Bóng đá nam Việt Nam lên tầm vóc mới là công sức tập thể nhưng không thể phủ nhận có sự đóng góp không nhỏ của các ông bầu. Với Quần vợt Việt Nam cũng thế.

Phía sau thành công của quần vợt Việt Nam tại SEA Games

Đặng Hoàng | 22/05/2022, 17:44

Bóng đá nam Việt Nam lên tầm vóc mới là công sức tập thể nhưng không thể phủ nhận có sự đóng góp không nhỏ của các ông bầu. Với Quần vợt Việt Nam cũng thế.

Lần đầu tiên QVVN 2 lần liên tiếp đoạt HCV đơn nam SEA Games

Trước năm 1975, các tay vợt nam của ta được xem là những ông chủ lớn, thống trị môn banh nỉ từ SEAP Games Thứ Nhất (1959) đến SEAP Games thứ 7 (1973). Trong bảy kỳ đó, quần vợt nam có 19 bộ Huy chương ở ba nội dung đơn nam, đôi nam và đồng đội nam (đến kỳ SEAP Games thứ 3 năm 1965 mới có nội dung này), các tay vợt nam Việt Nam gồm Võ Văn Bảy, Võ Văn Thành, Lưu Hoàng Đức, Lý Alline An đã đoạt được 12/19 HCV, Thái Lan chỉ đoạt sáu vàng và chiếc còn lại thuộc về Myanmar.

Ở giải đơn nam, hai năm sau sau khi Võ Văn Bảy gác vợt trước Sutiraphan Karalak trong trận chung kết SEAP Games 1959, tại Yangon, ông Bảy đã hạ đo ván một tay vợt Thái Lan khác là Seri Charuchinda,
đoạt chiếc HCV đầu tiên cho quần vợt Việt Nam tại SEAP Games 1961.

Sau ông Bảy, chỉ mỗi Võ Văn Thành giành được HCV quần vợt đơn nam tại SEAP Games 1967. Hai lần vào chung kết sau đó tại SEAP Games 1971 và 1973, Võ Văn Thành đều thất bại trước Somparn Champisri (Thái Lan). Võ Văn Bảy đoạt hai HCĐ ở hai kỳ SEAP Games 1971 và 1973.

Song các tay vợt Việt Nam là những người “bất khả chiến bại” ở giải đôi nam, với kỳ tích bảy lần liên tiếp đoạt HCV ở 7 kỳ SEAP Games (từ 1959 đến 1973). Võ Văn Bảy – Võ Văn Thành vô địch năm 1959, 1961, 1969; đôi Võ Văn Thành – Lưu Hoàng Đức vô địch năm 1965, đôi Võ Văn Bảy – Lưu Hoàng Đức vô địch 1967, đôi Võ Văn Bảy – Lý Alline An vô địch liền hai năm 1971, 1973.

Mãi đến SEAP Games 1965, nội dung đồng đội nam mới được đưa vào chương trình thi đấu môn quần vợt. Sau khi thua chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết SEAP Games 1965, đội tuyển QVVN với những Bảy, Thành, Đức, Lý Alline An đoạt liền ba HCV tại các kỳ SEAP Games 1967, 1969 và 1971.

Nhắc lại lịch sử để hiểu rõ hơn giá trị của 2 chiếc HCV đơn nam mà QVVN đoạt được liên tiếp tại 2 kỳ SEA Games 30 và 31.

Cần biết rằng, mỗi SEA Games có đến 7 bộ huy chương dành cho các nội dung đồng đội (nam, nữ), đôi (nam, nữ, nam nữ phối hợp) và đơn (nam, nữ). Thế nên hai chiếc HCV đơn nam càng giá trị hơn vì đó là 2 chiếc HCV duy nhất của QVVN có được kể từ khi hội nhập trở lại Đại hội Thể thao Đông Nam Á tại SEA Games 15, Philippines 1991.

qv1.jpg
Daniel Nguyễn và Hoàng Nam, HCV và HCB SEA Games 30

Nói chính xác hơn, chiếc HCV đơn nam mà Lý Hoàng Nam đoạt được tại SEA Games 2019 là chiếc HCV đầu tiên của QVVN sau 52 năm kể từ khi Võ Văn Thành đoạt dược tại SEAP Games 1967.

Và 2 HCV đơn nam SEA Games liên tiếp là lần đầu tiên trong lịch sử 62 năm từ SEAP Games cho đến SEA Games (1959-2021), QVVN mới có được thành tích tuyệt vời này.

Bầu Giang là ai?

Có một thực tế này không thể phủ nhận, nếu không có sự xuất hiện của ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Hải Đăng Group (Tây Ninh), QVVN chắc chắn sẽ không có 2 chiếc HCV liên tiếp quý giá này.

