Paris dưới con mắt một người nước ngoài đến làm việc

Anh Đủ | 28/09/2018, 10:00

Người Pháp có một thiên hướng “làm những điều phù phiếm một cách nghiêm túc, và những điều nghiêm túc một cách phù phiếm”. Nhà triết học chính trị Montesquieu của nước này đã quan sát điều đó trong thế kỷ 18. Sự kết hợp giữa một nghệ thuật sống và một sự vô tâm trong thái độ là một cái gì đó mà tôi đã trải nghiệm ngay từ khi tôi chuyển từ London sang thủ đô Paris thủ đô của Pháp cách đây gần hai năm – và đó là một phẩm chất dường như thấm vào mọi khía cạnh của cuộc sống trong thành phố.

Trong ba tháng đầu tôi sống ở Saint-Germain-des-Prés, trước khi tôi làm điều không thể tưởng và chuyển qua bên kia sông Seine. Quyết định ở lại Bờ Trái (phía nam con sông) hoặc Bờ Phải tạo ra một phần lớn của bản sắc người Paris; việc thay đổi bờ chẳng khác nào thay đổi đội bóng đá. Mùa hè này, một người bạn của cha tôi kể cho tôi về người bà con của ông sống ở Neuilly (một vùng ngoại ô thông minh bên Bờ Phải) đã không sang ngang trong suốt 30 năm.

Tôi định cư ở quận 2 tại Sentier, cái quận lịch sử về trang phục và hiện nay nổi tiếng là “Silicon Sentier” kể từ khi các công ty công nghệ và các startup dọn đến. Các khách sạn hàng lưu niệm, quán cà phê hippie và thậm chí một Maison du Bitcoin đã theo vào. Tuy nhiên, nhiều nét quyết rũ của lịch sử vẫn tồn tại, đáng chú ý là các lối đi có mái che của những năm khoảng 1920 ở gần đó, chẳng hạn như Passage des Panoramas, một trong những nơi gặp gỡ trao đổi sớm nhất của giới sưu tập tem Paris.

Paris là một thành phố tự phô bày cho bạn dần dần. Sự thanh lịch và tráng lệ của những ấn tượng đầu tiên, những mái nhà bằng kẽm xám, sa thạch vàng và những đại lộ rộng lớn của hạt Haussmann, nhường chỗ cho những khám phá mới: những mái nhà dấu kín, những tiệc vui trên các con thuyền, một quán rượu nhỏ với một căn phòng bí ẩn. Tuy nhiên một số điều trơ gan cùng tuế nguyệt: sự hiện diện khiến bạn vững tâm của tháp Eiffel, những đàn bồ câu và khắp nơi đều có những cửa sổ có bồn hoa trồng phong lữ đỏ.

Cuộc sống ở đây là sự kết hợp giữa những niềm vui đơn giản và những chi tiết trong lành mà các cuốn sách hướng dẫn du lịch bỏ qua. Một ổ bánh mì ba ghét ngon đi kèm với mọi bữa ăn nhưng thường thì các con phố không bay mùi bánh sừng bò mới nướng mà bay mùi rác. Và thậm chí đừng kể đến những bồn tiểu công cộng ngoài đường, những bồn tiểu đỏ chét khắp thành phố nhiều gấp đôi các bồn hoa đường phố luôn. Những cầu tàu bằng sắt và những bờ kè trồng cây của con kênh Saint-Martin ở phía đông thành phố giúp cho một chuyến bách bộ dễ chịu đối với phần lớn thời gian trong năm nay, hai bên bờ kênh cũng là nơi cắm dùi các túp lều của dân nhập cư.

