Liên quan đến vụ gian lận điểm kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia tại tỉnh Hòa Bình, việc cơ quan chức năng không được công bố danh tính thí sinh gian lận, được nâng điểm khiến dư luận thắc mắc, xôn xao.
Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao không công bố danh tính các thí sinh này. Lý do mà lãnh đạo sở GD-ĐT tỉnh này đưa ra là “tránh tổn thương đến các em” không thuyết phục được dư luận! Bởi lẽ, đây là sai phạm do chính một số cá nhân và gia đình họ gây ra, đặc biệt có thí sinh được nâng những… 26,45 điểm, thì không thể nói là họ không biết. Không thể chấp nhận cách giải thích là “tránh tổn thương”, vì mục đích... nhân đạo được!
Nói như thế là không công bằng, khi các thí sinh gian lận ấy đã tước đi suất vào đại học của người khác xứng đáng hơn, chính họ đã gây tổn thương cho các thí sinh khác. Như vậy, khác nào cố tình bao che cho gian lận, vi phạm pháp luật, hành vi vô đạo đức… Mặt khác, các thí sinh này hiện nay đều đã trên 18 tuổi nên việc ảnh hưởng tâm lý, tổn thương (nếu có)là không đáng kể. Chưa nói đến việc họ phải đối mặt, chịu trách nhiệm về những sai phạm do chính họ gây ra, bởi vì họ đã là người hoàn toàn trưởng thành, cả về thể chất lẫn trách nhiệm pháp lý.
Ngoài ra, vì không công bố danh tính nên nhiều người nghi ngờ, cho rằng đây là con em của các vị lãnh đạo, chức sắc có quyền uy hoặc cá nhân có thế lực nào đó ở địa phương nên mới che giấu.Vì thế, việc công bố danh tính thí sinh gian lận lại càng cần thiết, quan trọng. Điều này nhằm giữ gìn uy tín, hình ảnh cho lãnh đạo địa phương, tránh gây cho họ mang tiếng “oan”, nhất là những người không liên quan gì đến vụ việc này.
Hành vi gian lận trong kỳ thi quốc gia không đơn giản là gian lận thi cử, điểm số thông thường mà bởi đây là kỳ thi rất quan trọng, nếu xảy ra gian lận sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền giáo dục, sự tồn vong, phát triển của đất nước. Bởi vì, đa số những người này đều chọn các trường đại học danh giá, có uy tín như bách khoa, y dược hoặc các trường lực lượng vũ trang. Đây đều là các trường đòi hỏi người học phải có thực tài, thật sự giỏi nên gian lận để vào được các trường này là thảm họa đối với nền giáo dục.
Nguy hiểm hơn, những kẻ gian lận khi ra trường có thể được bố trí vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, lực lượng vũ trang thì nguy cơ tác động tiêu cực đối với sự ổn định, phát triển đất nước là rất cao. Khi đó, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra khi tương lai đất nước được trao cho những kẻ dốt nát, gian lận điều hành, quản lý. Do đó, nên không thể xem nhẹ, bỏ qua hành vi gian lậnmột cách dễ dàng, xử lý qua loa được.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm công bố danh tính những người gian lận điểm thi. Đây không những là bài học đối với những học sinh có hành vi gian lận và gia đình họ mà còn để răn đe, phòng ngừa đối với những kẻ khác về sau.
Vĩnh Linh(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)