Chỉ vài tuần trước, rất ít người bên ngoài Venezuela biết đến Juan Guaidó. Nhưng vị kỹ sư công nghiệp kiêm chính trị gia 35 tuổi này đột nhiên nổi lên toàn cầu những ngày gần đây bởi thách thức mạnh mẽ của ông đối với quyền lực gần như toàn diện của Tổng thống Nicolás Maduro.

Phe đối lập ở Venezuela đánh cược vào nhà lãnh đạo trẻ Juan Guaidó

15/01/2019, 20:44

Chỉ vài tuần trước, rất ít người bên ngoài Venezuela biết đến Juan Guaidó. Nhưng vị kỹ sư công nghiệp kiêm chính trị gia 35 tuổi này đột nhiên nổi lên toàn cầu những ngày gần đây bởi thách thức mạnh mẽ của ông đối với quyền lực gần như toàn diện của Tổng thống Nicolás Maduro.

Chủ tịch Quốc hội mới của Venezuela, ông Juan Guaidó - Ảnh: Reuters

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela vào tháng 5 năm ngoái, các phe phái đối lập với đảng của ông Maduro đã tuyên bố không công nhận cuộc bầu cử vì cho rằng nó gian lận với kết quả 2/3 phiếu ủng hộ ông Maduro.

Phớt lờ phe đối lập, ông Nicolá Maduro đã chính thức tuyên thệ nhậm chức trong nhiệm kỳ 6 năm vào hôm 10.1. Chỉ một ngày sau, Juan Guaidó - Chủ tịch Quốc hội mới của Venezuela do phe đối lập kiểm soát - đã dẫn 3 điều khoản hiến pháp hiện hành để kêu gọi bầu cử tự do ngay lập tức, và kêu gọi đoàn kết nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt việc ông Maduro chiếm quyền. Đây được coi là một bước đột phá lớn chưa từng có trong lịch sử Venezuela.

Ngay sau phát biểu bất ngờ của vị lãnh đạo đối lập này, Quốc hội và Đảng Ý chí Phổ biến (Popular Will) của ông Guaidó đã phát hành thông cáo báo chí giải thích rằng, thông báo của ông Guaidó chính là tuyên bố ông sẽ đảm đương chức tổng thống và lãnh đạo một chính phủ thực tế mới.

Trong bối cảnh đất nước Venezuela đang “oằn mình” dưới sức nặng của tham nhũng, quản lý sai lầm và lạm phát nghiêm trọng dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm, sự xuất hiện của Juan Guaidó đã tiếp thêm sức mạnh cho các phe đối lập với mong muốn cải tổ chính phủ. Ông Guaidó nổi lên như một biểu tượng hy vọng cho những người từ lâu không hài lòng với sự lãnh đạo đất nước của ông Maduro.

Đáng chú ý, chủ tịch Quốc Hội Juan Guaidó vừa bị các nhân viên tình báo Venezuela bắt hôm 13.1 trên xa lộ khi đang trên đường đến một cuộc mít tinh ngay bên ngoài thủ đô Caracas. Ông đã bị ép phải vào một chiếc xe tải và bị giam, tuy nhiên sau khoảng 45 phút, ông được thả ra mà không hề hấn gì.

Theo bộ trưởng Thông Tin Jorge Rodriguez, các nhân viên tình báo bắt ông Juan Guaidó đã hành động một cách đơn phương và bất hợp pháp. Bộ trưởng khẳng định các sĩ quan tình báo có liên quan sẽ bị sa thải.

Sau khi được thả ra, Juan Guaido đã đến cuộc mít tinh như đã dự trù. Ông Guaidó cho biết đã thuyết phục được những kẻ bắt cóc thả ông ra, và theo ông, đây là bằng chứng cho thấy chính quyền không còn quyền lực ngay cả đối với lực lượng an ninh của mình.

“Các bạn, cuộc chơi đã thay đổi. Nếu họ muốn gửi cho chúng tôi một tin nhắn đe dọa, câu trả lời sẽ là chúng tôi không sợ”, Chủ tịch Quốc hội Venezuela tuyên bố ngay sau đó.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã lên án vụ bắt giữ Guaidó, và ca ngợi những quyết định dũng cảm của Guaidó khi thách thức chính quyền của Maduro.

Được biết, ông Juan Guaidó xuất thân trong một gia đình trung lưu, với bố là một phi công thương mại, còn mẹ làm giáo viên. Tiểu sử được đăng trên Twitter của Guaidó mô tả đơn giản ông là một công chức nhà nước, người dành toàn bộ tình yêu của mình cho Venezuela. Trước đó, ông đã tham gia phong trào sinh viên phản đối cựu Tổng thống Hugo Chávez năm 2007.