Ốc đảo của vườn thẳng đứng Aboukir. Ảnh: TL

Súp hành tây của Pháp và sô cô la nóng trong mùa đông làm dịu đi những tuần lễ bầu trời lúc nào cũng xám ngoét một cách tuyệt vọng. Cuối cùng khi mùa xuân đến, Ngày quốc tế lao động đem lại cả những cuộc đình công và hoa muguet tím dễ thương (còn gọi là hoa huệ trong thung) do những người bán hàng rong chào mời. Thất nghiệp cao nhưng ở các công ty và giới chính trị, ngày nghỉ – và các bữa ăn trưa – vẫn diễn ra nghiêm túc. Một bữa ăn công sở giữa tuần tại khách sạn Le Bristol đặt biệt đáng nhớ: mì ống trộn nấm truffle đen, atisô và gan vịt, nấu với pho mát Parmesan kèm một ly Puligny-Montrachet. Đó chỉ là khởi đầu.

Các tiệm tạp hóa của chuỗi Terroirs dAvenir. Ảnh: TL

Paris với một lịch sử giàu những dấu ấn: một bữa tiệc cocktail trong một salon trên Quảng trường Vendôme, nơi Frédéric Chopin sống những ngày cuối đời, một tiệc tối ở ngôi nhà cũ của Andy Warhom, nghệ sĩ pop art, tại Saint-Germain, vô số nơi khắp thành phố Ernest Hemingway từng có lần uống rượu. Văn phòng của báo Financial Times nằm trên con đường nơi Pablo Picasso làm việc trong xưởng của ông và Yves Saint Laurent tiếp giới tinh hoa Paris tại studio thời trang của ông vào những năm 1970.

Ở Sentier, nơi tôi sống, sự phát triển từ một trung tâm may mặc thành một trung tâm công nghệ là biểu tượng của một thay đổi đã diễn ra ở Paris trong vài năm trở lại đây, và điều đó có thể tóm tắt bằng một tổng thống mới mẻ Emmanuel Macron.

Harriet Agnew ghi lại cuộc sống của cô ở Paris trên Instagram.

Macron trẻ, tự do và quốc tế, và chương trình trọng thương của ông tạo ra tiếng vang với đa phần nước Pháp trọng doanh nghiệp, nhất là liên quan đến công nghệ. Vào tháng 6 năm ngoái tôi đi dự khai trương Station F, một nhà ga đường sắt cũ rộng lớn ở phía đông nam Paris biến thành vườn ươm startup. Macron đứng trên lễ đài và tuyên bố cỗ vũ cho triết lý “doanh nhân là nước Pháp mới”. Ông đã nhen nhóm trở lại một cảm giác tự hào trong thế hệ trẻ. “Macron có khả năng làm cho người trẻ mơ ước,” tỷ phú truyền thông Xavier Niel, người tài trợ cho Station F, nói với tôi. “Điều đó làm thay đổi nhận thức của một quốc gia.” Tuy nhiên, trong khi có một năng lượng mới được tìm thấy ở trung tâm thành phố, nhiều vùng rộng lớn của Paris đã bị quên lãng bởi các chính quyền liên tiếp. Hệ thống tàu nhanh đưa bạn từ phi trường Charles de Gaulle đi qua những dự án nhà ở cao tầng của khu ngoại ô nghèo khó được đặc trưng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao, tội phạm và sự đe dọa của Hồi giáo cực đoan.

Ở vườn Palais-Royal. Ảnh: TL

Tất nhiên điều nổi bật nhất của thành phố là những người dân sống ở đây. Sau gần hai năm ở đây tôi rút ra được kết luận gồm ba từ tóm tắt sự trải nghiệm Paris không giống đâu khác: terrasse, faire le pont và rentrée. Terrasse là nơi dành cho văn hóa cà phê nổi tiếng của Paris. Từ đó bao gồm mọi thứ từ một nơi đầy nắng với các dãy bàn ghế đến một góc vỉa hè bẩn thỉu trên một con đường chính ồn ào. Việc lấy rác dường như diễn ra trùng khớp lạ lùng với lúc bạn ngồi ở một terrasse vào đầu hôm và thưởng thức một thức uống nào đó.

