Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016, đã có những ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn có thiếu sót khi tiếp tục gộp hai kỳ thi làm một và cũng quá "ôm đồm" khi để một địa phương có tới 2 cụm thi.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ GD-ĐT đã quá bảo thủ khi vẫn giữ 2 loại cụm thi

16/03/2016, 14:35

Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016, đã có những ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn có thiếu sót khi tiếp tục gộp hai kỳ thi làm một và cũng quá "ôm đồm" khi để một địa phương có tới 2 cụm thi.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng Bộ vẫn đang quá bảo thủ khi không sửa đổi các bất cập từ kỳ thi năm 2015 như giảm lượng thí sinh ảo, phân biệt bằng cấp giữa các thí sinh và tổ chức 2 loại cụm thi trên địa phương.
Bộ quá "ôm đồm" công việc của Sở GD-ĐT và của các trường ĐH, CĐ
Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 đang tới gần, ông có ý kiến gì về việc Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục gộp hai kỳ thi làm một và tổ chức các cụm thi ngay tại địa phương?
- Qua kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, chúng ta có thể thấy rõ những mặt hạn chế ở kỳ thi "tổng hợp" này. Nếu như thi tốt nghiệp THPT là đánh giá, ghi nhận kết quả 12 năm học thì kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là kỳ thi để chọn những học sinh đủ điều kiện vào học ở bậc cao hơn, đào tạo đội ngũ tri thức, cống hiến cho xã hội. Việc sáp nhập hai kỳ thi thành một chẳng khác nào việc "cưỡng duyên" không thành.
Bên cạnh đó, việc tổ chức 2 cụm thi tại địa phương, huy động lực lượng tham gia tổ chức thi không phù hợp với nguyên tắc phân cấp quản lý và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Sở GD-ĐT và các trường THPT là cơ quan chịu trách nhiệm chính về giáo dục phổ thông thì không được giao quyền chủ trì thi tốt nghiệp. Trong khi đó các trường đại học phải lo việc tổ chức thi THPT là không đúng với chức năng, nhiệm vụ của trường đại học. Cấu trúc đề thi không hợp lý (60% câu hỏi xét tốt nghiệp và 40% câu hỏi xét đại học) dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào đại học, cao đẳng không chính xác. Hơn nữa, mức 12 điểm sàn đối với cao đẳng và 15 điểm đối với đại học là quá thấp, làm cho chất lượng vào đại học giảm đi 60%.
Vậy theo ông Bộ GD-ĐT chỉ cần làm tốt vai trò quản lý?
- Tôi cho rằng Bộ nên trả kỳ thi THPT quốc gia lại cho Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức từ huy động giám thị, cơ sở vật chất, tổ chức hội đồng thi, chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT chỉ nên thực hiện chức năng quản lý, ban hành quy chế thi tốt nghiệp mới; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy chế và đặc biệt là tiếp tục ra đề thi chung cho cả nước. Nếu Bộ GD-ĐT không tin tưởng các Sở thì có thể cử 1 trường đại học phối hợp với Sở GD-ĐT cùng giám sát kỳ thi đó ngay tại địa phương.
Việc tuyển sinh đại học thì trả về cho các trường đại học theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đặc thù, các trường đại học tự xác định cách thức tuyển sinh như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc tự tổ chức thi. Thời gian tuyển sinh có thể tuyển 1 đợt hoặc nhiều đợt trong năm, thời gian tuyển sinh của các trường không nên trùng nhau để vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa tránh gây căng thẳng cho xã hội.
Về kỳ thi thì vẫn tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học như bình thường, nhưng việc xét tuyển thì cần học sinh phải đưa ra nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng từ trước đó để các trường lựa chọn. Các trường sẽ lựa chọn điểm số của các học sinh ngay từ đầu năm lớp 12 hoặc giữa năm. Khi các em có điểm thi thì sẽ thông báo cho trường, nếu trường đó thấy đủ điểm chuẩn thì sẽ gửi giấy báo về, nếu không thì sẽ chuyển qua nguyện vọng 2, 3. Các em thích học gì, yêu ngành gì sẽ lựa chọn ngay từ đầu.