Ông Giang yêu thể thao, đam mê quần vợt và từ cuối năm 2017, ông bắt đầu tập trung đầu tư toàn diện cho quần vợt tỉnh nhà Tây Ninh.

qv2.jpg
Giang và Nam với ông Thái Trường Giang sau trận chung kết

Đầu tiên ông Giang tổ chức nhiều giải chất lượng cao với sự tham dự của nhiều tay vợt hàng đầu Việt Nam để tạo tiếng vang cho Tây Ninh. Cùng lúc đó ông Giang trải thảm đỏ lần lượt mời các tay vợt hàng đầu Việt Nam về thi đấu cho Tây Ninh, nổi bật là Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Nguyễn Văn Phương… trong đó Hoàng Nam chính thức từ Bình Dương về thi đấu cho quê nhà Tây Ninh từ năm 2019 dù rằng từ 2018, ông Giang đã “chia lửa” với Bình Dương - đơn vị chủ quản của Hoàng Nam - 50% kinh phí/năm cho Hoàng Nam mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì.

Không dừng lại ở việc “săn đầu người”, ông Giang còn nâng cấp cơ sở vật chất, thuê đội ngũ, chuyên gia nước ngoài cùng đội ngũ nhiệt tình và có nghề trong nước làm việc tại Trung tâm Thể thao Hải Đăng để đào tạo các tay vợt trẻ từ chuyên môn đến học vấn.

Với cơ sở vật chất tốt (6 sân quần vợt, hồ bơi, phòng gym, nhà hàng, dãy nhà nghỉ cho các VĐV…), Trung tâm Thể thao Hải Đăng Tây Ninh không chỉ tổ chức các giải hàng đầu quốc gia mà còn đăng cai các giải quốc tế.

Vừa lo “ngọn” vừa chăm sóc, đầu tư “gốc”, ông Giang đã nhanh chóng biến Tây Ninh từ một nơi vô danh trên bản đồ QVVN thành Trung tâm quần vợt của cả nước.

Săn HCV đơn nam SEA Games

Trước tiềm năng cùng tiềm lực của các tay vợt nam nữ Việt Nam, rất nhạy bén và thực tế, ông Giang sớm xác định các tay vợt nam mới có nhiều khả năng đoạt HCV SEA Games hơn là nữ.

Thế là ông Giang mời Daniel Nguyễn, tay vợt Việt kiều Mỹ từng trong Top 200 ATP về thi đấu cho Hải Đăng Tây Ninh. Một mũi tên trúng nhiều đích: nâng cao thành tích cho Hải Đăng, các tay vợt Hải Đăng được tiếp xúc, trui rèn, học hỏi tính cách chuyên nghiệp của Daniel và trên hết, Daniel Nguyễn sẽ được LĐQV Việt Nam làm thủ tục nhập quốc tịch VN để thi đấu tại SEA Games.

Chiến lược của ông Giang đã thành hiện thực 100%: Hải Đăng Tây Ninh vô đối ở các giải trong nước trong các nội dung nam, Daniel Nguyễn thi đấu cho đội tuyển Việt Nam và trận chung kết đơn nam tại SEA Games 30 là trận chiến nội bộ giữa 2 tay vợt Hải Đăng Tây Ninh trong màu áo quốc gia: Daniel Nguyễn tranh HCV với Lý Hoàng Nam với chiến thắng thuộc về Lý Hoàng Nam.

Và, trong muôn vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm khiến cho các tay vợt nam Việt Nam không thể thi đấu, ông Giang đã tạo mọi điều kiện cho Hoàng Nam, Linh Giang, Văn Phương, 3 tay vợt của Hải Đăng Tây Ninh và cũng là 3 tuyển thủ quốc gia thi đấu liên tục từ trong nước đến nước ngoài từ tháng 9.2021 nhằm chuẩn bị SEA Games 31 khi Việt Nam là nước chủ nhà vào tháng 5.2022.

Và, một lần nữa ông Giang lại đúng!

Nguyễn Văn Phương cùng Lê Quốc Khánh và Trịnh Linh Giang cùng Phạm Minh Tuấn đã đem về cho QVVN 2 HCĐ đôi nam.

Nhưng đỉnh cao vẫn là các tay vợt Hải Đăng Tây Ninh tái lặp thành tích tuyệt vời: biến trận chung kết đơn nam là của riêng Việt Nam và chiếc HCV là cuộc đua tranh giữa đương kim vô địch Lý Hoàng Nam với Trịnh Linh Giang.

***

Hoàng Nam đã lần lượt thắng Daniel Nguyễn và Linh Giang trong 2 trận chung kết SEA Games 30, 31 để trở thành tay vợt xuất sắc nhất trong lịch sử QVVN.

Và, không có gì quá đáng khi nói rằng: phía sau vầng hào quang của Hoàng Nam cũng như là chùm ánh sáng rực rỡ của các tuyển thủ Hải Đăng Tây Ninh đã và đang khoác áo đội tuyển Việt Nam là sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ của… Bầu Giang!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau thành công của quần vợt Việt Nam tại SEA Games