Nghề muối từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Bạc Liêu. Với bờ biển dài 56km và điều kiện khí hậu thuận lợi, tỉnh Bạc Liêu nổi tiếng là một trong những vùng sản xuất muối hàng đầu của Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Phát huy giá trị hạt muối Bạc Liêu

Trần Khải 18/07/2024 11:05

Nghề muối từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Bạc Liêu. Với bờ biển dài 56km và điều kiện khí hậu thuận lợi, tỉnh Bạc Liêu nổi tiếng là một trong những vùng sản xuất muối hàng đầu của Việt Nam.

"Diêm dân vẫn chung tình với hạt muối"

Muối Bạc Liêu (còn gọi là muối Ba Thắc) là một thương hiệu muối dân gian nổi tiếng gắn liền với sinh kế của nhiều diêm dân và đã trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển từ thời Pháp thuộc. Nghề làm muối ở Bạc Liêu hình thành cách đây khoảng 100 năm, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng người làm muối ở địa phương vẫn kiên trì bám trụ để phát triển. Hạt muối của Bạc Liêu được đánh giá là có vị ngon hơn so với nhiều nơi khác. Tuy nhiên, giá trị hạt muối vẫn chưa được đề cao, điệp khúc được mùa mất giá vẫn còn tái diễn và người làm muối ở Bạc Liêu vẫn chưa giàu lên từ nghề truyền thống này.

m.jpg
Đồng muối ở Bạc Liêu

Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Trần Tuấn Kiệt cho biết, huyện Đông Hải là địa phương có diện tích muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với 1.280ha. Những năm gần đây, giai đoạn đầu năm tình hình thời tiết thường gây nhiều bất lợi cho nghề làm muối. Đặc biệt 2 vụ muối gần đây mưa trái mùa gây thiệt hại lớn cho diêm dân.

"Bao đời nay diêm dân dù có vất vả, thậm chí không ít lần trắng tay vì muối nhưng họ vẫn chung tình với muối. Sản xuất muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp phơi nước nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định đến sản lượng, chất lượng muối", ông Kiệt nói.

Vụ muối ở Bạc Liêu bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ngày nay, muối Bạc Liêu tiếp tục được khẳng định thương hiệu và có vị trí nhất định trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghề làm muối đòi hỏi diêm dân phải có tính cần cù, chịu khó, cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với thiên nhiên.

Sản xuất muối ở Bạc Liêu đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa kinh nghiệm và công nghệ truyền thống. Quá trình này bắt đầu từ việc chọn địa điểm phù hợp với độ mặn cao và lượng nắng dồi dào. Người dân sử dụng ruộng muối - nơi nước biển được dẫn vào và để bay hơi dưới ánh nắng mặt trời. Qua thời gian, muối sẽ kết tinh và được thu hoạch thủ công.

Nghề làm muối hiện nay dẫu có nhiều đổi thay khi ứng dụng khoa học công nghệ mới, kết hợp cơ giới hóa trong sản xuất, nhưng những làng nghề muối Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, phương pháp sản xuất độc đáo vốn có của mình. Với gần 1.500ha, tập trung chủ yếu tại huyện Đông Hải và một phần của huyện Hòa Bình, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, sản lượng hằng năm đạt hơn 15.000 tấn.

m2.jpg
Dẫu trải qua nhiều thăng trầm nhưng bà con diêm dân ở Bạc Liêu vẫn kiên trì bám trụ

Ông Lê Thanh Bình, diêm dân ngụ xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) cho hay từ lâu cha ông ta đã xác định con người không thể thiếu gạo và muối. Vì vậy, ngày xưa các bậc tiền bối đã rất khó khăn mới tạo ra được phương thức làm muối. Qua 3 đời, hiện nay gia đình ông Bình làm muối đã ngót nghét mấy chục năm, bao sướng khổ ông đều đã trải qua.

Với ông Trần Dân Công, diêm dân ngụ xã Điền Hải (huyện Đông Hải) cũng vậy, gia đình ông làm nghề muối đến nay đã gần 30 năm, có những năm muối chỉ 2.000 đồng/giạ (20kg). Dẫu chịu nhiều khổ cực nhưng ông Công vẫn bám víu lấy nghề đến tận bây giờ.

