Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Cell đã phân tích bộ dữ liệu bộ gien của 8 loài tê giác, gồm cả những loài đã tuyệt chủng như tê giác kỳ lân Siberia.

Phát hiện về gien tê giác kỳ lân khiến các nhà khoa học ngạc nhiên

Anh Tú (dịch) | 12/01/2023, 10:58

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Cell đã phân tích bộ dữ liệu bộ gien của 8 loài tê giác, gồm cả những loài đã tuyệt chủng như tê giác kỳ lân Siberia.

Tại sao tê giác tuyệt chủng gần đây?

Trái đất cổ đại là ngôi nhà tốt hơn cho tê giác so với ngày nay. Sau khi xuất hiện ở Bắc Mỹ hoặc lục địa Âu - Á khoảng 55 triệu năm trước, các động vật có vú ăn cỏ tiếp tục phát triển thành hơn 100 loài lang thang khắp Âu - Á, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và châu Phi.

Một số khá khác với các loài hiện tại. Ví dụ, Hyracodontidae là một họ tê giác không sừng trông giống như những con ngựa vạm vỡ. Tê giác Metamynodon dường như dành phần lớn thời gian ở dưới nước, giống như hà mã. Và sau đó là tê giác Paraceratherium, cao 7 mét, nặng 15 tấn, là một trong những động vật có vú trên cạn lớn nhất từng đi trên hành tinh.

Nhưng vào thời điểm kỷ nguyên Pleistocen bắt đầu khoảng 2,5 triệu năm trước, phần lớn tê giác đã tuyệt chủng. Vào cuối kỷ Pleistocene, khoảng 11.700 năm trước, chỉ còn 9 loài tê giác sống sót. Ngày nay vẫn còn 5 loài và tất cả đều đang bị đe dọa.

Các nhà khoa học đã hiểu rõ lý do tại sao những con tê giác gần đây lại tuyệt chủng - có thể là sự kết hợp của biến đổi khí hậu thời tiền công nghiệp và nạn săn trộm. Nhưng điều khiến các nhà sinh vật học bối rối từ lâu là phả hệ tiến hóa của loài tê giác.

Kể từ khi Charles Darwin khởi xướng thuyết tiến hóa, đã có cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa các loài tê giác hiện có với họ hàng vừa tuyệt chủng. Các nhà sinh học đã đề xuất một số giả thuyết về dòng dõi của những con tê giác gần đây, tập trung vào các yếu tố khác nhau như địa lý hoặc đặc điểm của sừng. Cuộc tranh luận đó bây giờ dường như đã được giải quyết.

Lịch sử tiến hóa của tê giác

Một nghiên cứu gần đây, được công bố trên tạp chí Cell,  đã phân tích bộ dữ liệu bộ gien của 8 loài tê giác, bao gồm tất cả các loài còn tồn tại và 3 loài đã tuyệt chủng. Các loài còn tồn tại gồm tê giác Ấn Độ, tê giác trắng, tê giác đen, tê giác Sumatra và tê giác Java, trong khi các loài đã tuyệt chủng gồm kỳ lân Siberia, tê giác Merck và tê giác lông cừu.

Mục tiêu là so sánh bộ gien của các loài đang sống với các loài đã tuyệt chủng gần đây để thiết lập phả hệ tiến hóa của chúng. Kết quả cho thấy một sự khác biệt đã xảy ra giữa các loài tê giác khoảng 16 triệu năm trước, khiến chúng tiến hóa thành hai dòng riêng biệt trên lục địa châu Phi và Á - Âu. Sự phân chia dựa trên địa lý này đã giúp định hình quá trình tiến hóa của những con tê giác vẫn còn sống sót cho đến ngày nay.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự hình thành cầu đất Gomphotherium, nối liền châu Phi và Á - Âu khoảng 19 triệu năm trước, có thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phân kỳ tổ tiên của chúng.

Các nhà phân tích viết: “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng cây cầu trên đất liền này đã tạo điều kiện cho các sự kiện phát tán, sau đó là sự thay thế, cũng như đã được ghi chép đầy đủ về sự di cư vào châu Phi từ Âu - Á của các loài tê giác, hươu cao cổ và sự di cư từ châu Phi sang Âu - Á của vượn, linh dương và voi, trong số những loài khác”.

Tê giác kỳ lân, tên khoa học: Elasmotherium, là một chi tê giác khổng lồ cao trung bình 2m, dài 4,5 - 5,0m, có một sừng dài khoảng 2m trên trán và có thể nặng tới 3,5 - 4,5 tấn. Các chân của chúng dài hơn của các loài tê giác khác và có lẽ thích hợp cho việc phi nhanh, làm cho dáng đi của chúng giống như kiểu phi nước đại của ngựa. Các răng của chúng tương tự như của ngựa và thích hợp với việc gặm các loại cây cỏ mọc thấp.

Loài to lớn nhất - E. sibiricum, đã từng sinh sống ở miền nam Nga, Ukraine và Moldova trong kỷ Pleistocen. Nó cũng xuất hiện vào Hậu Pleistocen ở Trung Á. Chúng cũng chiếm lĩnh toàn bộ phần tây nam Nga, kéo dài về phía đông tới miền Tây Siberia. Các loài tê giác này tồn tại ở Đông Âu cho tới khoảng 39.000 năm trước, trong Hậu Pleistocen. 

Tuy nhiên, một số người cho rằng các loài tê giác Elasmotherium có thể đã sống sót tới thời kỳ cổ đại và chúng có thể là nguồn gốc của các huyền thoại về các loại độc giác thú (thú một sừng), do miêu tả của các động vật này là phù hợp tốt với thú một sừng karkadann của người Ba Tư, cũng như kỳ lân của người Trung Quốc.

Các đặc trưng kỳ dị về hình thái của tê giác Elasmotherium đã tạo ra 2 giả thuyết chính về sự xuất hiện và đặc trưng môi trường sống của chúng. Giả thuyết thứ nhất, được công nhận nhiều hơn như miêu tả trên đây, coi chúng như là các động vật to lớn có lông mịn như len và sừng to ở trán, sinh sống trên các thảo nguyên. Tuy nhiên, người ta chưa tìm thấy bất kỳ hóa thạch nào của sừng loài này.

Giả thuyết thứ hai coi Elasmotherium là các sinh vật sống ven sông. Rất có thể là Elasmotherium sinh sống trong cả hai môi trường này. Các đặc trưng về bộ răng và hộp sọ hỗ trợ cho giả thuyết thứ hai. Tổ hợp các đặc trưng này cũng như việc chúng không có răng nanh và các bướu bên phát triển mạnh của đốt sống cổ cho thấy chúng có chuyển động sang bên của đầu, có lẽ là do gặm cỏ. Cấu trúc bộ răng kiểu hypsodont chỉ ra sự tồn tại của các hạt khoáng vật trong thức ăn. Các loại thức ăn như thế chỉ có thể thu thập bằng cách lôi kéo các loại thực vật rậm rạp ra khỏi đất ẩm. Các điều kiện như thế là điển hình của các môi trường sống ven sông. Ngược lại, môi trường sống thảo nguyên được chỉ ra bởi các chân vừa dài vừa mảnh dẻ của chúng, đặc biệt thích hợp cho các sinh vật gặm cỏ trên một không gian rộng lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
25 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện về gien tê giác kỳ lân khiến các nhà khoa học ngạc nhiên