PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết, bụi mịn Pm2.5 có khả năng xâm nhập rất sâu vào trong đường hô hấp, đến tận các phế nang trong phổi, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào, gây nên những căn bệnh cấp tính, xấu hơn còn có khả năng gây ung thư và biến đổi gene.

PGS-TS Trần Hồng Côn: Bụi mịn Pm2.5 có thể gây ung thư và đột biến gene

Lê Hòa | 06/10/2019, 06:31

PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết, bụi mịn Pm2.5 có khả năng xâm nhập rất sâu vào trong đường hô hấp, đến tận các phế nang trong phổi, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào, gây nên những căn bệnh cấp tính, xấu hơn còn có khả năng gây ung thư và biến đổi gene.

Nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Liên quan đến việc TP.Hà Nội và TP.HCM thời gian qua có chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức cho phép, trong đó chỉ số bụi mịn khiến rất nhiều người dân lo lắng, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS. TS Trần Hồng Côn (giảng viên Trường đại học Tự nhiên) cho biết, bụi Pm2.5 có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm.

“Bụi này không phải bụi đất cát trơ mà thải ra do quá trình đốt cháy không hoàn toàn hoặc quá trình sản xuất chế biến các loại hoá chất, các loại nguyên vật liệu”, ông Côn nói.

Theo ông Côn, các phương tiện giao thông hiện nay chạy từ các nhiên liệu hóa thạch hoặc là nhiên liệu sinh học. “Những nhiên liệu này là hợp chất hữu cơ, khi kết hợp với oxy và tia lửa điện, bị đốt cháy trong các buồng đốt nhưng không phải cháy một cách hoàn toàn thành CO2 và nước. Phần chưa cháy hết chính là một số chất được đưa vào làm tăng chỉ số octan”.

Chuyên gia này lý giải, Hà Nội và TP.HCM cũng gần khu công nghiệp. Họ dùng nhiên liệu để đốt, một lượng lớn bụi mịn cũng từ đó mà phát thải ra.

Cùng với đó, việc vận chuyển của các phương tiện giao thông ở trong thành phố làm cho các hạt bụi siêu mịn dưới mặt đường bị đưa vào trong không khí. Lượng bụi thải ra lớn kết hợp với đốt rác, rơm rạ, đốt than tổ ong, lò làm bánh mì, bếp đun than ở quán phở quán nhậu... góp phần đưa hai thành phố này rơi vào trạng thái “sương mù”.

“Mà thành phố tập trung nhiều nhà cao tầng, cho nên chuyển động không khí theo chiều ngang rất kém, thành thử ô nhiễm tồn đọng trong thành phố lâu hơn là ở vùng nông thôn”, ông Côn chia sẻ.

Lý giải về vấn đề ô nhiễm môi trường, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành khẳng định, xu hướng biến động của Pm10 và Pm2.5 tại các thành phố Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

Cùng quan điểm, PGS. TS Trần Hồng Côn cho rằng, “do thời tiết chuyển từ hè sang thu, có những hôm rất oi và nặng gió, chênh lệch nhiệt độ giữa ban đêm và ban ngày rất lớn, khoảng 10-11 độ, có nơi lên tới 12-13 độ. Chính sự chênh lệch nhiệt ấy mà nó tạo ra hiện tượng gọi là nghịch nhiệt”.

Theo đó, “nghịch nhiệt” là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Khi xảy ra nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một 'chiếc mũ' làm dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nghịch nhiệt là một trong những nguyên nhân chính khiến nồng độ các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn tăng cao đột biến ở Hà Nội.

Bụi mịn gây ung thư, đột biến gene

PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết, “bụi mịn Pm2.5 rất mịn, rất nhỏ, một số bụi còn có thành phần của các hợp chất ba vòng thơm. Nó có khả năng xâm nhập rất sâu vào trong đường hô hấp, đến tận các phế nang trong phổi, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào, gây nên những căn bệnh cấp tính, xấu hơn còn có khả năng gây ung thư và biến đổi gene".

“Bụi Pm2.5 này trông như khói chứ không phải bụi nữa. Nó là hỗn hợp của hàng ngàn chất, mỗi chất lại mang chất độc khác nhau. Bản chất nguy hiểm của loại bụi này xuất phát từ chất mẹ, chất mẹ tác động lên cơ thể con người thế nào thì bụi mịn cũng có khả năng tác động như thế. Người mà sống trong điều kiện như vậy thì rủi ro sức khỏe rất lớn”, ông Côn nói.

Về giải pháp, trước hết, PGS. TS Trần Hồng Côn cho rằng cần chủ động đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế hít phải khói bụi. Bên cạnh đó còn có những giải pháp như “vận động không đốt rơm rạ vào mùa này, không dùng than tổ ong trong thành phố, phun sương nước để kéo hạt bụi xuống, giảm bớt mật độ xe cộ”.

Ông Côn nhấn mạnh, “giảm mật độ xe cộ, trước hết là việc hạn chế phương tiện giao thông không đạt chuẩn".

Về giải pháp dùng máy lọc không khí, theo ông Côn, loại máy này làm sạch không khí trong nhà, chủ yếu lọc các chất hữu cơ, các chất gây mùi khó chịu, còn xử lý bụi rất kém, việc hạn chế tác hại của bụi Pm2.5 rất kém hiệu quả.

Để xử lý vấn đề này, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trước hết các Bộ, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, giải quyết giảm thiểu nguồn phát thải khí ô nhiễm vào môi trường. UBND thành phố Hà Nội, UBND TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong phạm vi có nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí phải tổ chức đánh giá và kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí vào môi trường; có giải pháp và xử lý kịp thời, bảo đảm sức khoẻ cho người dân.

Về dài hạn, Chính phủ đã có Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong Quyết định này đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí cho đến những phương pháp để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, tình trạng bụi mịn trong không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch này.

Lê Hòa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Trần Hồng Côn: Bụi mịn Pm2.5 có thể gây ung thư và đột biến gene