Terrasse là nơi dành cho điều tinh túy của Paris: cà phê dở, phục vụ tồi và chuyện trò tốt. Nếu tại London bạn được khẳng định bởi nơi bạn làm việc và tại New York bạn được khẳng định bởi mức thu nhập của bạn, tại Paris bạn được khẳng định bởi khả năng tám về sách vở, triết lý hoặc nghệ thuật. Người Pháp có thể tranh cãi các ý tưởng hàng giờ liền và đồng thời có thể trả lời hầu hết bất kỳ câu hỏi nào – Saint-Tropez như thế nào? Liệu Macron có tính cải cách nước Pháp không? Vụ tranh cãi thù hằn về di sản của [ngôi sao nhạc rock] Johnny Hallyday kết cục ra sao? – bằng một cái nhún vai và hai từ: c’est compliqué (phức tạp đấy).

Một hiệu tạp hóa trong chuỗi Terroirs d’Avenir. Ảnh: TL

“Điều đầu tiên bạn cần học hỏi khi sống ở Paris là faire le pont” (bắc cầu), một người bạn Pháp ở London nói với tôi trước khi tôi sang Paris. Thực tế bên Pháp có 11 ngày nghỉ lễ hàng năm. Nếu một ngày nghỉ lễ rơi vào một thứ ba, bạn sẽ nghỉ việc ngày thứ hai luôn và coi như bắc cầu từ kỳ nghỉ cuối tuần. Đó là một cái thú quốc gia thậm chí có nguyên một phần nói về việc bắc cầu trên trang mạng của nhà nước Pháp. Bắc cầu có thể lừa những người khách không để ý. Một người bạn quản lý quỹ đến hồi tháng năm, hết sức hào hứng khi phát hiện “Macron’s France” (Nước Pháp của Macron) và tìm thấy một số công ty để đầu tư. Trong vụ này, một nửa các cuộc hẹn gặp bị hủy. Anh đã không tính đến thực tế chỉ có bốn ngày nghỉ lễ trong tháng 5 – chứ chưa nói đến các vụ bắc cầu – và các vụ đình công của ngành đường sắt nhà nước.

Tiệm bán tem chơi ở Passage des Panoramas. Ảnh: TL

Một khi bạn đã rành chuyện bắc cầu, bước tiếp theo là quyết định xem bạn là một người theo chủ nghĩa tháng bảy hay tháng tám. Điều này muốn nói đến bạn có rời đi vào tháng hảy hoặc tháng tám hay không. Toàn bộ các bài báo nói đến các giá trị khác nhau của mỗi tháng. “Sự lựa chọn này là tùy theo tâm trạng,” tờ nhật báo Figaro của Pháp viết không hề mỉa mai. Rồi sau những ngày nghỉ thiêng liêng, đến rentrée, sự trở lại ai cũng sợ hãi sau kỳ nghỉ hè, và một cơ hội lớn cho các chương trình khuyến mãi. Đề tài về rentrée (Thời tiết sẽ như thế nào? Air France có tiếp tục đình công không? Có cải tổ chính phủ không?), hầu như làm hỏng những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ. Bây giờ chỉ còn vài tuần nữa là đến rentrée (Paris nắng, đã có một sự cải tổ chính phủ và nhiều vụ đình công tiếp theo của Air France – tới nay – chỉ còn là một sự đe dọa) và là thời gian chiêm niệm ngày tháng còn lại của năm. Các hiệp hội của thành phố một thời chuyên nghiệp đang ngày càng trở nên cá nhân, nhưng vẫn còn nhiều bài học để học. Trong hồi ký của James Salter, “Đốt ngày tháng”, ông viết về thời gian của ông ở châu Âu: “Điều rốt cùng là học hỏi, nhưng không phải là những bài học ở trường mà là những điều cao siêu hơn, một cái nhìn về hữu thể: làm sao để được giải trí, tình yêu, thức ăn và trò chuyện, làm thế nào để nhìn vào sự trần trụi, kiến trúc, đường phố, tất cả đều mới và tìm cách nghĩ theo một lối khác.” Điều đó, đối với tôi, là Paris.

Trần Bích(FT)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Paris dưới con mắt một người nước ngoài đến làm việc