tạo.
OpenAI cho biết đang hợp tác với các nhà giáo dục để thảo luận về các khả năng và hạn chế của ChatGPT, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu phát hiện văn bản do AI tạo ra.
ChatGPT có thể sao chép phong cách viết của các tác giả khác nhau nhờ công nghệ AI.
Cây viết người Anh lo sợ vì ChatGPT hoàn thành bài viết trong 30 giây
Henry Williams, cây viết tự do ở London (thủ đô Anh), chia sẻ với trang The US Sun rằng ChatGPT có thể khiến bản thân anh mất việc trong tương lai.
ChatGPT được quảng cáo có thể hoàn thành nhiều tác vụ trong vài giây, gồm viết bài luận, làm thơ và thậm chí là viết đoạn mã lập trình phức tạp.
Henry Williams đã trải nghiệm ChatGPT bằng cách đặt ra một yêu cầu cho chatbot này hoàn thành bài viết mang tiêu đề “Cổng thanh toán là gì?”. Câu hỏi của Henry Williams được ChatGPT trả lời rất nhanh khiến anh kinh ngạc.
Chia sẻ với tờ Guardian, Henry Williams nói sự thích thú của anh những phút ban đầu sớm trở thành lo lắng. ChatGPT chỉ mất khoảng 30 giây để tạo ra một bài viết. Thông thường, một bài viết như vậy các đối tác giúp Henry Williams kiếm được 500 bảng Anh.
Cũng theo Henry Williams, từ ngữ được ChatGPT sử dụng có giọng điệu hơi thiếu tự nhiên, song bản thân bài luận đều chuẩn chỉnh về mặt ngữ pháp và cú pháp. Henry Williams chỉ cần bỏ công sửa một chút sẽ có một bài viết hoàn hảo.
“Nếu muốn cải thiện lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí, một công ty sẽ có thể làm được nhờ ChatGPT. Xét cho cùng, AI là lao động siêu tốc không ăn, không ngủ, không phàn nàn hay không cần nghỉ phép”, Henry Williams chia sẻ.
Henry Williams dự đoán rằng trong tương lai gần, các cây viết tự do và biên tập viên vẫn có chỗ đứng nhưng số lượng nhân sự các tờ báo cần tới sẽ ít hơn so với trước. Con người vẫn đóng vai trò gợi ý để các chatbot AI tạo ra các bài viết, đồng thời cũng thực hiện việc hậu kiểm như chỉnh sửa và đăng tải.
Henry Williams đặt ra câu hỏi rằng những chatbot AI như ChatGPT liệu có khả năng tự học hỏi và phải mất bao lâu để có thể tự tạo các ý tưởng, đưa ra những nội dung hoàn hảo mà không cần đến sự can thiệp của con người.
ChatGPT đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận, đặc biệt là việc một số học sinh và sinh viên sử dụng chatbot này để gian lận trong thi cử.
Peter Laffin, người sáng lập Crush the College Essay (công ty chuyên hỗ trợ và giúp sinh viên nâng cao khả năng viết luận văn), nói với trang Fox News rằng: "Việc đưa các AI mới vào trường học giúp học sinh tạo các bài luận sẽ khiến chương trình giáo dục trở nên vô nghĩa".
Peter Laffin nói thêm rằng dù đây sẽ là một vấn đề ở tất cả cấp giáo dục, nhưng ông tin học sinh tiểu học, trung học và học sinh ở thành thị sẽ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ việc lạm dụng AI.
Cuộc đua chatbot
Theo tờ Financial Times, các gã khổng lồ công nghệ như Google, Meta Platforms và Microsoft đã giúp xây dựng các nền tảng cho AI. Tuy nhiên do sự chú ý dành cho ChatGPT ngày càng tăng, áp lực với Google hay Facebook cũng ngày càng tăng.
Trước khi ChatGPT ra mắt, Facebook đã có chatbot tương tự tên Blenderbot. Microsoft cũng từng ra mắt chatbot AI có tên Tay vào năm 2016.
10 năm trước, Google là công ty dẫn đầu về AI. Năm 2014, Google mua lại DeepMind, một công ty AI tiên tiến. Đến năm 2016, Giám đốc điều hành Sundar Pichai hứa sẽ biến Google thành công ty thiên về AI.
Sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT đã khiến Google thay đổi chiến lược và dồn nguồn lực để phát triển AI. Trong thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên ngày 20.1, Sundar Pichai tuyên bố Google sẽ tập trung vào AI.
Gần đây, Google có đột phá với các biến thể khác nhau của hệ thống AI, gồm cả các mô hình AI có khả năng kể chuyện cười và giải các bài toán.
LaMDA, một trong những chatbot sử dụng AI do Google phát triển, có thể trò chuyện với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên theo cách tương tự ChatGPT.
Thay vì tự phát triển chatbot cho riêng mình, hôm 23.1, Microsoft thông báo tiếp tục đầu tư vào ChatGPT bằng cam kết trị giá hàng tỉ USD với OpenAI.
Microsoft không giấu giếm việc tích hợp ChatGPT vào dịch vụ tìm kiếm Bing của hãng để thách thức Google sau khi cuộc chiến công cụ tìm kiếm.
Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.
Thỏa thuận này sẽ chứng kiến Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.
Microsoft cũng đang có kế hoạch triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Microsoft cũng được cho đang chuẩn bị thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào kết quả tìm kiếm Bing. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows được cho đang xem xét tích hợp một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.
Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng đang tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình.
Công ty đã bắt đầu triển khai dịch vụ này vào tuần trước. Nó bao gồm một số mô hình AI do OpenAI tạo ra như GPT-3.5, Codex và DALL-E.
Microsoft được thiết kế cho các doanh nghiệp để sử dụng các mô hình của OpenAI về cơ bản bằng cách đóng gói GPT-3.5 với khả năng mở rộng quy mô mà người dùng mong đợi từ Azure cũng như các bổ sung về quản lý và xử lý dữ liệu.
Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.
Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói: “Ba năm hợp tác vừa qua của chúng tôi thật tuyệt vời. Microsoft chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục nghiên cứu độc lập của mình và hướng tới việc tạo ra AI tiên tiến mang lại lợi ích cho mọi người”.
Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và cũng đang lên kế hoạch thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.
Theo hãng tin Reuters, Baidu đang lên kế hoạch ra mắt công cụ chatbot AI tương tự ChatGPT của OpenAI vào tháng 3.
Gã khổng lồ internet Trung Quốc có kế hoạch ra mắt ứng dụng bằng cách nhúng nó vào các dịch vụ tìm kiếm chính của mình.
Công cụ này (tên chưa được xác định) sẽ cho phép người dùng nhận kết quả tìm kiếm kiểu hội thoại giống như nền tảng phổ biến của OpenAI.
Baidu đã chi hàng tỉ USD để nghiên cứu AI trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm chuyển đổi từ tiếp thị trực tuyến sang công nghệ sâu hơn.
Trang Bloomberg cho biết hệ thống Ernie của Baidu (mô hình máy học quy mô lớn đã được đào tạo về dữ liệu trong nhiều năm) sẽ là nền tảng cho công cụ giống ChatGPT sắp tới.
Baidu, Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và ByteDance kiểm soát phần lớn internet của Trung Quốc. Baidu đang cố gắng vực dậy tăng trưởng trong kỷ nguyên di động, sau khi ngày càng tụt hậu so với các đối thủ lớn hơn trong các lĩnh vực như quảng cáo di động, video và mạng xã hội. Ngoài nghiên cứu về AI, Baidu cũng đang phát triển công nghệ lái xe tự động.
ChatGPT đã thu hút sự quan tâm của người dùng internet Trung Quốc. Họ chia sẻ ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện đáng ngạc nhiên với ChatGPT trên phương tiện truyền thông xã hội địa phương. Điều này xảy ra bất chấp việc internet ở Trung Quốc bị kiểm duyệt chặt chẽ, phần lớn bị ngăn cách với phần còn lại của thế giới - mô hình đã giúp các công ty như Baidu phát triển mạnh tương đương Google, Amazon và Facebook.
Ngoài Baidu, một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng đang khám phá generative AI (trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung như hình ảnh, video, nhạc) và đã thu hút các nhà đầu tư như Sequoia, Sinovation Ventures.