Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, người dân nông thôn.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và cho nhiều ý kiến hoàn thiện "Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
Trung ương nhận thấy, sau gần 15 năm thực hiện nghị quyết, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Nông nghiệp đang tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nông dân nước ta đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh; dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời phải coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
Theo đó, phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Đồng thời phải khẳng định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ, tiệm cận với đô thị.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
Theo Tổng bí thư, phải nhận thức và xác định rõ nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và người dân nông thôn.
“Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng bí thư cũng yêu cầu thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã kiểu mới; coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...), trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không chỉ phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, của tập thể và lợi ích của xã hội, của Nhà nước; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.
Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các cá nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, và quản lý dân chủ.
Ngoài ra, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng; có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…