"Ngày xưa phải dẫn nước từ đê quốc phòng vào cánh đồng muối gần 3km, diêm dân phải đào đường dẫn nước vào đến ruộng muối rất vất vả. Bây giờ hiện đại hơn, bà con toàn dùng máy móc, đỡ hơn nhiều", ông Công cho biết.

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất

Nghề muối không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt cho Bạc Liêu. Ở các lễ hội về nghề muối, những câu chuyện và kinh nghiệm truyền đời về nghề đều phản ánh sâu sắc tinh thần và bản sắc văn hóa đặc trưng của con người ở vùng đất này. Ngoài ra, muối Bạc Liêu còn được biết đến với chất lượng cao, trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối chất lượng cao, như phương pháp trải bạt nhựa trên sân. Việc ứng dụng phương pháp sản xuất này không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà hạt muối cũng đẹp, trắng hơn, bán được với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống.

m(1).jpg
Thu hoạch muối

Bà Nguyễn Thị Thu, diêm dân ngụ xã Điền Hải (huyện Đông Hải) hồ hởi cho biết: "Làm muối truyền thống giá thấp, hiệu quả không cao; bây giờ làm muối trải bạt nhanh kết tinh, thời gian thu hoạch ngắn, giá cao hơn. Tôi trải bạt 4 sân phơi với vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng, tầm khoảng 1 năm sẽ lấy lại vốn".

Ông Nguyễn Hồng Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp Huy Điền (xã Điền Hải) đánh giá, để giảm sức lao động cần phải áp dụng khoa học công nghệ và đầu tư cho sản xuất muối trải bạt. Hợp tác xã rất quan tâm tới việc cải tiến công nghệ sản xuất muối để có sản phẩm muối OCOP.

Nói về kế hoạch sản xuất muối ở địa phương, ông Trần Minh Dương, Phó chủ tịch UBND xã Điền Hải cho hay, thời gian tới, huyện Đông Hải sẽ được Bộ NN-PTNN quan tâm đầu tư về hạ tầng để thúc đẩy nghề làm muối, trong đó có xã Điền Hải. Khi được đầu tư, xã sẽ tập trung phát triển thương hiệu muối để có thể tham gia sản phẩm OCOP, từng bước vươn xa hơn ở thị trường trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu.

Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Trần Tuấn Kiệt chia sẻ rằng nghề sản xuất muối tại Đông Hải đã tồn tại hơn 100 năm, có nhiều hộ khá và giàu lên từ nghề truyền thống này. Hiện nay địa phương cũng đang hỗ trợ những người yêu nghề, giúp duy trì, phát triển nghề truyền thống này.

Để nghề muối Bạc Liêu phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu, kết hợp phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng là những hướng đi đầy triển vọng. Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cho đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đầu tư hạ tầng cho sản xuất muối, việc chế biến, xuất khẩu muối cũng được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối. Hiện Bạc Liêu đã có 2 nhà máy chế biến muối với tổng công suất thiết kế trên 36.000 tấn/năm. Trong đó, một số sản phẩm muối chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngoài việc khuyến khích diêm dân liên kết sản xuất và áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt, trong quá trình sơ chế, Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu đã có sáng kiến chế tạo máy sấy trống quay để đưa ẩm độ muối từ 5% xuống dưới 1%. Hạt muối sau khi sấy có độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc sáng trắng, vị mặn thanh.

Đây là sáng kiến đoạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần thứ 6. Sáng kiến máy trống quay đã khắc phục được nhược điểm của sấy muối tĩnh vỉ ngang và sấy sàng trước đây như tốn nhiều nhân công, nhiên liệu, thiết bị mau hỏng, sản phẩm không đồng đều về ẩm độ.

Được biết, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối thời kỳ 2021-2025 cho huyện Đông Hải với tổng nguồn vốn hơn 130 tỉ đồng. Theo đó, dự án sẽ cải tạo, xây dựng mới hơn 15km đường giao thông và thay mới 4 cây cầu phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.300ha tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy giá trị hạt muối Bạc Liêu