Guaidó đảm đương chức vụ lãnh đạo tại đảng Ý chí Phổ biến (Popular Will), một phần vì phần lớn lãnh đạo của đảng này đã bị bỏ tù hoặc trốn khỏi đất nước. Vào ngày 5 tháng 1, ông được bầu làm người đứng đầu Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát, duy trì sự công nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế, mặc dù đã bị chính Tổng thống Maduro trước đó phủ nhận vào năm 2017.

David Smilde, thành viên cao cấp tại Văn phòng Washington ở Mỹ Latinh cho biết: “Rõ ràng Guaidó không phải là người dày dạn kinh nghiệm như các chính trị gia khác, nhưng điều đó thực sự có thể là một lợi thế. Ông ấy không mang các tư tưởng chính trị bảo thủ cũ mà đem lại một cái gì đó khác biệt”.

Cả Chile và Colombia hiện đã có nhiều động thái bày tỏ ủng hộ Quốc hội Venezuela do Guaidó lãnh đạo. Người đứng đầu Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Luis Almagro, và chủ tịch cực hữu mới của Brazil, Jair Bolsonaro, đã công nhận Guaidó là chủ tịch lâm thời Venezuela.

Việc ông Nicolas Maduro đã thực hiện lễ tuyên thệ làm tổng thống Venezuela nhiệm kỳ 2, thứ năm tuần trước đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cả phe đối lập và một số nước trong khu vực, đặc biệt là Khối Lima.

Hiện Khối Lima gồm Canada, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Guyana, Honduras, Panama, Paraguay, Peru và Saint Lucia, trừ Mexico, đều tuyên bố không công nhận các quan chức ngoại giao do ông Maduro bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2.

Thêm vào đó, Mỹ từ lâu đã không công nhận chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Nếu chính phủ Hoa Kỳ công nhận Juan Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela, tòa án Hoa Kỳ sẽ coi đây là chính phủ duy nhất có thể quản lý tài sản.

Do đó, chính phủ Maduro, có thể bị tổn hại nghiêm trọng do xói mòn thêm mối quan hệ với Mỹ - bao gồm cả việc mất quyền kiểm soát đối với công ty dầu lửa Citgo có trụ sở tại Hoa Kỳ. Việc cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ có thể đặt ra những thách thức mới cho các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ được thiết kế để xử lý dầu thô nặng Venezuela. Và rất có thể đặt ra câu hỏi về tình trạng của Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Caracas, Venezuela.

Phát biểu trên truyền hình tuần trước, Tổng thống Venezuela Maduro cho biết: “Một nhóm các cậu bé” đang nắm giữ phe đối lập. Người dân đang đặt ra câu hỏi Juan Guaidó là ai?”.

Trước động thái đó, ông Eric Farnsworth, phó chủ tịch của Hiệp hội và Hội đồng Châu Mỹ bày tỏ quan điểm: “Nếu chính phủ có thể làm mất uy tín của Guaidó bằng cách đơn giản là phớt lờ hoặc chế nhạo ông ấy, đó là những gì họ có thể làm lúc này. Dù thế nào, Guaidó sẽ cần có một phong thái mạnh mẽ để thách thức lại chế độ của Tổng thống Maduro”.

Bất chấp những lời chế nhạo từ Tổng thống Maduro, các động thái đáp trả của Guaidó, dường như đã gây áp lực cho nhà lãnh đạo Venezuela tìm cách tiếp cận với phe đối lập nhiều hơn. “Ngay bây giờ, tôi muốn ngồi lại với phe đối lập và mở một cuộc đối thoại để chấm dứt các cuộc xung đột vô ích và không cần thiết”, ông Maduro nói.

Guaidó được kỳ vọng sẽ gây áp lực cho chính phủ Maduro nhằm đồng ý với các cuộc bầu cử Tổng thống mới. Nhưng thành công sẽ đòi hỏi một chiến lược được xây dựng một cách cẩn thận cùng với sự đoàn kết giữa các phe phái bất đồng chính kiến ​​- điều mà phe đối lập đã không đạt được trong quá khứ.

Từ đó có thể thấy trong những ngày tới, căng thẳng giữa Tổng thống Maduro và Chủ tịch quốc hội Guaido sẽ còn dâng cao, nhất là khi ông Maduro đang có sự ủng hộ của quân đội và tòa án, còn ông Guaido có sự ủng hộ từ Quốc hội, và cả Hoa Kỳ cùng các nước khác trong Khối Lima.

Hoàng Vũ (theo The Washington Post)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phe đối lập ở Venezuela đánh cược vào nhà lãnh đạo trẻ Juan Guaidó