Để giảm tải các hồ sơ ảo thì thời gian nộp hồ sơ 20 ngày là quá nhiều. Việc tự do nộp vào rút ra là không nên vì sẽ dẫn đến những lộn xộn không đáng có. Ngoài ra, khi tổ chức thi, Bộ nói không tốn kém nhưng thực chất tốn kém rất nhiều, lãng phí cả về tiền bạc và thời gian. Học sinh học đến cuối tháng 5 đã xong nhưng phải chờ đến tận tháng 7 mới thi. Do đó, có thể tổ chức thi luôn vào tháng 6 cho các em đỡ tốn kém, vất vả.
Học sinh học lệch - Bộ không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp
Nếu cứ tiếp tục gộp hai kỳ thi làm một thì theo ông học sinh sẽ có độ phân hóa như thế nào trong học đường?
- Chưa bàn về chất lượng học sinh thì chúng ta có thể thấy rõ với quy định trên của Bộ GD-ĐT thì học sinh chỉ cần học 4 môn để tốt nghiệp và đủ thi vào các trường đại học, cao đẳng. Cùng lắm các em chỉ cần học 6 môn, lựa chọn những môn học có tính an toàn, dễ điểm cao. Như vậy thì môn Lịch sử, Địa lý... sẽ ít học sinh theo học hơn. Học sinh sẽ học lệch ngay từ đầu vì các em chỉ lựa chọn học 4 môn chính. Chúng ta dạy 13 môn bắt buộc trong phổ thông nhưng không tổ chức thi thì các em sẽ xao nhãng các môn học đó.
Việc tổ chức các cụm thi, theo ông phải chăng Bộ đang có sự "phân biệt thí sinh" cũng như tước đi quyền giám sát của Sở GD-ĐT?
Ngay từ đầu khi có chủ trương phân thành hai cụm thi đã gây cho học sinh một tâm lý e ngại, các em chỉ dự thi tốt nghiệp thì thi riêng cụm, các em thi đại học, cao đẳng thi ở cụm khác. Ngay ở phổ thông đã bị phân biệt đối xử và bằng cấp nhận cũng khác nhau thì làm sao tránh được tâm lý cố thi cho "đẹp mặt" của các thí sinh tại các địa phương? Các Sở GD-ĐT không được tự tổ chức thi để kiểm tra xem công tác giảng dạy như thế nào, mà Bộ lại chỉ đạo địa phương phải phối hợp với các trường để tổ chức thi, trong khi các trường đại học không trực tiếp giảng dạy học sinh phổ thông.
Tôi nghĩ đề thi do Bộ đưa ra thì cứ giao cho địa phương tổ chức, trường nào lớn, uy tín thì tổ chức ở trường không thì gộp vài trường lại với nhau. Địa phương tổ chức thi xong thì tự đánh giá, tự chấm hoặc đổi chéo cho nhau để chấm điểm.
Vậy còn đề thi giữa các học sinh thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng thì sao, thưa ông?
Học sinh học suốt 12 năm là để được đánh giá một kết quả học tập lâu dài hoặc ít nhất từ lớp 10 chứ không chỉ đánh giá vào mỗi năm lớp 12. Toàn bộ quá trình này chúng ta nên dùng để đánh giá học sinh. Việc sử dụng bao nhiêu phần trăm thì chúng ta phải tính. Việc ra đề thi như năm 2015 sẽ ít có tỷ lệ phân hóa, trong khi mục tiêu chúng ta lấy số lớn vào các trường đại học, cao đẳng. Thi là để sàng lọc và đề dễ thì không có ý nghĩa gì cả.
Tôi cho rằng chúng ta không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì đã học là phải thi. Quan trọng kỳ thi tốt nghiệp này chúng ta làm nhẹ nhàng, có các ngân hàng câu hỏi để các trường chọn lựa ra đề hoặc chính Bộ GD-ĐT ra đề. Việc sàng lọc quan trọng nhất là quá trình đào tạo đại học, như vậy các sinh viên tốt nghiệp mới có chất lượng, đáp ứng được cho nhu cầu phát triển của xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ GD-ĐT đã quá bảo thủ khi vẫn giữ 2 loại cụm thi